Gỡ vướng pháp lý cho hoạt động quản lý thị trường
Hiện nay, hành lang pháp lý về quản lý thị trường vừa thiếu, vừa chồng chéo gây vướng mắc cho lực lượng quản lý thị trường Hải Dương trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Nhiều quy định chồng chéo
Theo anh Phạm Ngọc Khương, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương), hiện nay các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của lực lượng quản lý thị trường rộng, được quy định ở nhiều văn bản khác nhau. Nhiều nội dung còn quy định chưa rõ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, có quy định còn chồng chéo.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 45 nghị định, chế tài về thẩm quyền xử phạt liên quan đến lực lượng quản lý thị trường chưa kể đến các quy định hướng dẫn.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng quản lý thị trường còn băn khoăn khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử lý đối với hành vi không niêm yết giá. Việc xử phạt hành vi vi phạm này được quy định trong Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 của Chính phủ. Tuy nhiên, ngoài Nghị định số 87 còn có một số nghị định khác (được ban hành trước đây) cũng quy định xử phạt hành vi này trong các lĩnh vực.
Cụ thể, đối với hành vi “không niêm yết giá bán thuốc thú y” sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng nếu áp dụng theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP và Nghị định số 07/2022/NĐ-CP). Tuy nhiên theo điều 13, Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024, hành vi này sẽ được áp dụng mức xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng hóa quá hạn sử dụng cũng chồng chéo vì liên quan đến 3 nghị định; việc xử phạt vi phạm hành chính về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến 4 nghị định…
Không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên ngành chức năng khó xử phạt, trong khi việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở lại không đủ tính răn đe. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều cơ sở còn thấp.
Lực lượng quản lý thị trường chưa được trang bị công cụ hỗ trợ cho việc giám định chất lượng đối với một số mặt hàng: xăng dầu, phân bón, thực phẩm… Vì vậy, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan để giám định chất lượng.
Anh Trần Đức Vương, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 5 cho biết: “Đội có kho bảo quản tang vật nhưng diện tích nhỏ, không đủ sức chứa khi hàng hóa bị tạm giữ và tịch thu nhiều. Hiện chưa có kho chứa chuyên dụng riêng biệt cho từng loại tang vật, phương tiện cần điều kiện bảo quản đặc biệt như thực phẩm tươi sống, thuốc bảo vệ thực vật... Trong khi đó việc sử dụng kinh phí cho hoạt động thuê kho bãi để bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn hạn chế”.
Chưa theo kịp diễn biến thị trường
Trong buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh hồi đầu tháng 10, đồng chí Trần Văn Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương cho rằng hiện nay một số văn bản quy phạm pháp luật chưa có tính dự báo cao, không kịp theo diễn biến phức tạp của thị trường.
Việc sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chậm, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Một số loại sản phẩm trên thị trường như thuốc lá điện tử, “bóng cười” (khí N2O) chưa có quy định xử lý rõ ràng, gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm.
Pháp lệnh Quản lý thị trường được ban hành từ năm 2016 đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế trong giai đoạn hiện nay. Định biên biên chế của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương hiện quá ít (52 công chức) làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công vụ, đặc biệt trong điều kiện các văn bản chỉ đạo đột xuất của các cấp ngày càng tăng, phát sinh theo diễn biến thị trường và đặc thù thời vụ.
Hiện nay, vi phạm liên quan đến thương mại điện tử diễn biến nhanh, phức tạp, khó quản lý, khó xác định đối tượng, kho bãi, thậm chí thực hiện xuyên biên giới và khó truy vết. Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng…
Công tác phòng ngừa, phát hiện các địa điểm kinh doanh hoặc các kho, bến, bãi chứa hàng của các đối tượng vi phạm khó khăn. Để cất giấu và vận chuyển hàng hóa tới người tiêu dùng, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận, nhưng lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra.
Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia, mà đã xuyên biên giới với cách thức hoạt động phức tạp. Đây là thách thức đòi hỏi phải khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp thương mại điện tử phát triển bền vững.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị các đội quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xem xét việc xây dựng quy chế phối hợp giữa đội quản lý thị trường với chính quyền địa phương, lực lượng công an, hải quan… “Đã đến lúc cần phải nghiên cứu, xem xét đến việc ban hành Luật Quản lý thị trường”, đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh tại buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường tỉnh vừa qua.