Chiều nay, giá xăng trong nước có thể giảm
Do giá dầu thế giới những ngày qua có xu hướng đi xuống nên giá xăng dầu trong nước được dự báo có thể giảm nhẹ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phía Nam nhận định, trong kỳ điều hành chiều nay, giá xăng có thể được điều chỉnh giảm nhẹ 150 - 200 đồng/lít, còn giá dầu diesel có thể giảm 50 - 100 đồng/lít,kg.
Ông Thắng cũng cho rằng trong kỳ điều hành này, liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không chi, không trích quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trong khi đó, theo mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tại kỳ điều hành ngày 17/10, giá xăng có thể giảm không đáng kể 0,1%, còn giá dầu giảm 0,3 - 0,7%.
Ở kỳ điều hành gần đây nhất (10/10), giá xăng E5 RON92 tăng 996 đồng/lít, không cao hơn 19.846 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 1.258 đồng/lít, không cao hơn 21.061 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 1.099 đồng/lít, lên 18.500 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.139 đồng/lít, lên mức 18.790 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 908 đồng/kg, không cao hơn 15.911 đồng/kg.
Tính từ tháng 10/2023 đến nay, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã liên tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Công Thương giải thích, nguyên nhân là do kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày, giá xăng dầu trong nước đã phù hợp với diễn biến giá dầu thế giới.
Cùng với đó, các loại chi phí trong kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng đánh giá việc tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, do đó không phải sử dụng đến quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trên thị trường thế giới, lúc 6 giờ ngày 17/10, giá dầu Brent ở mức 74,22 USD/thùng, giảm 0,03 USD/thùng so với hôm qua. Giá dầu WTI niêm yết ở mức 70,68 USD/thùng, tăng 0,29 USD/thùng.
Giá dầu Brent liên tục giảm do triển vọng nhu cầu yếu hơn. Ngoài ra, thông tin Israel sẽ không tấn công các cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran cũng đã giúp “hạ nhiệt” lo ngại gián đoạn nguồn cung.