Lao động - Việc làm

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp

NGÂN HẠNH 17/10/2024 13:54

Đại diện các trường nghề, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

le-van-hieu.jpg
Các đồng chí Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội thảo

Sáng 17/10, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chủ trì hội thảo.

Cùng dự có lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các sở ngành liên quan, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh và một số doanh nghiệp tại Hải Dương có nhu cầu sử dụng nhiều lao động.

nguyen-thi-viet-huong.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Hiệu nhấn mạnh Hải Dương là tỉnh duy nhất cả nước ban hành đề án về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Văn Hiệu đánh giá công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Với nhu cầu nguồn lao động mỗi năm của các doanh nghiệp khoảng 80.000 người (gấp 3 lần so với năm 2021) thì nguồn nhân lực đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Trước thực trạng đó, đồng chí Lê Văn Hiệu đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, đồng thời đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.

hoi-thao-nhan-luc.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Văn Hiệu cũng gợi ý các vấn đề thảo luận như muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên? Học sinh, sinh viên thực hành ở đâu, có gặp khó khăn, vướng mắc gì không? Các cơ sở đào tạo kiến nghị gì với cấp uỷ, chính quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đào tạo?

Đồng chí Lê Văn Hiệu chỉ ra thực tế rất nhiều trường chỉ đào tạo đạt 50% so với quy mô, nhiều ngành nghề không tuyển sinh được trong khi đã có giáo viên. Các ngành lao động, thương binh và xã hội, tài chính cần đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề này.

Ngoài chất lượng đào tạo nghề thì đào tạo về kỹ năng, kỷ luật lao động, làm việc nhóm thuộc trách nhiệm của đơn vị nào?

nguyen-khac-toan.jpg
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toản cùng tham gia điều hành phần thảo luận

Thực tế các trường nghề không thể đầu tư máy móc thiết bị như của doanh nghiệp nên phải có liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo học viên đáp ứng yêu cầu của công việc. Việc “bắt tay” giữa nhà trường-doanh nghiệp có vướng mắc gì không?

Đồng chí Lê Văn Hiệu cũng gợi mở thảo luận về việc hỗ trợ người học, làm sao để người dân có điều kiện cho con theo học nghề, cần cơ chế, chính sách gì?

Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện cần đánh giá thực trạng xem nhu cầu thực sự trong xã hội vừa học nghề vừa học văn hoá thế nào?...

Trường nghề kêu khó

truong-cao-dang-nghe.jpg
Lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương nêu trường hiện còn thiếu giáo viên

Tham gia ý kiến tại hội thảo, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nêu nhiều khó khăn về thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác đào tạo.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương (TP Hải Dương) cho biết hằng năm trường được tuyển sinh hơn 500 chỉ tiêu, thực tế đã tuyển được từ 90-100%. Tuy nhiên, nhà trường gặp phải khó khăn như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Trường đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đào tạo; hỗ trợ đào tạo đội ngũ giáo viên tiếp cận chương trình mới, hiện đại đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao của doanh nghiệp. Kiến nghị tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ học viên có điều kiện học nghề; có chính sách thu hút người đi học nghề. Đặc biệt, đề nghị doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên đến học tập một cách tốt nhất có thể.

Cùng tham gia điều hành thảo luận, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toản đề nghị các trường làm rõ việc ban hành khung chương trình đào tạo có xuất phát từ thực tiễn nhu cầu của thị trường lao động hay không? Chất lượng đầu ra có đáp ứng yêu cầu hay không? Tại sao Hải Dương có nhiều trường đào tạo nghề có đầu ra tốt, điều kiện thuận lợi nhưng tuyển sinh đầu vào lại thấp, vướng ở đâu?

