Truyện ngắn

Nhớ ngày giải phóng thị xã Hải Dương

Truyện ký của NGUYỄN SĨ ĐOÀN 30/10/2024 09:09

Bảy mươi năm rồi nhưng không ai có thể quên được ngày 30/10/1954 với không khí hào hùng, sôi nổi, ngày giải phóng thị xã Hải Dương.

8 giờ sáng ngày 30/10/1954, tên lính viễn chinh cuối cùng của thực dân Pháp vừa qua khỏi cầu Phú Lương, thì từ trên nóc rạp chiếu bóng Hoà Bình một hồi còi dài dóng dả cất lên. Cả thị xã Hải Dương như vỡ oà bởi tiếng reo hò đón quân ta vào giải phóng...

Hòa bình rồi, độc lập rồi. Từ nay ta làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời ta. Nhiều cô gái xinh đẹp ôm những bó hoa tươi thắm bước hẳn xuống lòng đường trao tặng bộ đội. Các anh bộ đội áo trấn thủ, quần ống túm, đầu đội mũ nan căng lưới ngụy trang, vai vác súng, gương mặt bừng sáng đưa cả hai tay đón nhận.

Vẫn những bước chân ấy, tôi như nghe rõ niềm hân hoan trong lòng mọi người. Hân hoan nhưng không thể nào quên được tội ác của thực dân Pháp và chính quyền tay sai. Biết bao ngôi nhà của người nông dân bị đốt cháy cách đây chưa lâu. Nhớ. Nhớ để nhận rõ giá trị của từng ngày sống trong hòa bình.

Bà nội tôi ôm chầm lấy một anh bộ đội còn rất trẻ: "Các con... Các con... Ới Út ơi". Chỉ nói được có vậy rồi bà oà khóc nức nở. Chừng như hiểu lòng bà, anh bộ đội an ủi: "Mẹ ơi! Quê hương giải phóng rồi, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để có ngày hôm nay". Chả cứ gì bà nội tôi, rất nhiều người khóc trong ngày vui chiến thắng. Có người khóc vì sung sướng, cũng không ít người khóc vì chạnh lòng nghĩ đến người thân không bao giờ trở về.

Bà nội tôi sinh được năm người con, hai trai ba gái. Con trai có cha tôi và chú Út. Chú Út tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày đầu của cuộc kháng chiến. Ngày ấy chú mười bảy tuổi, "nhỏ như cái kẹo", làm thuê ở sở rượu. Ông nội tôi mất từ lúc chú mới được vài tuổi. Ấy là sau này nghe cha tôi kể lại. Nhiều lần chú Út ngỏ lời xin phép bà nội tôi và cha mẹ tôi cho chú nhập ngũ. Bà nội tôi bảo: "Con phải ăn nhiều khi nào lớn thì cho đi".

Dường như chú tôi không thể chờ hơn được nữa. Đất nước đang trong thế nguy nan, thù trong giặc ngoài. Đánh giặc đâu chờ đủ tuổi. Chú tôi trốn nhà xung phong vào bộ đội trước ngày toàn quốc kháng chiến vài hôm.

Bà nội tôi than thở với cha tôi: "Nào mẹ có cấm cản nó đâu...". Bà nội tôi mù chữ. Bà không hiểu thế nào là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Cũng chưa có ai đến vận động, tuyên truyền cho một bà già sáu mươi tuổi lại là dân thị thành chính gốc. Bà chỉ hiểu đơn giản là thằng Tây nó ác quá, dã man quá, bóc lột dân mình cùng kiệt quá thì phải đánh đuổi nó đi. Bà hiểu về trách nhiệm của con dân với đất nước qua các truyền thuyết, qua các truyện cổ tích Việt Nam. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Cụ Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tiếng súng đã vang trên toàn đất nước. Từng ngôi nhà, từng góc phố trở thành chiến lũy ngăn bước quân thù. Bàn ghế, giường tủ, bao cát... tất tật được tận dụng làm vật cản ngay giữa đường.

