Thênh thang đường ra đồng ở Thanh Hà
Những tuyến đường ra đồng được trải bê tông rộng thênh thang ở Thanh Hà đã tạo đòn bẩy quan trọng giúp ngành nông nghiệp huyện này ngày càng phát triển.
Ô tô ra tận ruộng thu mua nông sản
Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường ra vùng trồng vải ở thôn Phúc Giới rộng 4m, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang Nguyễn Văn Khoa hồ hởi khoe: “80% đường ra các vùng sản xuất ở xã chúng tôi giờ đã được bê tông hoá. Những tuyến còn lại đã làm mặt bằng, tiến tới vận động nhân dân trải bê tông hết. Bà con bây giờ đi lại nhàn nhã, xe ô tô ra tận ruộng thu mua nông sản”.
Thanh Quang là một trong những xã có diện tích trồng vải lớn. Để thúc đẩy sản xuất, một trong những giải pháp được địa phương này coi trọng là vận động nhân dân tham gia bê tông hoá đường ra đồng. Từ năm 2016 đến nay, xã đã huy động trên 45 tỷ đồng trải bê tông 35 km đường nội đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 35 tỷ đồng, hiến hàng chục nghìn m2 đất và nhiều ngày công.
Bà Lê Thị Thuỷ, Trưởng thôn Hạ Vĩnh thông tin: “Nhiều hộ hiến từ 200-300 m2 đất ruộng để làm đường giao thông. Bà con không tiếc công, tiếc của vì biết được lợi ích rất lớn của việc làm đường mang lại. Ngày trước thu hoạch vải cứ phải khuân vác ra tận điểm tập trung ở trung tâm xã. Bây giờ ô tô, xe máy ra được tận vườn chuyên chở”.
Trên 30 tuyến đường ra đồng ở xã Vĩnh Lập cũng đã được đổ bê tông phẳng lì, rộng từ 2,5-3 m. Nhiều tuyến bờ lô ở địa phương này cũng đã được cứng hoá.
Mọi ngả đường dẫn ra vùng trồng vải rộng 400 ha, vùng khai thác rươi, cáy rộng khoảng 48 ha ở xã Vĩnh Lập cơ bản đã được trải bê tông, rộng từ 2,5-4m. Tổng kinh phí làm những tuyến đường này hơn 12 tỷ đồng, phần lớn do nhân dân đóng góp.
Tuyến đường dân sinh kết hợp ra khu đồng Mía thuộc xóm 1 thôn Thiệu Mỹ dài 1 km vừa được mở rộng từ 2,5 m lên 5-7 m. Thôn vận động xã hội hoá được trên 400 triệu đồng, mỗi hộ đóng góp thêm 1,2 triệu đồng để mở rộng mặt đường.
Gia đình bà Phạm Thị Thê tự nguyện hiến 75 m2 đất ở để mở rộng tuyến đường trên cho hay: “Ngày trước xe ô tô thu mua nông sản không thể vào được khu đồng Mía. Bà con phải dùng xe thồ, gồng gánh vất vả lắm. Bây giờ ô tô ra được tận ruộng. Chúng tôi đang chờ cấp trên hỗ trợ để thảm lại bê tông tuyến đường này cho sạch đẹp hơn”.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đường ra đồng tại nhiều nơi ở huyện Thanh Hà đã được trải bê tông bằng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Giao thông phát triển không chỉ giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi mà còn tạo động lực để thúc đẩy giao thương tại các vùng trồng vải, ổi, quất, nuôi trồng thủy sản… của địa phương phát triển, nâng cao giá trị.
Giai đoạn 2012-2016, huyện Thanh Hà phát triển giao thông nông thôn mạnh nhất. Toàn huyện đã bê tông hoá được 627km đường giao thông, trong đó có trên 148km trục chính ra đồng. Trung bình mỗi tuyến đường ra đồng rộng từ 2,5-3,5m.
Ngoài các tuyến trục chính ra đồng, toàn huyện còn 531 km đường giao thông nội đồng, phần nhiều đã được cứng hoá hoặc đã làm mặt bằng. “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Thanh Hà được tỉnh hỗ trợ 125.000 tấn xi măng, nhiều nhất tỉnh để bê tông hoá đường giao thông. Việc này đã khích lệ nhân dân tham gia đóng góp rất nhiều tiền, hiến đất và ngày công lao động cùng làm”, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Hà Nguyễn Văn Khánh cho hay.
Tiếp tục nâng cấp, mở rộng
Từ năm 2017, những xã đã về đích hoặc đăng ký về đích nông thôn mới không còn được hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông nông thôn nói chung, đường ra đồng nói riêng. Tuy nhiên, huyện Thanh Hà vẫn tiếp tục vận động nhân dân đóng góp và tranh thủ nguồn hỗ trợ theo Nghị định 35 của Chính phủ để làm đường giao thông nội đồng tại các vùng sản xuất lúa.
Nhiều nơi trong huyện đang tiếp tục vận động nhân dân đóng góp kinh phí để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường ra đồng đã xuống cấp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch. "Xã dự kiến được tỉnh hỗ trợ 5 tỷ đồng cho việc này. Chúng tôi sẽ ưu tiên mở rộng hệ thống giao thông ra các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP ở 5 thôn từ 2m lên từ 3-4,5m. Đường rộng rãi, ô tô xuống tận ruộng sẽ thu hút khách du lịch về tham quan, trải nghiệm mùa vải chín", ông Nguyễn Văn Khoa thông tin.
Thanh Hà đặt mục tiêu mỗi năm sẽ mở rộng, nâng cấp được từ 5-7 km đường giao thông nội đồng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Hiện toàn huyện còn khoảng 35 km đường ra các vùng sản xuất cần sớm được đầu tư để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và phục vụ việc đi lại của người dân. Để khuyến khích nhân dân tham gia, huyện mong muốn được tỉnh hỗ trợ xi măng.
Giao thông nội đồng phát triển đã giúp huyện Thanh Hà hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, giá trị kinh tế cao. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện đã phát triển được khoảng 7.185 ha cây lâu năm, chủ lực là vải, ổi, chuối, quất. Riêng diện tích vải đạt 3.285 ha, sản lượng đạt 35.560 tấn, cho giá trị trên 1.100 tỷ đồng. Nhiều cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, khai thác đặc sản rươi, cáy tập trung đã hình thành. Sản lượng chăn nuôi toàn huyện năm 2023 đạt 11.465 tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản của huyện đạt 214,7 triệu đồng.