Góc nhìn

Dấu ấn Thành Đông qua những bức ảnh

LAN NGUYỄN 24/10/2024 05:30

Việc trưng bày, triển lãm chuyên đề “Dấu ấn Thành Đông” của TP Hải Dương là hoạt động chính trị có ý nghĩa thiết thực và là cách làm hay, hiệu quả giới thiệu lịch sử địa phương.

img_9149.jpg
Thuyết minh viên giới thiệu lịch sử, câu chuyện về Thành Đông qua những bức ảnh

Trong 2 ngày 17 và 18/10, nhân dịp lễ kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông (1804 - 2024) và 70 năm ngày giải phóng TP Hải Dương (30/10/1954 - 30/10/2024), TP Hải Dương đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trưng bày, triển lãm.

Tôi đặc biệt ấn tượng với hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề “Dấu ấn Thành Đông” tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông. Đây là một trong những hoạt động chính trị có ý nghĩa thiết thực, thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách mời và nhân dân khi đến Trung tâm Văn hóa Xứ Đông.

Tại triển lãm này, theo mỗi chủ đề, TP Hải Dương đã lựa chọn những bức ảnh tiêu biểu, sắp xếp theo dòng lịch sử. Mỗi khi có khách tham quan, các thuyết minh viên lần lượt giới thiệu từng chủ đề, bối cảnh xã hội thời điểm đó và hoàn cảnh ra đời của từng bức ảnh từ khi khởi lập Thành Đông đến những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Dương ngày nay.

Vùng đất Hải Dương, xưa kia gọi là xứ Đông với trung tâm là Thành Đông luôn được các triều đại coi là 'phên giậu' phía đông của Kinh thành Thăng Long. Bởi Hải Dương nằm ở phía đông thành Thăng Long, cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy, Hải Dương có nghĩa là “ánh mặt trời biển Đông” hay “ánh sáng từ miền duyên hải” phía đông. Thuyết minh viên đã mở đầu như thế để đẫn dắt cho câu chuyện về Thành Đông. Lần lượt từng câu chuyện, từng bức ảnh về Thành Đông xưa – TP Hải Dương nay được giới thiệu, tái hiện lại dòng chảy lịch sử hào hùng của TP Hải Dương qua các thời kỳ.

Nhiều bức ảnh quý về lịch sử của thành phố đã được trưng bày. Đó là các ảnh: sơ đồ Thành Đông năm 1830, toàn cảnh Thành Đông xưa, kho thóc của Nhà máy Rượu Hải Dương trong trận lụt năm 1926, nhân dân chở thóc vào Nhà máy Rượu năm 1930, 2 ảnh trường tiểu học đầu tiên của TP Hải Dương là Trường Nam tiểu học (nay là Trường Tiểu học Tô Hiệu) và Trường Con gái (nay là Trường Tiểu học Võ Thị Sáu).

Rồi những hình ảnh bộ đội vào tiếp quản thị xã Hải Dương năm 1954 đến nhân dân tặng hoa cho bộ đội vào tiếp quản; Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, đảng viên và đoàn thanh niên thị xã Hải Dương năm 1957 và ảnh Bác đến thăm, động viên cán bộ, công nhân Nhà máy sứ Hải Dương năm 1962... Tất cả lần lượt hiện ra gắn với từng mốc lịch sử quan trọng của thành phố.

Tôi là một công dân trẻ tuổi, không phải là người sinh ra và lớn lên tại TP Hải Dương nhưng khi tham quan, xem những bức ảnh và được nghe thuyết minh viên giới thiệu lịch sử mỗi bức ảnh, tôi đã hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của TP Hải Dương. Cách làm này chân thực, dễ hiểu, dễ nhớ hơn khi đọc từng trang sử.

Trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng tiếp cận thông tin thông qua nghe - nhìn được giới trẻ ưa chuộng hơn, tiếp cận nhanh hơn đọc, cách làm này của TP Hải Dương đã phát huy hiệu quả thiết thực. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, du khách đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân TP Hải Dương.

Đây là cách làm hay về giáo dục lịch sử. Người dân và khách mời từ các tỉnh, thành phố bạn tham quan đều có những cảm nhận riêng về TP Hải Dương qua những bức ảnh khắc họa lại quá trình lịch sử vẻ vang, hào hùng của thành phố.

Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng có thể tham khảo cách làm này trong những dịp kỷ niệm quan trọng.

LAN NGUYỄN