Xếp hạng thi đua trường THCS theo cách mới, cởi bỏ áp lực cho học sinh lớp 9
Từ năm học 2024-2025, điểm trung bình thi vào lớp 10 THPT ở Hải Dương sẽ được tính theo cách mới, đồng nghĩa với việc xếp hạng thi đua của các trường THCS cũng thay đổi.
“Tước quyền thi đấu”
“Con có thể thi nhưng sẽ không đỗ, mang tiếng điểm kém, buồn lắm. Mình nên nhận thức đúng thực chất của con đi. Mong phụ huynh ủng hộ kế hoạch tư vấn của nhà trường…”. Đây là trao đổi của giáo viên chủ nhiệm với chị N.T.H. ở TP Hải Dương có con học lớp 9 năm học 2023-2024.
Chị H. cho biết cô giáo đã nhiều lần điện thoại trao đổi, nhắn tin tư vấn, định hướng cho con chị không thi vào lớp 10 THPT. Dù con có học lực trung bình nhưng chị H. vẫn muốn con được thi và đã thẳng thắn thể hiện quan điểm với giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, cô giáo vẫn cố tư vấn gia đình không nên cho con thi. Từ khi con được định hướng không thi lớp 10, tình hình học tập đi xuống, mất tập trung, cách tư vấn này khiến gia đình rất buồn.
“Tôi muốn con được đi thi như các bạn. Dù đỗ hay không nhưng cũng là kỷ niệm của con ở một kỳ thi cam go và quan trọng trong cuộc đời. Nếu thất bại thì đó cũng là bài học để con trưởng thành hơn”, chị H. nói.
Tương tự, anh N.V.H. ở huyện Ninh Giang có con học lớp 9 năm học 2023-2024 cũng được giáo viên chủ nhiệm trao đổi nhiều lần về tình hình học tập của con mình và đề nghị gia đình phối hợp động viên con không đăng ký thi vào lớp THPT.
Mặc dù vẫn muốn con được đi thi như các bạn cùng trang lứa nhưng cuối cùng anh H. cũng đành chấp nhận ký vào đơn tự nguyện không đăng ký dự thi lớp 10 THPT cho con.
Định hướng, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương đúng đúng đắn của Nhà nước. Thời gian qua, các trường, giáo viên đều định hướng cho nhiều học sinh có học lực kém sau khi hoàn thành THCS không thi vào lớp 10 THPT mà chuyển sang học nghề hoặc hướng đi khác. Tuy nhiên, nhiều nơi xuất hiện tình trạng định hướng, phân luồng thái quá, kiểu “ép” phụ huynh đăng ký không cho con thi vào lớp 10 THPT.
Theo một số giáo viên THCS ở Hải Dương, căn nguyên của vấn đề vẫn là bệnh thành tích dẫn đến có trường phân luồng học sinh sau THCS quá sâu. Bởi trường nào có tỷ lệ học sinh không trúng tuyển lớp 10 THPT cao sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng thi đua, chất lượng dạy học sẽ bị đánh giá, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Thậm chí, công tác phân luồng còn biến tướng sang việc có giáo viên tư vấn, định hướng quá mức, “ép” học sinh đăng ký, nộp học bạ vào một trường THPT tư thục cụ thể, khiến phụ huynh bất bình.
Học tập và thi cử là quyền của mỗi học sinh nhưng với cách phân luồng của nhiều trường THCS như trên đã vô tình “tước quyền thi đấu” của các em tại kỳ thi quan trọng này. Thậm chí, giáo viên tư vấn không khéo còn tạo vết thương lòng đeo bám các em mãi mãi. Bởi lẽ, ở độ tuổi 15, suy nghĩ của học sinh còn non nớt, lại ham chơi, lười học, vì vậy các em cần sự động viên, ủng hộ để tiến lên thay vì những lời nói khiến các em nhụt chí, nản lòng.
Học sinh đăng ký thi lớp 10 sẽ tăng mạnh
Thực tế, nhiều học sinh do học lực yếu, trung bình nên sau khi được giáo viên tư vấn, đến học kỳ II đã xác định không thi lớp 10 và chểnh mảng học tập, thậm chí làm ảnh hưởng tới việc học tập của các bạn khác. Khi một lớp học có em ôn luyện vào lớp 10 nhưng có em không ôn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Những em không thi có thể tìm đến những môi trường không lành mạnh, tệ nạn xã hội. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục toàn diện và kiến thức ở cấp THCS của học sinh.
Để khắc phục tình trạng trên, từ năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã quyết định tính điểm trung bình thi lớp 10 THPT để xét thi đua của các địa phương và các trường theo hướng xếp hạng theo tổng điểm/số học sinh tốt nghiệp THCS. Như vậy sẽ không còn tính thi đua theo cách truyền thống là xếp hạng tổng điểm/số thí sinh dự thi.
Khi được hỏi về cách xếp hạng mới này, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên rất đồng tình. Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS Chí Minh (Tứ Kỳ) cho biết đây là giải pháp đột phá của Sở Giáo dục và Đào tạo. Nếu tính theo cách trên sẽ tạo công bằng cho các trường. Có thể các trường sẽ tư vấn nhiều học sinh dự thi lớp 10 hơn. Tuy nhiên, công tác phân luồng, định hướng cho học sinh sau THCS vẫn phải thực hiện đúng quy định, đúng theo chủ trương, mục tiêu của tỉnh.
Năm học 2023-2024, Hải Dương có khoảng 30.400 học sinh lớp 9 thì có gần 21.000 thí sinh dự thi lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Với cách tính điểm như trên, có thể kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025-2026 sắp tới sẽ có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông hơn những năm trước rất nhiều.
Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết cách tính tổng điểm/số học sinh tốt nghiệp THCS là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cho tất cả học sinh. Đây cũng là cơ hội để các em xác định học lực của mình, có định hướng nghề nghiệp đúng đắn và không ảnh hưởng tới công tác phân luồng sau THCS.
Trên thực tế, dù số lượng không nhiều nhưng vẫn có những gia đình không có nguyện vọng cho con thi vào lớp 10. Phụ huynh biết lực học của con, thi sẽ không trúng tuyển nên xác định ngay từ đầu không ôn thi để đỡ tốn kém kinh phí, đỡ áp lực thi cử. Vì vậy, để tránh cách xếp hạng mới dẫn đến việc làm cực đoan “ép” học sinh đi thi, các trường cần tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh; chỉ nên tư vấn, định hướng đúng mức. Dù thi hay không thi thì việc quan trọng là các trường, giáo viên cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, truyền đạt kiến thức tới tất cả học sinh, không phân biệt trình độ để các em có kiến thức nền tảng ở cấp THCS.