Nuôi ong nội rừng Kinh Môn, lãi 3 tỷ mỗi năm
Hợp tác xã Nuôi ong nội rừng Kinh Môn (Hải Dương) đã tận dụng hiệu quả thảm thực vật phong phú trên dãy núi An Phụ để nuôi ong, thu tiền tỷ mỗi năm.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Đức Thả, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi ong nội rừng Kinh Môn khi ông cùng các thành viên chuẩn bị đưa những đàn ong về nhà tránh đông. Đến khoảng tháng 3 âm lịch, các thành viên hợp tác xã lại đưa ong lên dãy núi An Phụ lấy mật.
Kinh Môn được thiên nhiên ưu đãi với 14.000 ha rừng, là thảm thực vật quý, đa dạng nên từ lâu người dân địa phương đã đưa ong đến đây khai thác mật. Tuy nhiên, các hộ nuôi nhỏ lẻ, không có sự liên kết tiêu thụ, năng suất thấp, giá trị không cao.
Vì thế đến năm 2019, ông Thả thành lập Hợp tác xã Nuôi ong nội rừng Kinh Môn với mục đích tập hợp các thành viên, cùng nhau phát triển. Ban đầu thành lập, hợp tác xã chỉ có 26 thành viên, đến nay đã có 50 thành viên.
Các thành viên của hợp tác xã xác định ngành nghề sản xuất, kinh doanh là nuôi ong, khai thác mật, phấn hoa… Nuôi ong nội rừng khác với ong ngoại, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, khắt khe. Đặc tính của con ong nội là rất chăm chỉ, mật làm ra thơm ngon, sánh quyện.
Năm 2020, hợp tác xã được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương hỗ trợ hệ thống máy tách thủy phần theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Với máy tách thủy phần này, các tạp chất và nước trong quá trình thu mật ong sẽ được lọc ra khỏi mật, chỉ còn những giọt mật tinh túy, thơm ngon, chất lượng. Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn hỗ trợ tem, nhãn mác, bao bì cho sản phẩm mật ong nội rừng. Năm 2022, mật ong nội rừng của hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn VietGAP do sản xuất sạch ở vùng không có thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, Hợp tác xã Nuôi ong nội rừng có hơn 3.000 thùng ong, sản lượng mật đạt khoảng 18.000 lít/năm. Mật ong của hợp tác xã được bán với giá hơn 160.000 đồng/chai 500 ml. Sản phẩm mật ong nội rừng của hợp tác xã thường được đặt mua làm quà biếu, quà tặng hội nghị và bán lẻ cho khách quen nên đầu ra cho sản phẩm không lo ngại vì hầu hết cung không đủ cầu.
Doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 4,5 tỷ đồng, lãi hơn 3 tỷ đồng/năm. Thu nhập của các thành viên hợp tác xã nhờ vậy mà ổn định hơn trước. Hợp tác xã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, chủ yếu là những người nghỉ hưu, cựu chiến binh…
Theo ông Nguyễn Đức Thả, để hợp tác xã phát triển bền vững, các thành viên không ngừng học hỏi nhằm duy trì, phát triển, nhân rộng đàn ong. Không chỉ mời các chuyên gia nuôi ong ở Học viện Nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho đàn ong, bản thân ông Thả và mỗi thành viên đều tự tìm hiểu và trau dồi kinh nghiệm để bảo đảm an toàn cho đàn ong, sản xuất hiệu quả.
Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.