Thách thức trong dạy học ngữ văn lớp 12
Năm 2025, lần đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đặc biệt đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn có thay đổi lớn kéo theo nhiều khó khăn và thách thức.
Xóa bỏ văn mẫu
Từ năm 2025, đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn sẽ có nhiều thay đổi, đó là không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa đang học, cấu trúc cũng thay đổi. Học sinh lớp 12 năm học 2024-2025 là khóa đầu tiên tham dự kỳ thi này.
Đề thi hướng đến mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là kiểm tra, đánh giá phẩm chất, năng lực, tư duy sáng tạo của mỗi học sinh. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn tình trạng học thuộc văn mẫu, học tủ như trước đây.
Nhiều giáo viên dạy ngữ văn THPT ở Hải Dương cho biết những tiết học bây giờ không còn hình ảnh chỉ giáo viên truyền thụ kiến thức, học sinh nghe và ghi chép. Giáo viên không còn độc thoại, phân tích, bình giảng tác phẩm một chiều.
Cô giáo Vũ Thị Thu Trang, Tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương) cho biết khó khăn đầu tiên là bản thân mỗi giáo viên phải học hỏi, tìm tòi phương pháp dạy theo chương trình mới. Giáo viên phải thay đổi thói quen, tư duy học tập của học sinh từ học tủ, học thuộc văn mẫu sang học tập theo hướng tự khám phá, sáng tạo ra tác phẩm mới của mình.
“Mỗi giáo viên phải tìm được điểm chung của cả 3 bộ sách để dạy học sinh. Đề thi mới đòi hỏi học sinh phải thành thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thay vì chỉ kỹ năng viết như trước. Như đọc hiểu phải nắm chắc đặc trưng, thể loại, còn phần viết phải viết được cả mảng nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Khó nhất với học sinh là phần nghị luận văn học, bởi ngay cả các thầy cô có chuyên môn, kinh nghiệm cũng mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi. Trong khi chỉ có 120 phút để làm bài thi nên chúng tôi rất lo ngại liệu học sinh có thể vận dụng được cả kiến thức và năng lực để giải quyết vấn đề hay không”, cô Trang chia sẻ.
Đồng quan điểm, cô giáo Nguyễn Thị Hiếu, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nam Sách cho biết việc sử dụng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khiến học sinh rất lúng túng và rất khó để tiếp cận một văn bản hoàn toàn mới.
“Học sinh phải ôn tập nhiều kỹ năng làm bài hơn so với chương trình cũ. Nếu không đọc hiểu được văn bản theo đặc trưng thể loại, không có vốn ngôn ngữ, kiến thức xã hội để vận dụng thì sẽ rất khó khăn”, cô Hiếu nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngoan, giáo viên ngữ văn Trường THPT Phúc Thành (Kinh Môn) cho biết với những học sinh có học lực yếu, trung bình, cảm nhận văn học không tốt thì càng khó khăn hơn. Thực tế qua những bài kiểm tra, do vốn ngôn ngữ, kiến thức xã hội còn hạn chế nên những bài viết của học sinh rất ít nội dung, diễn đạt và sắp xếp ý còn nhiều lỗi, lời văn ngô nghê.
“Tuy nhiên, nếu bắt nhịp được thì mỗi học sinh sẽ tạo ra những sản phẩm văn học của riêng mình chứ không phải sao chép từ người khác”, cô Ngoan nói.
Cầm tay chỉ việc
“Học sinh và giáo viên đang lo lắng đề thi không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa nhưng tôi nghĩ không đáng lo. Quan trọng là giáo viên và học sinh phải tìm ra đường đi riêng, xây dựng lộ trình từ thấp đến cao, nhất là giáo viên phải dạy theo hướng cầm tay chỉ việc. Tức là phải cho học sinh trực tiếp tạo ra sản phẩm của mình. Thường xuyên rèn từng kỹ năng theo cấu trúc đề thi mới”, cô Trang chia sẻ.
Tại tiết dạy của cô Trang, từ một đoạn trích trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của tác giả Nguyễn Du, giáo viên chia nhóm và giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị. Sau đó, mỗi nhóm trình bày nội dung đã được giao, các nhóm khác nhận xét và cùng nhau thảo luận theo gợi ý, định hướng của giáo viên. Cuối cùng, giáo viên chốt vấn đề cần đạt để học sinh thống nhất, ghi nhớ. Với cách dạy này, mỗi học sinh phải tự tìm hiểu kiến thức, giáo viên sẽ kiểm tra bài cũ cũng như đánh giá và sửa lỗi, rút kinh nghiệm cho mỗi học sinh ngay tại mỗi tiết học.
Theo cô giáo Hiếu, trong quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên cần tích cực cho học sinh làm quen với đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm nhiều đề để rèn kỹ năng. Từ đó, học sinh tiếp cận được các dạng câu hỏi và bài tập, các mảng kiến thức cần ôn tập.
Đối với phần viết bài văn hoặc đoạn văn nghị luận văn học, vì chương trình mới, các bài học được sắp xếp theo thể loại nên khi dạy giáo viên rèn kỹ năng đọc hiểu, phân tích, đánh giá tác phẩm trong sách giáo khoa, từ đó hình thành kỹ năng đọc hiểu các tác phẩm theo đặc trưng thể loại. Khi đề thi cho vào một tác phẩm mới thì học sinh vẫn biết cách phân tích, đánh giá.
“Ví dụ, khi giảng dạy bài Muối của rừng (tác giả Nguyễn Huy Thiệp), ngoài việc giúp học sinh nhận biết và thông hiểu nội dung, nghệ thuật của tác phẩm thì giáo viên giúp các em rèn các kỹ năng đọc hiểu thể loại truyện. Khi đề thi vào một tác phẩm khác, học sinh sẽ biết cách vận dụng kỹ năng để làm bài”, cô Hiếu nói.
Nhiều giáo viên ngữ văn nhận định, điểm thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chắc chắn sẽ không cao như trước. Những khó khăn, thách thức là điều không thể tránh khỏi, đòi hỏi mỗi giáo viên và học sinh phải nỗ lực thích ứng.