Tác giả - Tác phẩm

Truyện đồng thoại của Nguyễn Thu Hằng cuốn trẻ vào những cuộc phiêu lưu

NAM HỒNG 31/10/2024 14:00

Cô giáo Nguyễn Thu Hằng ở Cẩm Định (Cẩm Giàng) vừa cho ra mắt liền lúc 3 tập truyện đồng thoại dành cho các em thiếu nhi.

Trương Duyệt Nhiên - nhà văn Trung Hoa đã từng nói vậy.
Bìa sách 3 tập truyện đồng thoại của Nguyễn Thu Hằng

Là cô giáo dạy môn ngữ văn ở Cẩm Giàng (Hải Dương), Nguyễn Thu Hằng còn là hội viên Ban Văn, thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Chị đã ghi dấu ấn trên văn đàn với nhiều giải thưởng văn học và xuất bản hàng chục đầu sách viết cho thiếu nhi như: Cánh thư bay, Thì thầm cùng giọt sương, Mật thư trên ngọn đa, Cây gạo cõng mặt trời...

Mới đây, chị cho ra mắt liền lúc 3 tập truyện đồng thoại ấn tượng do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành vào tháng 8/2024 gồm: Trên mái nhà có cô Xin Tương, Cây ổi găng thần kỳ, Chú Mèo ăn cỏ. 3 tập truyện không chỉ cuốn trẻ vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú mà còn là cẩm nang giúp các em nâng cao kỹ năng viết văn.

3 tập truyện nhỏ xinh, mỗi tập chỉ khoảng 60-70 trang, in khổ 14x20 cm, gồm 6-7 câu chuyện ngắn gọn, thú vị kèm tranh vẽ minh họa sinh động của họa sĩ Lạc An. Kết cấu này phù hợp với khả năng đọc hiểu của học sinh tiểu học và THCS, thích hợp để giáo viên và phụ huynh đọc cho lứa tuổi mầm non.

Đọc tập “Trên mái nhà có cô Xin Tương”, chúng ta hồi hộp theo hành trình đi chợ của Bọ Dừa, hành trình lên cạn của hòn Cuội trắng… Độc giả sẽ được giải đáp những điều kỳ thú, lạ lẫm, để biết rằng vì sao Bọ Dừa đi chợ mà lại phải nhịn đói trở về ao chuôm, vì sao hòn Cuội trắng vui sướng khi được rời xa suối, lên cạn rồi lại khao khát trở về lòng suối. Vì sao lá thư Ốc Sên nắn nót viết cho mẹ lần đầu tiên lại bị đánh cắp? Vì sao chú cua mắt to lại xấu hổ khi ai cũng gọi mẹ mình là cua lệch càng? Vì sao cô Xin Tương mảnh khảnh sống ở dưới nước lại biến thành chuồn chuồn xinh đẹp biết bay?

Đọc tập “Cây ổi găng thần kỳ”, các bạn nhỏ sẽ được giải đáp những điều thú vị: Vì sao hoa giấy lại khóc một mình trong rừng? Vì sao cành vả khô buồn bã khi bị mắc vào tảng đá ở rìa suối? Vì sao những bông hoa trong vườn lại muốn các công chúa nhà trời hóa phép cho mình giống như nàng hoa phi điệp? Vì sao cây mũi lại có tên là cây mũi?

Đọc tập “Chú Mèo ăn cỏ”, các em sẽ bất ngờ với những câu chuyện hấp dẫn: Có một em Mèo Háu ham ăn, vì sao Mèo Háu phải ăn cỏ? Vì sao chú Gà Bé bỗng biến thành diều hâu? Vì sao chú chim Đầu Vàng con nhút nhát lại trở nên cản đảm? Vì sao chú Nghé Trắng thích tắm bùn… Tất cả những câu hỏi đó sẽ được Nguyễn Thu Hằng dẫn dắt, giải đáp tự nhiên, khéo léo và thông minh qua các tình tiết bất ngờ, cảm động với ngôn ngữ trong trẻo, tinh tế, giàu cảm xúc.

Những truyện đồng thoại về cây cối, loài vật trong 3 tập truyện của Nguyễn Thu Hằng sẽ dẫn bạn đọc nhỏ tuổi bước vào nhiều cuộc phiêu lưu cuốn hút trong thôn bản, rừng rậm, suối lớn… qua những tình tiết cảm động, bất ngờ. Trước mắt các em sẽ hiện lên non nước Pù Luông với suối Hiêu, thác nhỏ, hang động và núi non xen lẫn những bản làng yên bình cùng ruộng bậc thang xanh rì, đẹp như tranh vẽ.

Trí tưởng tượng của các em nhỏ sẽ được phát huy và mở rộng khi bước vào thế giới truyện đồng thoại của Nguyễn Thu Hằng. Chị đã bộc lộ năng lực quan sát tinh tế cùng vốn sống dồi dào, trí tưởng tượng vô cùng bay bổng. Điều quan trọng làm nên linh hồn của từng câu chuyện là người viết dù lớn tuổi nhưng có một tâm hồn rất trẻ trung bởi chị chia sẻ: “Giờ được sống giữa bầy trò nhỏ, tôi thấy tâm hồn mình vẫn còn trẻ, vẫn mơ mộng trong trẻo như chưa hề già”. Nguyễn Thu Hằng như hóa thân thành trẻ thơ, sống với những cảm nhận ngây thơ, hồn nhiên và những ước mơ diệu kỳ của tuổi thần tiên nên chị kể chuyện bằng điểm nhìn của trẻ thơ.

Theo nhà văn Tô Hoài “Truyện đồng thoại là một thể loại văn học dành cho thiếu nhi, lấy loài vật làm nhân vật, lúc nào cũng thích hợp. Nhân vật trong truyện đồng thoại được nhân cách hóa trên cơ sở bảo đảm không thoát ly sinh hoạt thật có của loài vật, đồng thời không xa rời cái nhìn theo thói quen của các em”. Sáng tác theo tinh thần đó, Nguyễn Thu Hằng dụng công xây dựng những nhân vật là loài vật hoặc con vật được nhân cách hóa, trở nên sống động, có hồn.

3 tập truyện đồng thoại của Nguyễn Thu Hằng giúp các em cảm nhận thế giới sự vật bằng trí tưởng tượng rộng mở, phát triển óc quan sát và khả năng miêu tả, bổ sung vốn từ để các em nhỏ rèn luyện kỹ năng học văn, làm văn tốt. Ngoài việc trau dồi vốn từ ngữ, các em sẽ học tập được cách sử dụng các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, cách quan sát và miêu tả loài vật, cỏ cây... Các em sẽ có niềm vui khi được hóa thân vào các nhân vật ưa thích.

3 tập truyện sẽ tác động mạnh đến tâm hồn trẻ thơ, là chất dinh dưỡng làm nên sự giàu có tâm hồn, mang lại niềm vui cho trẻ em, đồng thời cũng là chìa khóa để mỗi người mở cửa quá khứ bước về tuổi thơ, như Trương Duyệt Nhiên - nhà văn Trung Hoa đã từng nói: “Bởi tất cả những ai còn đọc đồng thoại thì tâm hồn của họ còn trong sáng, thuần khiết”.

NAM HỒNG