Quốc hội tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước
Quốc hội tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn.
Tại phiên khai mạc kỳ họp, sau khi nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025…
Cuối giờ sáng 21/10, Quốc hội đã tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Theo dự kiến chương trình, chiều 21/10, Quốc hội tiếp tục tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước. Kết quả sẽ được công bố vào cuối giờ chiều cùng ngày.
Vào lúc 16 giờ 30 chiều 21/10, Báo Hải Dương sẽ tiếp sóng truyền hình trực tiếp Lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Chủ tịch nước trên báo điện tử Hải Dương và livestream trên các nền tảng mạng xã hội của báo.
Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Khi ban kiểm phiếu báo cáo kết quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.