Sách song ngữ Việt - Anh khắc họa chân dung 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc
Cuốn sách song ngữ Việt - Anh tiếp tục kể câu chuyện về '10 đóa hoa bất tử' nơi chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, lan tỏa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế.
Ngày 20/10, cuốn sách “Huyền thoại tuổi thanh xuân” của tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương được giới thiệu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, kể câu chuyện xúc động về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã anh dũng hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông nối liền hậu phương phía Bắc và chiến trường phía Nam.
Cuốn sách dày hơn 140 trang, được thực hiện song ngữ Việt-Anh, do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành.
Nội dung sách bao gồm kịch bản vở diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân” cùng những bài viết và chia sẻ, cảm nhận của khán giả trong và ngoài nước về vở diễn.
Chân dung mười nữ Anh hùng liệt sỹ Thanh niên xung phong đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc được khắc họa thông qua chín đại cảnh: Vì sự sống của con đường chúng mình sẵn sàng hy sinh, Địch phá một thì ta làm mười, Tất cả phải dành cho tiền tuyến, Tiếng hát át tiếng bom, Tình yêu từ tọa độ chết, Đừng vì cùng quê mà bênh nhau, Đàn chim tung cánh bay giữa trời, Thép đã tôi thế đấy, Sống một đời đáng sống.
Vở diễn ra mắt tháng 10/2023 tại không gian sân khấu trải nghiệm của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đã thu hút hơn 3.000 khán giả trong nước, quốc tế, phục vụ miễn phí các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong năm xưa. Vở diễn đã trở thành một trong 15 sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn của Hà Nội.
Nói về tác phẩm sân khấu và cuốn sách mới ra mắt, tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi sinh ra năm 1968, năm mà dân tộc đã phải đổ nhiều xương máu, trong đó có sự hy sinh của mười nữ anh hùng tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc. Và ‘Huyền thoại tuổi thanh xuân’ chính là sự tri ân, tưởng nhớ thành kính dâng lên họ”.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” đã được ấp ủ trong nhiều năm với mong muốn làm phong phú hơn các hoạt động của bảo tàng trong thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế.
"Cùng với hệ thống trưng bày thường xuyên, chương trình sẽ là sự kết nối và bổ sung vào hoạt động tương tác tăng cường trải nghiệm cho công chúng và khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu về những câu chuyện gắn với lịch sử của phụ nữ Việt Nam", bà Tuyết nói.
Câu chuyện của mười nữ anh hùng liệt sỹ trẻ tuổi của Việt Nam đã gây xúc động mạnh với các nghệ sỹ Bangladesh và được dàn dựng thành chương trình sân khấu thực cảnh tại Đại học Quốc gia Dhaka vào đầu năm 2024.