Ba chuyện ồn ào
Những chuyện ồn ào trên internet thời gian gần đây có khá nhiều. Xin điểm qua ba chuyện để thấy một số vấn đề cần suy ngẫm, ứng xử phù hợp.
1. Nghệ sĩ nói “văng mạng”, chuyện không mới nhưng vừa qua lại ồn lên. Dư luận đem cả chuyện cũ ra soi xét. Như thái độ trịch thượng trong cuộc họp báo của ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh. Với quá khứ từng bị dư luận “dội bom” ở thời kỳ thanh xuân đẹp đẽ nhất, nhiều người có thể thông cảm cho những sự tổn thương của cô khi gợi lại chuyện cũ, nhưng thật khó hiểu khi cô nói rằng: "Từ nay ai mà hỏi tôi những câu về quá khứ tào lao, tôi sẽ gửi lá ngón đến tận nhà họ".
Hay chuyện Đặng Thành An (nghệ danh Negav, một rapper) bị moi lại bình luận trên mạng với lời lẽ phản cảm từ vài năm trước. Đặng Thành An còn có những bình luận không đúng mực về một số nghệ sĩ khác, gây bức xúc.
Sau những câu chuyện ồn ào của một số nghệ sĩ, họ đã có những thanh minh trên truyền thông. Có những sự việc công chúng có thể thông cảm được và có những chuyện khác thì không.
Nghệ sĩ là người của công chúng. Họ là tấm gương, nhất là đối với giới trẻ. Nhiều bạn trẻ chọn cho riêng mình một thần tượng là nghệ sĩ. Họ nghe thần tượng nói, tin, làm theo thần tượng.
Vậy nên nếu nghệ sĩ không gương mẫu, tiếp tục nói “văng mạng” trên internet – nơi có sức lan toả lớn nhất hiện nay sẽ gây hại cho xã hội. Khi đó, nghệ sĩ không thực hiện được thiên chức sứ giả văn hoá của mình.
2. Mấy ngày nay, trên internet ồn ào chuyện doanh nhân Nguyễn Phương Hằng ở Bình Dương mới ra tù có những phát ngôn “thách thức” ông Thích Minh Tuệ. Ông Thích Minh Tuệ đã ẩn tu vài tháng qua và người ta không còn bàn luận về ông ồn ào như hồi tháng 5 và 6/2024 nữa.
Nhờ bà Hằng nhắc đến, bỗng chốc cái tên ông lại tràn ngập trên internet. Bà Nguyễn Phương Hằng nói sẽ “quất” ông Thích Minh Tuệ, chứng minh ông Tuệ đúng chỗ nào, sai chỗ nào...
Việc nhận xét, đánh giá con người không hề đơn giản, không có gì phải ồn ào. Việc đưa lên công luận, đặt vấn đề kiểu hơn thua thì vị doanh nhân này đã tự "đánh mất" mình.
3. Nhưng có một việc không ồn ào đang làm bớt nhiều ồn ào không đáng có. Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra một thông tin, từ khi bắt buộc phải xác thực khuôn mặt để chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, số người bị lừa đảo đã giảm đi rõ rệt.
Tháng 8, số người bị lừa đảo giảm một nửa so với trung bình 1 tháng trong 7 tháng đầu năm 2024. Con số Ngân hàng Nhà nước đưa ra minh chứng xác thực sinh trắc học đang phát huy tác dụng trong việc ngăn ngừa giả mạo thông tin.
Đây là một con số ý nghĩa. Nạn lừa đảo qua ngân hàng đã nhức nhối thời gian qua. Những người bị lừa chủ yếu là người già, người cả tin, người không hiểu biết về công nghệ, cả người hám lợi…
Việc ngăn chặn tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng không chỉ có ý nghĩa công nghệ đã giúp ích cho đời sống, mà còn củng cố niềm tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng, niềm tin vào tính chân thực trong các giao dịch.
Nó cũng cho thấy công tác quản lý kinh tế-xã hội không thể mù mờ được, mọi cái phải rõ ràng minh bạch và tôn trọng sự thật.