Hải Dương xem xét quy định mới tác động lớn đến dự án ở bãi sông
Nếu được thông qua, quy định mới về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách diện tích đất do cơ quan Nhà nước quản lý thành dự án độc lập sẽ tháo gỡ bế tắc với nhiều chủ đầu tư có các dự án ở bãi sông…
Điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý thành dự án độc lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương là một trong những nội dung đáng chú ý được thảo luận, xem xét tại phiên họp chiều 14/10.
Tham gia ý kiến về nội dung này, đồng chí Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng đối với đất công nằm ngoài đê gắn với bến bãi nằm trong quy hoạch và được phép tồn tại thì không tách thành dự án độc lập. Dù 100 % là đất công thì những dự án này không thuộc diện đấu giá vì 1 năm có đến nửa thời gian phải dừng hoạt động. Đối với những dự án nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông, ở mặt đường thì đưa ra đấu giá nhưng cần nghiên cứu đưa ra khung tiêu chí cụ thể như đường rộng bao nhiêu mét, nằm trên trục giao thông chính của huyện phải khác với đường trục chính của xã...
Các sở liên quan như Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng... cần tham mưu tính toán kỹ để khu trú dự án phải đấu giá nhằm tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Đồng chí Phó Chủ tịch Trần Văn Quân cũng đề nghị nên xem xét ưu tiên những dự án tồn tại cũ có đủ hồ sơ, chấp hành tốt chính sách, quy định, nhất là về thuế...
Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các địa phương rà soát lại thực trạng các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này để quyết định khi ban hành sẽ giải quyết dứt điểm các tồn tại bấy lâu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát lại ý kiến góp ý của các đại biểu để xây dựng dự thảo quy định cho sát thực tế. Đối với những bến bãi đủ điều kiện hoạt động thì nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để họ hoạt động thuận lợi. Đối với những dự án không đủ điều kiện phải kiên quyết chấm dứt hoạt động.
Theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, điều kiện để tách phần diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý thành dự án độc lập gồm: Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan.
Không ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân khu vực liền kề; không có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm hoặc có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm nhưng đã có văn bản giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về tiêu chí để tách: Phải là một thửa hoặc nhiều thửa đất liền kề, không nằm xen kẽ, không bị chia cắt bởi các thửa đất không phải là đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý. Có ít nhất một mặt giáp đường bộ hiện trạng hoặc đường bộ đã được quy hoạch hoặc hành lang an toàn đường bộ mà chiều dài cạnh tiếp giáp với đường bộ hiện trạng, đường bộ đã được quy hoạch và hành lang an toàn giao thông đường bộ tối thiểu là 15 m đối với khu vực đô thị, 20 m đối với khu vực ngoài đô thị.
Phần diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý lập được quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng; có hình dáng, kích thước bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật xây dựng và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan, phù hợp với mục đích sử dụng từng loại đất, công trình trong từng trường hợp cụ thể.
Về quy mô, tỷ lệ để tách phần diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý thành dự án độc lập được quy định như sau:
Đối với các dự án thương mại, dịch vụ đầu tư tại các phường thuộc thành phố, thị xã và thị trấn thuộc huyện, khu vực quy hoạch đô thị, trong đó phần diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý có diện tích chiếm tỷ lệ từ 40% trở lên so với diện tích đất thực hiện dự án đầu tư mới (hoặc phần diện tích đất xin thuê mở rộng đối với dự án đầu tư mở rộng) và có diện tích tối thiểu từ 1.000 m2.
Đối với các dự án thương mại dịch vụ đầu tư tại các địa bàn không thuộc quy định tại điểm a khoản này, trong đó phần diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý có diện tích chiếm tỷ lệ từ 45% trở lên so với diện tích đất thực hiện dự án đầu tư mới (hoặc phần diện tích đất xin thuê mở rộng đối với dự án đầu tư mở rộng) và có diện tích tối thiểu từ 2.000 m2.
Đối với các dự án có sử dụng đất tại bãi sông, trong đó phần diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý có diện tích chiếm tỷ lệ từ 90% trở lên so với diện tích đất thực hiện dự án đầu tư mới (hoặc phần diện tích đất xin thuê mở rộng đối với dự án đầu tư mở rộng) và có diện tích tối thiểu từ 1.000 m2.
Đối với các dự án không thuộc quy định nói trên, trong đó phần diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý có diện tích chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên so với diện tích đất thực hiện dự án đầu tư mới (hoặc phần diện tích đất xin thuê mở rộng đối với dự án đầu tư mở rộng) và có diện tích tối thiểu từ 3.000 m2.
Quy định này nhằm cụ thể hóa khoản 3 điều 59 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024.
Trên thực tế, theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư chỉ được phép khai thác sử dụng đất từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau (do trong mùa mưa lũ phải thực hiện việc di chuyển nguyên vật liệu, công trình tạm... ra khỏi khu vực đất thuê để hoàn trả diện tích bãi sông phục vụ thoát lũ theo quy định). Nhà đầu tư chỉ được san lấp tạo mặt bằng, không được phép xây dựng công trình trên đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh (trường hợp xây dựng phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận).
Bên cạnh đó, các khu đất này thường không có vị trí thuận lợi, đường giao thông tiếp cận khu đất chủ yếu là đường tạm (việc kết nối giao thông gặp nhiều khó khăn nên nhà đầu tư thường phải thực hiện các thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền để sử dụng hành lang đê, dốc qua đê, hành lang sông...).
Do quyền sử dụng đất bị hạn chế và bất lợi trong kết nối giao thông nên sức hút đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh vào khu vực bãi sông không lớn.
Quyết định ban hành tháng 9/2022 của UBND tỉnh có tính khả thi không cao. Do vướng quy định dẫn đến một số dự án đầu tư đang trong tình trạng “treo”, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách do việc chậm đưa đất vào khai thác, sử dụng; tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư của tỉnh…
Do vậy, nếu quy định mới này được thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án đầu tư ở bãi sông và phạm vi ranh giới khu đất thực hiện dự án có phần diện tích đất công.
Tại phiên họp chiều 14/10, UBND tỉnh xem xét một số nội dung gồm: Phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và kế hoạch năm 2024 thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc Công an cấp xã giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025”; đầu tư xây dựng chợ hạng 3 thuộc địa bàn nông thôn; bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện; Phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và kịch bản giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024; về việc phê duyệt chủ trương và cấp kinh phí mua sắm xe ô tô cứu thương cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế; về đề nghị bổ sung kinh phí và quyết định mua sắm tài sản công là xe ô tô cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.