Đồng tình với ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toản về việc các trường nghề tuyển sinh khó khăn, đại diện Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thuỷ I (TP Hải Dương), cho biết chủ yếu nhà trường đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS được phân luồng. Hiện nay do cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo rất lớn, dẫn đến tình trạng chỗ quá đông, chỗ quá ít. Việc phân luồng học sinh chưa bảo đảm theo tỷ lệ phân luồng theo chỉ đạo. Tư duy của nhiều gia đình vẫn muốn con học đại học thay vì học trường nghề cũng gây khó khăn trong công tác tuyển sinh. Đại diện trường còn nêu việc có thể tuyển đạt 100% chỉ tiêu nhưng ra trường chỉ đạt 50%, chưa kể có hiện tượng vào trường cao đẳng nghề để tránh nghĩa vụ quân sự.

Đại diện Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thuỷ I cũng nêu quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa bền vững, nguồn nhân lực đưa vào doanh nghiệp thực tập thường qua công ty trung gian. Hiện nay nhiều doanh nghiệp tuyển học sinh tốt nghiệp THPT không qua đào tạo nghề, về doanh nghiệp chỉ đào tạo một công đoạn nên chất lượng chưa cao. Thực tế ở một số nước, doanh nghiệp phải trả tiền cho học sinh, sinh viên đến thực tập (vì làm ra sản phẩm) nhưng thực tế ở Việt Nam không phải vậy.

Theo đại diện Trường Cao đẳng Cơ giới xây dựng (Chí Linh), trường nghề rất khó đầu tư trang thiết bị theo kịp doanh nghiệp, vì vậy đề nghị doanh nghiệp giúp sinh viên thực tập trên thiết bị của doanh nghiệp. Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở mời doanh nghiệp cùng tham gia và chương trình thường xuyên thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Về ý thức tổ chức kỷ luật của sinh viên, kỹ năng hoạt động nhóm còn kém, nhà trường đã bổ sung môn học kỹ năng giao tiếp…

Doanh nghiệp kêu thiếu lao động

Tại hội thảo, đồng chí Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá Hải Dương đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt thiếu nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hải Dương hiện có 12 khu công nghiệp đang hoạt động, quy hoạch đến năm 2030 tăng lên 32 khu công nghiệp, chưa kể các lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngoài khu công nghiệp cần số lượng lớn lao động. Mỗi năm tỉnh có 5.000 học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đồng thời học nghề và học văn hoá; khoảng 23.000 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào thị trường lao động nhưng chỉ có khoảng 2.500 người đi học nghề, đây là nguyên nhân tuyển sinh đầu vào của các trường nghề rất khó khăn.

luu-van-ban.jpg
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản thông tin UBND tỉnh đang triển khai cơ sở dữ liệu dành cho công tác tuyển dụng, đào tạo lao động

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản thông tin Hải Dương hiện cần 50.000 lao động cho các khu công nghiệp, bày tỏ lo lắng không xa nữa tỉnh phải nhập khẩu lao động. Đồng chí đề nghị các trường phối hợp doanh nghiệp đưa học sinh đi thực tập và đào tạo có địa chỉ.

UBND tỉnh đang triển khai cơ sở dữ liệu dành cho công tác tuyển dụng, đào tạo lao động. Đồng thời sẽ trình chính sách hỗ trợ cho người học nghề tham gia lao động trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tỉnh cũng đã có chính sách dành cho bộ đội xuất ngũ; hỗ trợ cho đối tượng đào tạo sơ cấp…

Đồng tình với đánh giá của đồng chí Lưu Văn Bản, đại diện Công ty CP Thép Hoà Phát cho biết doanh nghiệp này có nhu cầu sử dụng 500-600 lao động nhưng thường xuyên thiếu khoảng 10-15% số lao động. Để khắc phục, công ty liên kết với các trường để đào tạo học viên. Tuy nhiên, học viên mới ra trường hoặc đến thực hành thường thiếu kiến thức chuyên môn, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao nên có tình trạng doanh nghiệp “vừa dạy, vừa dỗ”.

Việc kết nối giữa các trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, trường không gửi danh sách sinh viên tốt nghiệp, không chủ động kết nối doanh nghiệp cho học sinh thực tập. Đại diện doanh nghiệp đề nghị các trường nghề cần xây dựng lại giáo trình, chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Công ty hoàn toàn đồng ý trả tiền cho sinh viên thực tập nếu họ làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu.

