Chống tham nhũng, tiêu cực

4 giải pháp chống lãng phí: Truy trách nhiệm cá nhân

TB (theo TTXVN) 25/10/2024 05:43

Cũng như trong cuộc chiến chống tham nhũng, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hết sức quan trọng.

tru-so-bo-hoang-8(1).jpg
Trụ sở cơ quan Nhà nước trên phố Tô Hiệu (quận Hà Đông, Hà Nội) bỏ không, lãng phí sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội năm 2008

Trong bài viết “Chống lãng phí," Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ bên cạnh việc nhận thức rằng chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go thì còn cần hoàn thiện và triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể gây thất thoát tài sản công; ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu trong phòng, chống lãng phí.

Xử lý việc "vung tay quá trán"

Lãng phí, cũng như tham nhũng, là một trong những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến," “tự chuyển hóa." Hiện tượng phung phí, "vung tay quá trán" với sự biến hóa tinh vi, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Điều 78 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, để xảy ra lãng phí thì phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật; tùy theo mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì tùy theo mức độ mà sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức cấp dưới và trong cơ quan, tổ chức do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách thì tùy theo mức độ mà sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 là một bước tiến đáng kể trong xử lý việc phung phí của cải, tài nguyên của xã hội. Trong một thời gian dài lãng phí trong hoạt động công quyền chỉ bị coi là hành vi “chưa đẹp," cần được giáo dục, tuyên truyền. Bây giờ, hành vi lãng phí với mức độ nghiêm trọng không những bị lên án mà còn bị xử lý.

Tuy nhiên, cho đến nay trên thực tế việc xử lý lãng phí vẫn chưa được chú trọng đúng mức và thường được gắn với xử lý tham nhũng; cơ chế giám sát, xử lý lãng phí chưa thực sự nghiêm khắc, chưa xứng với thực tế.

Luật đã có với những quy định rất cụ thể, song điều quan trọng là đưa luật vào đời sống, thực thi pháp luật một cách hiệu quả. Đã có nhiều đại án về tham nhũng thì chắc chắn rằng, “đại án lãng phí” cũng cần phải xử lý nghiêm khắc.

Sẽ có chỉ dấu về chống lãng phí của cán bộ, đảng viên

Cũng như trong cuộc chiến chống tham nhũng, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hết sức quan trọng.

Trong bối cảnh một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu đối với việc gìn giữ tài sản công, ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, nhân dân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi; tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cán bộ, đảng viên thực sự gắn với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì chúng ta phải có chỉ dấu cụ thể để đánh giá, xếp loại.

Trong bài viết "Chống lãng phí," Tổng Bí thư Tô Lâm đòi hỏi cuộc chiến chống lãng phí phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu.

Một trong những giải pháp được nêu ra là Ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể về những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.

Việc Đảng ban hành quy định nhận diện cụ thể về những biểu hiện tiêu cực cần được khắc phục đã có tiền lệ vào năm 2018.

Ngày 24/9/2018, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Kèm theo Hướng dẫn là văn bản liệt kê 82 biểu hiện cụ thể để nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến," “tự chuyển hóa” trong nội bộ để đảng viên tự liên hệ với bản thân, tự nhận ra các biểu hiện, từ đó xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa.

Bài tiếp theo: Bắt đúng bệnh, kê đúng đơn

TB (theo TTXVN)