Cảm ơn thành phố
Gần 50 năm, tôi mới dám đối diện với lòng mình, thầm cảm ơn thành phố Hải Dương - mảnh đất đã cho tôi tất cả.
Đứa bé con - là tôi, từ quê biển theo bố mẹ lên thị xã Hải Dương sinh sống.
Gần 50 năm qua, tôi vẫn cố chấp chưa bao giờ thừa nhận muốn gắn bó với nơi này. Trong lòng tôi, quê hương vẫn chỉ có bãi biển tràn xanh sú vẹt và sóng vỗ mênh mang mỗi triều lên.
Ông bà nội tôi, bố mẹ tôi đều chỉ vì cuộc sống mà lựa chọn đến ở mảnh đất thị thành này.
Nhưng đâu có cần tôi thừa nhận, nơi này - thị xã, rồi thành thành phố, cứ thế dần dần ngấm vào tôi, thành hơi thở, thành máu thịt của tôi tự bao giờ.
Sáng thu se se, tôi chạy quanh hồ Bình Minh, bình yên nhìn ngắm những mái nhà buông rèm bằng cây xanh, những dáng người khỏe khoắn thong thả tập thể dục ven hồ... Sáng bình thản như mọi người, mọi ngày đều đặn qua đây.
Bất giác, một bóng cây - phải rồi, chỉ một bóng cây thôi đã kéo ngược tôi về quá khứ. Hình như là cây nhãn nghiêng nghiêng cuối vườn nhà ông bà nội tôi, ghé sát bờ hồ này, phía bên kia, xa xa là khu nhà cao tầng tập thể Bình Minh. Cây nhãn mà gần chục đứa cháu của ông bà tôi mỗi mùa đều được ăn quả ngon ngọt bà phần cho không thiếu đứa nào...
Cây nhãn đã chứng kiến bao đoạn trường vất vả của ông bà tôi ngày mới ở quê ra phố, buôn thưng bán mẹt chốn phố thị này để nuôi con, rồi nuôi cháu lớn khôn. Cây nhãn này cũng đã đeo khăn trắng lần lượt tiễn ông bà tôi về miền mây trắng...
Bỗng chốc tôi cuống lên đi tìm trong ngờ ngợ những ngõ vừa lạ, vừa quen. Nhà cũ ông bà tôi ở đâu, trong con ngõ nào giữa những ngôi nhà đều đã mọc lên cao tầng? Cây nhãn cũng không có ở đây.
Tôi không thể tìm được nữa. Dấu tích nhà xưa, ngõ cũ không còn...
Giây phút đó chính là lúc tôi nhận ra, hóa ra, thành phố này chính là hơi thở của tôi, từ ngày còn vô tư cắp sách đến trường, cho đến giờ, khi đã đi qua quá nửa đời người.
Thành phố thành ruột thịt vì dù mở rộng, dù hiện đại hơn gấp nhiều lần, nhưng trong ký ức của những đứa học sinh từng đạp xe từ cầu Phú Lương xuống tận khu Thanh Bình hằng ngày để học cấp 3, thì thị xã vẫn chỉ được nhắc đến gọn như vài đường chỉ trong lòng tay.
Gắn bó là bởi đường chúng tôi đi học, chớm hè thì như trôi giữa hai hàng phượng vĩ, xà cừ ven hồ Bạch Đằng; mùa đông thì bồng bềnh giữa màn sương giăng khắp cánh đồng khu Đức Minh.
Ngày nào tới trường với chúng tôi cũng là ngày khám phá dọc, ngang và cả xưa xa của thị xã. Những đường phố mà dù có vừa đi, vừa chạy, vừa nô đùa ầm ĩ, chúng tôi vẫn chẳng bao giờ đi lạc.
Những ngày rong ruổi, phần nhiều là cuốc bộ, chúng tôi mới biết Bách hóa tổng hợp có 2 tầng, có cầu thang rộng thênh thang như ở một thế giới khác. Mới mơ ước trở thành cô mậu dịch viên xinh đẹp suốt ngày được ngắm những món đồ đẹp đẽ... Mới biết góc cuối đường Quang Trung có cây bàng quả to, chua chua nhôn nhốt cực thơm ngon. Biết phía sau cổng chợ Lớn có hàng bán kem đá to ngon mà giá lại rẻ hơn nơi khác. Biết cả Ga Hải Dương có lối đi để trốn vé...
Những ngày đi học không có quà sáng để ăn, nhưng chúng tôi chưa bao giờ đói. Đã có sự phân công, mỗi ngày đều có đứa thủ theo gói muối ớt, dọc đường đến trường kiểu gì cũng bẻ được sấu, bàng hoặc dâu da... để xuýt xoa chấm, cùng ăn. Thế là no đủ.
Tôi từng muốn chối bỏ thị xã để ra đi, vì một nỗi buồn. Nhưng không thể, nên mỗi ngày tôi đành đều đặn đi qua những con đường kỷ niệm. Nào ngờ, nước mắt ngừng chảy và tôi vẫn bước tiếp qua đó hằng ngày.
Hóa ra, thành phố đã bao bọc, yêu thương tôi theo cách bình dị nhất - đón nhận tôi như đón nhận bao lớp người đến từ mọi vùng quê khác; luôn ở bên tôi, cho tôi tận hưởng và hít thở bầu không khí phát triển hằng ngày, vô điều kiện.
Gần 50 năm, tôi mới đối diện với lòng mình, để cảm ơn mảnh đất này - TP Hải Dương, nơi đã thành quê hương cho tôi tất cả: công việc, gia đình và chính cuộc đời tôi.