Công ty TNHH Sản xuất công nghệ Biel Crystal (khu công nghiệp An Phát 1, Nam Sách, chuyên sản xuất màn hình kính điện thoại) có nhu cầu tuyển dụng khoảng 14.000-20.000 lao động. Công ty đã và đang tiến hành đào tạo cán bộ, nhân viên vừa tại chỗ, vừa tại tổng công ty bên Trung Quốc.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa tiếp cận được với các trường đào tạo nghề và nguồn lao động có nhu cầu. Đại diện doanh nghiệp này cho biết công ty sẵn sàng nhận đào tạo sinh viên mới ra trường và trả lương.

Cùng chung ý kiến với nhiều doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH CNT (xã Cộng Lạc, Tứ Kỳ) cũng kêu khó tuyển lao động có tay nghề. Chất lượng sinh viên mới ra trường không đáp ứng đủ nhu cầu vừa về chuyên môn và ý thức tổ chức kỷ luật. Công ty cam kết sẵn sàng phối hợp với các trường đào tạo ngành nghề cần, sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến thực tập và tạo việc làm sau khi ra trường.

Đại diện Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết doanh nghiệp cần khoảng 9.000 lao động phổ thông. Doanh nghiệp đang cần “no”, tức là tuyển đủ số lượng trước chứ chưa nói đến chất lượng nhân lực tuyển. Đồng thời mong muốn có một kênh cung cấp số liệu nguồn lao động để có thể tuyển dụng được đủ số lao động cho doanh nghiệp.

Hải Dương phải là nơi đáng sống để thu hút lao động

cong-ty-thep-hoa-phat.jpg
Đại diện Công ty CP Thép Hoà Phát cho biết doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cho học viên thực tập làm ra sản phẩm bảo đảm chất lượng

Qua nghe ý kiến của đại diện các trường đào tạo nghề và doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị tỉnh Hải Dương cần nắm chắc hướng đi, các giải pháp thu hút, giữ chân nhân lực. Về thu hút nhân lực, cần tăng nguồn tuyển dụng, tuyển sinh, cần có những doanh nghiệp vừa tuyển dụng vừa tuyển sinh, đào tạo học viên ngay tại doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hương cũng đề nghị các doanh nghiệp mạnh dạn hơn thông tin rộng rãi hoặc ban hành tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với các vị trí việc làm của doanh nghiệp mình; sẵn sàng đảm nhận những môn học của chương trình đào tạo của các trường để cùng thu hút được nguồn lao động chất lượng.

Nhà trường cũng cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nhân lực; đặt hàng doanh nghiệp đào tạo nhân lực để đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời tạo cơ chế chính sách gắn bó giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Kết luận hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Văn Hiệu khẳng định phải suy nghĩ nhiều hơn nữa để giải quyết được vấn đề Hải Dương là nơi đáng sống để từ đó thu hút nhiều lao động về tỉnh, đặc biệt là những vấn đề thiết thực là nhà ở xã hội, thu nhập cho người lao động.

Muốn giải quyết được vấn đề thu hút đủ số lượng lao động, lãnh đạo tỉnh Hải Dương phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, cần có mức lương xứng đáng cho người lao động, văn hoá doanh nghiệp phải ở mức tốt.

Đồng chí Lê Văn Hiệu thông tin HĐND tỉnh và UBND tỉnh sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan có các trường đào tạo nghề đóng trên địa bàn tỉnh để cùng giải quyết các vấn đề về chính sách cho giáo viên, đầu tư máy móc trang thiết bị, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng.

Đồng chí Lê Văn Hiệu giao ngành giáo dục, tài chính, ngân hàng chính sách xã hội nghiên cứu thêm các chính sách liên quan đào tạo nguồn nhân lực. Khoảng 2 tuần nữa, Thường trực HĐND tỉnh sẽ làm việc với UBND tỉnh để tập trung tháo gỡ các vướng mắc của công tác này.

NGÂN HẠNH