Chừng gần một tháng sau khi gia đình tôi đang thu xếp chuẩn bị tản cư thì chú tôi bất chợt trở về. Chú về chào gia đình để theo đoàn quân vào Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Chú tôi vẫn ăn mặc như ngày trốn gia đình vào bộ đội, khuôn mặt sạm đen khói súng. Khác chăng là lần này chú tôi rắn rỏi khỏe mạnh hơn, mang theo cây súng trường cổ lỗ được sản xuất từ thế chiến thứ nhất. Chú nói với bà nội tôi: "Theo lệnh Cụ Hồ, chúng con rút về chiến khu để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ". Bà nội tôi cầm tay người con trai út dặn dò: "Con đi mạnh giỏi, hết giặc lại về với mẹ, với các anh các chị. Mong con chân cứng đá mềm phấn đấu bằng anh bằng em". Chú tôi gật gật cái đầu đã húi trọc: "Vâng. Vâng. Con xin nghe lời mẹ".

Rồi chú tôi trở về đơn vị ngay. Mâm cơm mẹ tôi làm vội dành cho chú tôi vẫn nguyên vẹn. Không ai còn nghĩ đến chuyện ăn uống nữa. Đó cũng là lần gặp cuối cùng giữa chú tôi và gia đình. Hai năm sau, năm 1948, gia đình tôi nhận được tin chú đã hy sinh tại mặt trận huyện Kim Thành, trong trận phục kích một đoàn tàu hỏa quân sự của giặc Pháp trên đường số 5.

Đoàn quân vào giải phóng từ 2 cửa ô, phía tây và phía nam. Tất cả đều tập trung tại vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc Lập). Ngày ấy, thị xã Hải Dương còn nhỏ bé, dân cư thưa thớt nhưng hầu như tất cả mọi người dân thị xã đều đổ ra đường chào đón ngày giải phóng. Vì thế quảng trường trở nên chật chội. Quân và dân đứng lẫn vào nhau.

Cuộc mít tinh khổng lồ chưa từng có trong lịch sử của thị xã được long trọng tổ chức. "Việt Nam độc lập, dân chủ muôn năm". "Đảng Lao động Việt Nam muôn năm". "Hồ Chủ tịch muôn năm". "Muôn năm, muôn năm, muôn năm". Những tiếng hô vang từ hàng vạn con tim rung chuyển bầu trời thị xã.

Từ phía sau đoàn mít tinh, chiếc lô cốt của quân Pháp bỏ lại lạnh tanh, trơ trẽn. Lỗ châu mai như những con mắt lơ láo, nửa như kinh ngạc nửa như sợ hãi. Chiếc lô cốt dầy cả thước là biểu tượng của thực dân phong kiến một thời đã từng gây ra với người dân Việt bao nỗi thống khổ chất chồng ngay trên mảnh đất của chính mình, giờ đây bỗng trở thành vật chứng lịch sử bất đắc dĩ.

Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành cuộc tuần hành biểu dương ý chí quyết tâm xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cuộc đấu tranh dân tộc dân chủ ở miền Nam tiến tới thống nhất đất nước. Đi đầu cuộc diễu hành là bộ đội Trung đoàn Trung Dũng. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng phần phật tung bay. Tiếp đến là Trung đoàn trưởng Nguyễn Như Thiết. "Vì nhân dân quên mình/Vì nhân dân hy sinh/Anh em ơi vì nhân dân quên mình...". Bài hành khúc "Vì nhân dân quên mình" của nhạc sĩ Doãn Quang Khải cứ lặp đi lặp lại theo từng bước chân anh bộ đội Cụ Hồ. Đây là đội quân được sinh ra từ cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Đội quân của hòa bình.

Vẫn biết ngày chiến thắng là sự tất yếu của cuộc kháng chiến chính nghĩa, nhưng sao người dân thị xã Hải Dương vẫn như bất ngờ trước niềm vui vô bờ bến. Hai chục ngày trước thủ đô Hà Nội được giải phóng. Người dân Hải Dương nín thở dõi theo từng bước chân của đội quân chiến thắng. Những cặp mắt nhìn nhau như muốn hỏi: "Bao giờ đến thị xã mình?". Rất nhiều tin từ thủ đô báo về: Quân ta về đến Như Quỳnh rồi. Ngày sau lại một tin khác: Bộ đội đằng mình về đến Phố Nối rồi.

