Dấu hiệu lừa đảo khách Việt cần biết khi đặt tour trên mạng
Yêu cầu khách chuyển tiền đặt tour vào tài khoản cá nhân thay vì tên công ty du lịch là một trong những dấu hiệu cho thấy khách đang giao dịch với kẻ lừa đảo.
Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Phạm Anh Vũ cho biết thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tìm kiếm các chuyến du lịch của các gia đình tăng lên cũng là thời điểm kẻ xấu lộng hành nhiều hơn. Ngoài mạo danh thương hiệu, kẻ xấu còn quảng cáo tour giá rẻ hoặc dịch vụ visa bao đậu 100%, tặng voucher du lịch miễn phí. Nạn nhân thường là khách mới, ít kinh nghiệm đi tour, ham giá rẻ hoặc gặp sự cố bất ngờ trên đường đi du lịch nên nóng vội.
Chị Bảo Hân, sống tại TP Hồ Chí Minh, từng bị lừa mất 4 triệu đồng qua mạng khi đi du lịch Bắc Kinh hồi tháng 6. Khi đó, chị Hân bị rơi mất hộ chiếu nên đăng bài trên một hội nhóm du lịch nhờ hỗ trợ. Một người tự nhận là hướng dẫn viên Bích Ngọc của công ty du lịch Vietravel chi nhánh Hà Nội nhắn tin qua Facebook của chị Hân hứa hẹn giúp đỡ.
Chị Hân vào trang cá nhân của người này để kiểm tra, thấy ảnh đại diện là hình ảnh một cô gái mặc đồng phục Vietravel cũng như đăng ảnh công ty. Chị cũng gọi vào số hotline để hỏi thông tin và được xác nhận có nhân viên tên như vậy.
Do sốt ruột muốn sớm có visa để kịp ngày về nước, chị đồng ý chuyển khoản hơn 4 triệu đồng cho người tự nhận tên Bích Ngọc. "Sau khi chuyển tiền, tôi liền bị chặn", chị nói. Sau đó, chị Hân mới nhận ra kẻ xấu đã lấy hình ảnh, tên tuổi của của nhân viên Vietravel để tạo Facebook ảo lừa khách. Còn nhân viên tên Bích Ngọc thật chưa từng làm việc với chị.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội, xác nhận tính đến ngày 4/10, công ty ghi nhận ba trường hợp khách tố cáo bị lừa tiền qua các đối tượng mạo danh nhân viên công ty. Những người này bị lừa khi mua tour qua các hội nhóm trực tuyến, nhầm tưởng đang đặt tour trực tiếp với nhân viên Vietravel.
Để tránh rơi vào bẫy, ông Bảy khuyến nghị khách hàng nên cảnh giác với các lời quảng cáo, mời chào giá tour rẻ, thấp hơn mặt bằng chung quá nhiều hoặc những khuyến mại "không tưởng". Các công ty du lịch thường không bán được các tour với giá quá thấp vì sẽ bị lỗ.
Giám đốc truyền thông Vietlux Tour Trần Thị Bảo Thu cho biết khách nên chọn công ty có thương hiệu uy tín, nằm trong top các công ty tại Việt Nam. Ngoài trực tiếp đến làm hợp đồng, du khách mua tour trực tuyến cần vào fanpage hoặc website công ty. Nhiều công ty lớn có fanpage tích xanh, đây cũng là một dấu hiệu nhận biết giúp du khách tránh bị lừa đảo.
Khi vào website, du khách cần kiểm tra số điện thoại hotline có đồng nhất giữa công ty và các văn phòng đại diện hay không. Tên công ty sẽ được viết đúng chính tả trên fanpage, trang web. Các trang lừa đảo thường có tên gần giống nhưng thiếu hoặc thừa ký tự. Tên miền giả thường sử dụng các đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk.
Bà Thu cho biết các công ty lữ hành nên thường xuyên thông báo với khách hàng về nhận diện thương hiệu, các kênh thông tin chính thức của công ty cũng như fanpage có tích xanh.
Để chắc chắn, khi giao dịch khách hàng nên đề nghị người bán cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy phép tổ chức lữ hành quốc tế, chứng nhận đại lý của các hãng hàng không của công ty đó. Khách không nên mua dịch vụ qua các trang Facebook cá nhân không hiển thị rõ profile hoặc các hội, nhóm có nội dung kém chất lượng, ít lượt người tương tác, không có chính sách bảo vệ người mua rõ ràng.
Phó Tổng giám đốc của Du lịch Việt Phạm Anh Vũ cho biết du khách cần thận trọng với yêu cầu chuyển tiền đặt cọc giữ chỗ. Nếu có thể, khách nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp tại trụ sở, văn phòng công ty, cảnh giác với những lời hẹn thu tiền tại các điểm là nhà hàng, quán cà phê. Khi bị lừa, cần báo với chính quyền.
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng số điện thoại, email không chính thức, không có địa chỉ văn phòng rõ ràng cũng như không cung cấp được hóa đơn, hợp đồng dấu đỏ.
"Nếu nhân viên bán tour từ chối cung cấp các thông tin chi tiết hoặc hợp đồng cụ thể, khách hàng nên ngừng giao dịch ngay lập tức", ông Bảy cho biết. Khi có bất kỳ nghi ngờ nào về tính xác thực của dịch vụ, khách hàng liên hệ trực tiếp với công ty du lịch qua các kênh chính thức hoặc số hotline của họ để được hỗ trợ.
Ông Vũ chia sẻ quy trình mua tour "chuẩn" gồm các bước: khách liên hệ qua hotline hoặc đến trực tiếp văn phòng công ty để nhận tư vấn. Sau khi thống nhất mua bán, hãy đề nghị nhân viên kinh doanh gửi hợp đồng chính thức có chữ ký và con dấu của công ty. Khi thanh toán, khách chỉ chuyển khoản vào tài khoản chính thức của công ty. Nhân viên kinh doanh sẽ xác nhận tiền được chuyển đến và gửi thông tin chi tiết chuyến đi cho khách.
Theo ông Bảy, việc mạo danh các công ty du lịch uy tín đi lừa khách hàng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của khách mà còn gây hệ lụy nghiêm trọng về niềm tin. Các hành vi lừa đảo này còn gây thiệt hại cho ngành du lịch Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng, làm suy giảm lòng tin của khách với các đơn vị kinh doanh nghiêm túc.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tùy, Công ty Luật TNHH Khoa Tín - Đoàn luật sư TP Hà Nội, các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi mạo danh cơ quan, tổ chức khác sau đó đưa ra những thông tin sai sự thật nhằm thu hút, dụ dỗ khách du lịch chuyển tiền là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện nay, do trình độ dân trí cao hơn nên các trường hợp bị lừa không chiếm quá nhiều. Tuy nhiên, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng khi lựa chọn các dịch vụ đặt tour du lịch, phòng khách sạn, vé máy bay trên mạng xã hội.
Các công ty lữ hành đặc biệt lưu ý du khách tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân khi mua tour, dịch vụ.
"Quy tắc đầu tiên khách cần nhớ là chỉ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của công ty vì điều đó mới hợp lệ", ông Anh Vũ nói.