Mẹ tôi là bác sĩ
Mẹ tôi là bác sĩ. Công việc của mẹ tuy vất vả nhưng mẹ luôn yêu nghề vì mẹ được chăm sóc, cứu sống nhiều người.
Cả lớp rồi cả khu phố nhà tôi chỉ có mẹ tôi làm bác sĩ. Điều này khiến bọn bạn hàng xóm và các bạn học cùng lớp với tôi tỏ ra ghen tị.
Mỗi lần có bạn nào bị đau bụng khi đang học ở trường, bị nhức đầu vì cảm nắng hay viêm họng, ho sốt là các bạn lại ao ước: “Ước gì mẹ tớ làm bác sĩ như mẹ cậu thì tốt biết bao. Cậu sướng thật đấy, ốm đau chẳng phải lo lắng gì, lúc nào cũng có bác sĩ tại nhà chăm sóc”. Mỗi khi gặp bác Loan ở đầu ngõ, tôi thường được nghe bác khen ngợi: “Xóm này, nhất nhà cháu Oanh nhé, ốm đau đã có bác sĩ gia đình chăm sóc”. Tôi chỉ cười trừ vì bao nỗi vất vả của mẹ, của bố con tôi thì chỉ nhà tôi biết.
Chị Lan không muốn trở thành bác sĩ như mẹ. Chị bảo nếu chị học nghề y thì “mất hết thanh xuân”. Lúc chị chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học thì dịch Covid-19 bùng phát, mẹ phải xa nhà mấy tháng. Mẹ là thành viên của lực lượng tuyến đầu chống dịch nên mọi việc ở nhà, học hành, thi cử của chị Lan, mẹ không thể quan tâm được. Chị Lan chọn học ngành báo chí để được thỏa thích bay nhảy. Mẹ không thích chị theo nghề đó vì mẹ cho rằng con gái làm nhà báo vất vả, nay đây, mai đó. Chị Lan thì lại bảo mẹ mới vất vả vì phải trực đêm ở bệnh viện, phải tiếp xúc với bệnh nhân, công việc liên quan đến tính mạng con người rất áp lực. Bố ở giữa nên đã dừng cuộc tranh luận của mẹ và chị bằng một câu mà tôi nhớ mãi: “Bây giờ làm gì có nghề nào nhàn hạ nên con thấy yêu nghề nào thì học nghề đó”. Bố tôi rất tôn trọng sở thích của chị Lan nên hoàn toàn ủng hộ lựa chọn của chị.
Ngày đó, khi mẹ tôi trở về sau đợt chống dịch thì chị đã có giấy báo đỗ đại học mà chị mơ ước. Mẹ quay sang định hướng cho tôi: “Con cố gắng theo nghề của mẹ, con nhé! Chữa bệnh, cứu người là việc làm rất cao quý”. Nghe mẹ nói, tôi cũng chưa hiểu thế nào là nghề cao quý. Lúc ấy tôi còn bé, còn ngây ngô, chỉ thích học tiếng Anh để được đi du học, được đến nhiều vùng đất trên thế giới. Nhìn mẹ vất vả, bận rộn ngày đêm chăm sóc bệnh nhân, tôi không hề mong muốn được nối nghiệp mẹ.
- A lô! Oanh ơi! Bà nội bị ngã xe đạp điện rồi. Con bảo bố con vào viện với bà nhé.
Nghe tiếng bà nội nói qua điện thoại, tôi run cả người. Tôi lắp bắp:
- Bà! Bà … có bị làm sao không? Bà chờ… chờ con một chút nhé!
Tôi bấm điện thoại gọi cho mẹ. Những hồi chuông dài kêu mãi mà mẹ không bắt máy. Tôi liền gọi cho bố. Bố tôi trả lời ngay:
- Bố nghe đây, con gái! Có việc gì thế con?
- Bố, bố ơi! Bà nội bị ngã xe, bố vào bệnh viện xem bà có bị làm sao không? Bố cho con vào với bà nhé!
- Được rồi, con cứ ở nhà đi! Bố vào viện trước xem bà thế nào đã.
Chị Lan biết tin bà nội ngã gãy chân thì gọi điện hỏi thăm và động viên bà. Chị hẹn cuối tuần sẽ về thăm bà. Giọng chị ngọt lắm:
- Bà ơi! Bà cố gắng ăn khỏe, ngủ khỏe nhé! Cuối tuần con sẽ về chơi với bà. Con sẽ tìm ra đứa nào tông xe vào bà.
Gương mặt nhăn nhó của bà giãn ra:
- Bà chỉ bị qua loa thôi. Không bắt đền người ta làm gì con ạ! Không may thôi mà.
Tôi theo bố vào bệnh viện mang cơm cho bà. Bà khen cơm tôi nấu ngon. Lúc ấy, vừa xong việc ở phòng mổ, mẹ chạy sang phòng bà. Mẹ kiểm tra chân cho bà và dặn bà uống thuốc đúng giờ. Mẹ chạy đi chạy lại, cứ ngơi việc là mẹ lại sang giúp bà vệ sinh, thay đồ, ăn uống… Bàn tay khéo léo của mẹ giúp bà bớt đau. Bà hồi phục nhanh nên sớm được ra viện.
Nhìn mẹ trong trang phục áo blouse trắng, tôi thấy tự hào về công việc mà mẹ đang làm hằng ngày. Dù sau này, chẳng thể nối nghiệp mẹ nhưng chị em tôi vẫn luôn cảm phục và biết ơn mẹ, biết ơn những người phụ nữ can đảm chọn nghề “cứu người” như mẹ.