Nói là nói vậy. Mong là mong vậy. Chứ người Hải Dương còn vô vàn công việc phải làm. Nào là đấu tranh không cho địch tháo dỡ máy móc thiết bị của nhà máy mang đi. Vận động người dân ở lại quê hương, đừng nghe theo lời dụ dỗ của địch di cư vào Nam. Giúp đỡ nơi ăn chốn nghỉ cho đồng bào từ Hải Phòng lên, từ các huyện về tham dự lễ giải phóng. Chừng nửa tháng trước ngày giải phóng, quân Pháp dồn về thị xã rất đông. Chúng chiếm Chợ Lớn (nay là chợ Phú Yên), làm nơi tập kết. Hằng ngày chúng cho xe cam nhông chở giường tủ, bàn ghế, gạch ngói và những vật nặng khác vứt đầy ra đường phố. Chúng muốn đội quân cách mạng của ta vào giải phóng thị xã trong khung cảnh bẩn thỉu bừa bãi. Chúng muốn làm chậm bước chân ta. Hình như bài học ngày 19/12/1946 của quân và dân ta đã được chúng học.

Nhận rõ thủ đoạn thâm độc ấy, Uỷ ban Kháng chiến cử người vào hẳn Chợ Lớn gặp cấp chỉ huy của giặc để phản đối, buộc chúng phải ngừng ngay việc làm thiếu thiện chí và yêu cầu thi hành đúng hiệp định Giơnevơ. Trước những lý lẽ cứng rắn và hợp tình hợp lý, tên chỉ huy đành phải xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm. Chiều 29/10, lá cờ "tam tài" trên nóc tháp nước (điểm cao nhất của thị xã lúc bấy giờ) bị hạ xuống không kèn không trống, không cả tổ chức lễ hạ cờ.

Suốt đêm 29 rạng ngày 30/10/1954 cả Hải Dương không ngủ. Công việc cho ngày trọng đại càng trở nên gấp gáp. Bên trong từng ngôi nhà đèn đuốc vẫn sáng trưng. Mọi người rất vội, thời gian chả còn bao nhiêu, phải nhanh tay mới kịp. Nhóm nam thanh nữ tú khẩn trương may cờ, dán cờ, khẩu hiệu, chân dung Hồ Chủ tịch. Nhóm phụ nữ nấu cơm, rang vừng rồi nắm thành từng nắm nhỏ để hôm sau chia cho người tham dự cuộc mít tinh và tuần hành. Nhóm phụ lão đun từng nồi nước vối lớn. Bếp lửa bập bùng làm hồng bao đôi má, lấp lánh những khuôn mặt, ánh mắt rạng ngời. Ngày mai, Hải Dương lại đỏ rực cờ hoa và biểu ngữ như 9 năm trước đón ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhân dân cố gắng tô điểm cho một thị xã giản dị nhưng tươi thắm. Không phải là Tết nhưng chưa có ngày Tết nào vui bằng những ngày này. Đối với người dân thời bấy giờ đều có chung cảm nghĩ: Chưa bao giờ thị xã Hải Dương đẹp đến thế, hào hùng đến thế.

Đã qua rồi những năm tháng phải sống rên xiết dưới ách thực dân phong kiến, dưới họng súng của quân xâm lược. Giờ đây là lúc người dân Hải Dương biểu lộ lòng tin tưởng vào Đảng Lao động Việt Nam, lòng biết ơn Chính phủ, lòng kính yêu vô bờ bến với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi người kết những xe hoa rực rỡ. Tám năm chiến đấu và hy sinh của quân và dân Hải Dương mới có ngày hôm nay.

Năm tháng qua đi, bẩy mươi năm rồi, hơn hai phần ba đời người quả là dài, rất dài. Ở cái tuổi nhớ nhớ quên quên, nhưng không ai có thể quên được ngày 30/10/1954 với không khí hào hùng, sôi nổi của ngày giải phóng thành phố quê mình.

Truyện ký của NGUYỄN SĨ ĐOÀN