Bình luận

Thượng đỉnh BRICS ở Nga mang thông điệp gì cho thế giới?

HÙNG ANH 24/10/2024 09:09

Hội nghị thượng đỉnh BRICS và BRICS+ đang diễn ra tại TP Kazan, Nga. Đây là một sự kiện lớn, không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế mà còn là nơi đưa ra thông điệp chính trị sâu sắc từ nước chủ nhà.

hoi-nghi-thuong-dinh.jpg
Từ trái qua phải: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi vừa qua. Ảnh: REUTERS

Hội nghị diễn ra từ ngày 22-24/10, với chủ đề "Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng", các quốc gia BRICS đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề "nóng", như cuộc xung đột Ukraine, tình hình chiến sự Trung Đông, đến thực trạng hợp tác trong khuôn khổ BRICS trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, nhân đạo…

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không chỉ quan tâm đến chương trình nghị sự, mà còn những thông điệp chính trị sâu sắc từ Nga thông qua hội nghị.

Nỗ lực vô hiệu hóa bao vây, cấm vận từ phương Tây

Theo Trợ lý của Tổng thống Nga Yury Ushakov, 36 phái đoàn từ các nước và 6 phái đoàn từ các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Kazan. Trong đó, có 22 đoàn đại diện ở cấp cao nhất. Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành hàng loạt cuộc gặp song phương với lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ, Iran…

Giới phân tích cho rằng, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, các nước phương Tây không ngừng siết chặt cấm vận Nga về kinh tế, cô lập Nga về ngoại giao. Tuy nhiên, việc nhiều quốc gia tham gia hội nghị đồng nghĩa với sự công nhận của các nước này và coi Nga như là một đối tác quan trọng của họ. Quy mô của hội nghị cho thấy uy tín quốc tế của Nga vẫn còn rất lớn, đồng thời như một thông điệp khẳng định chính sách cô lập Nga của các nước phương Tây đã thất bại.

Ở góc độ kinh tế, hội nghị quy tụ đại diện của nhiều quốc gia có nền kinh tế mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị lần này là dịp để Nga mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại với các đối tác truyền thống, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, từ đó vô hiệu hóa cấm vận từ phương Tây. Theo số liệu thống kê từ Chính phủ Nga, trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt trên 65 tỷ USD, phần lớn đến từ việc xuất khẩu dầu khí. Nga hiện đứng thứ tư về thị phần trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc và đang là một trong những nhà cung cấp lớn nhất về dầu thô, khí đốt và các sản phẩm năng lượng khác cho quốc gia này.

Về tài chính, Nga muốn thúc đẩy một hệ thống tài chính quốc tế mới cho các quốc gia BRICS, với mục đích miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt của phương Tây và có thể chấm dứt sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch và trao đổi quốc tế. Theo Reuters, nền tảng thanh toán mới dựa trên công nghệ blockchain và sử dụng các mã thông báo kỹ thuật số được hỗ trợ bởi các loại tiền tệ quốc gia của các nước tham gia. Định dạng mới sẽ cho phép các loại tiền tệ như vậy được trao đổi dễ dàng và an toàn mà không cần giao dịch bằng USD ở khắp mọi nơi.

Định hình một thế giới đa cực mới

pu-tin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một sự kiện trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS. Ảnh: RIA NOVOSTI

BRICS và BRICS+ là những từ gần đây được sử dụng thường xuyên nhất trên các phương tiện truyền thông và cộng đồng chuyên gia để mô tả quá trình mở rộng liên kết của các nước miền Nam toàn cầu. Kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Nga năm 2009, tình hình quốc tế đã có những thay đổi nhanh chóng.

Trong bối cảnh hiện nay, với sự tăng cường sức mạnh của các nước đang phát triển, bất kỳ liên minh nào của các quốc gia gia ngoài phương Tây đều trở nên nghiêm túc hơn và cố gắng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Ở góc độ chiến lược, thông qua hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 có thể rút ra một số yếu tố ảnh hưởng đến việc xích lại gần nhau của các nước ngoài phương Tây, cũng như thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực mới:

Thứ nhất, "sự trỗi dậy của các quốc gia khác, ngoài phương Tây". Trong một thời gian dài, có lẽ từ thế kỷ XV, các quốc gia phương Tây đã coi các quốc gia bên ngoài họ là những nước kém phát triển và "hạng hai" trong cộng đồng toàn cầu. Điều này thay đổi với "Sự trỗi dậy của các quốc gia khác" khi các nước ngoài phương Tây không ngừng củng cố, mở rộng sức mạnh kinh tế, quân sự và chiến lược của mình.

Thứ hai, sự suy yếu của các nước phương Tây hay sự nổi lên của làn sóng "phi phương Tây". Hiện tượng này được đặc trưng bởi sự suy giảm rõ rệt về ảnh hưởng và sự gắn kết của các nước phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh chính trị và an ninh toàn cầu hiện nay. Một ví dụ điển hình là vấn đề Ukraine bộc lộ những rạn nứt, chia rẽ ngày càng gia tăng của phương Tây và đây là cơ hội tốt để các nước mới nổi tận dụng khoảng trống để nổi lên ở các khu vực khác nhau.

Thứ ba, mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí. Thế giới hiện đại ngày càng trở nên phụ thuộc và hội nhập lẫn nhau. Các khía cạnh khác nhau của xã hội, văn hóa, kinh tế và công nghệ được sử dụng làm công cụ cho xung đột, thao túng và được thực hiện bằng các phương thức mới, tinh vi. Lấy ví dụ, chính sách bảo hộ thương mại, kích hoạt cuộc chiến tranh thương mại nhằm đạt được lợi ích địa chiến lược. Gần đây nhất, việc hàng loạt máy nhắn tin, bộ đàm, thiết bị điện tử ở Lebanon phát nổ đặt ra thách thức mới cho cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, sự thất bại của cơ chế chủ nghĩa đa phương cổ điển. Khái niệm chủ nghĩa đa phương cổ điển gặp phải những khó khăn đáng kể, thường được mô tả là một cơ chế bị phá vỡ trong quan hệ quốc tế hiện đại. Bằng chứng về điều này có thể thấy ở việc Liên hợp quốc không có khả năng giải quyết hầu như mọi vấn đề. Một giải pháp thay thế cho điều này là hợp tác không phải ở cấp độ toàn cầu mà ở cấp địa phương. Điều này có nghĩa là nhiều nhóm nhỏ các quốc gia tương tác với nhau về các vấn đề hoặc mục tiêu cụ thể.

Thứ năm, ngày càng có nhiều mối đe dọa xuất hiện trên thế giới, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia cùng một lúc. Đó có thể là các vấn đề an ninh phi truyền thống, như đại dịch (chẳng hạn như Covid-19), biến đổi khí hậu, an ninh mạng, đến các vấn đề an ninh truyền thống, như xung đột quân sự, khủng bố. Những thách thức toàn cầu đòi hỏi sự phối hợp hành động của cộng đồng quốc tế. Ngày nay, không quốc gia nào có thể tự mình đối phó với các thách thức an ninh, và do đó họ sẽ phải tăng cường hợp tác quốc tế. Trật tự toàn cầu hiện nay có thể vẫn do phương Tây chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các nước đang phát triển đã và đang hình thành các liên minh sức mạnh với những nỗ lực mới và dựa trên nền tảng tư tưởng, cách tiếp cận công lý và luật pháp khác.

HÙNG ANH