Có bệnh chớ vái tứ tung
Người xưa có câu có bệnh thì vái tứ phương, nhưng không có nghĩa là gặp thầy nào cũng thử.
Truyền thông những ngày gần đây liên tục đưa tin, cảnh báo về những bệnh nhân bị ngộ độc do tự uống nước kiềm để chữa bệnh. Gần nhất là trường hợp một bệnh nhân nữ 60 tuổi ở Sóc Sơn (Hà Nội) được đưa đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng mệt lả, nôn ra dịch dạ dày, dịch mật. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy có nhiều chỉ số bất thường, trong đó kali hạ dưới mức cho phép, máu nhiễm kiềm chuyển hóa. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc nước kiềm.
Bệnh nhân chia sẻ trước đó bà có nhiều bệnh nền nên khi nghe người mách chỗ uống "nước chữa bách bệnh" bà đã tìm đến để được chữa trị. Hằng ngày, bà được hướng dẫn uống duy nhất loại nước được lấy từ một máy lọc thuộc hàng Nhật bãi (nhập khẩu máy cũ từ Nhật Bản). Mỗi ngày bà uống 5-6 lít nước, chỉ định trong khoảng 10-15 ngày. Tuy nhiên, bà mới nhịn ăn, uống nước được 5 ngày thì phải đi cấp cứu.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận chùm ca bệnh tương tự. Đó là 3 bệnh nhân bị suy thận, đang phải chạy thận nhân tạo chu kỳ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Khi được nghe giới thiệu về loại nước kiềm chữa bách bệnh, gồm cả bệnh thận, họ đã tự ý ngừng đi chạy thận rồi xuống một cơ sở ở Hà Nội để được uống loại nước này. Tuy nhiên, chỉ áp dụng phương pháp này gần 3 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, hôn mê, phải cấp cứu.
Đọc những thông tin này, tôi nhớ đến bài học đau thương mà chính gia đình mình vừa trải qua. Bác tôi vốn bị viêm đa khớp một thời gian dài nên ông không thể đi lại đã vài năm nay. Một thời gian sau, ông mắc thêm một số chứng bệnh về tim. Người ta bảo "khớp đớp vào tim", bản thân ông cũng xác định việc phải sống cả đời với bệnh, nên sau khi điều trị ở viện về, thay vì lấy thuốc điều trị ở viện thì ai mách thuốc nào hay, ông đều tìm hoặc nhờ người mua về dùng.
Vừa qua, ông phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Ngay lập tức, ông được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bác sĩ hỏi người nhà: "Ông có nghiện rượu hoặc dùng chất kích thích nào đó không?". Bởi chỉ số men gan của ông quá cao, lên đến gần 3.000 IU/L (trong khi chỉ số của người bình thường chỉ khoảng 40-60 IU/L). Đương nhiên là bác tôi không dùng rượu hay chất kích thích nào.
Sau khi hỏi cặn kẽ và loại trừ khả năng, bác sĩ nghi ngờ men gan của bác tôi cao do sử dụng thuốc nam quá nhiều, trong thuốc nam có thể chứa nhiều chất bảo quản, khiến gan bị nhiễm độc nặng. Chưa kể các kết quả xét nghiệm còn cho thấy tồn dư của corticoid cao, dẫn đến những biến chứng nặng làm suy yếu lục phủ ngũ tạng.
Ngẫm lại, tôi thấy nhiều người bệnh toàn chủ quan, dễ dãi, tự chuốc thêm bệnh vào người. Người xưa có câu: “Có bệnh thì vái tứ phương” nhưng không có nghĩa là gặp “thầy” nào cũng thử. Chính tư duy dễ dãi của nhiều người bệnh đã khiến cho những kẻ "lang băm" vẫn có đất sống.
Vẫn có những “thần y” tự xưng nổi đình nổi đám, có những phương pháp chữa bệnh chẳng giống ai, thậm chí kỳ quái như: chữa bệnh bằng giẫm đạp, chữa bệnh bằng nước thánh, chữa bệnh bằng nước lã... Bởi vậy mới có những phương pháp phản khoa học như nhịn ăn “thanh lọc cơ thể” bằng nước kiềm, giảm đau bằng phương pháp ong châm, chích máu để giải độc cơ thể... Chưa kể, thời của internet phát triển, ai cũng có thể tiếp cận phương pháp chữa bệnh bằng “bác sĩ Google”, rồi được các "bác sĩ mạng" kê đơn chóng vánh. Thuốc dù không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không rõ thành phần thì người bệnh vẫn mặc nhiên sử dụng, dù điều này đã được các cơ quan truyền thông, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cảnh báo.
Càng thấy, việc quản lý nghiêm, xử phạt nặng những tổ chức, cá nhân giả mạo lương y, bác sĩ để bán thuốc, chữa bệnh rất cần thiết. Quan trọng hơn, mỗi người nên tỉnh táo để biết cách tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe, khi có bệnh hãy đến cơ sở y tế chính thống, uy tín, cần tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị, chớ có “vái tứ tung” mà rước họa vào người.