Mazda BT-50 ngừng bán tại Việt Nam sắp có bản mới, nhiều nâng cấp đáng chú ý
Phiên bản nâng cấp của Mazda BT-50 dù mới chỉ lộ hình ảnh đầu tiên nhưng hãng xe Nhật Bản cho biết mẫu bán tải mới này sẽ có thiết kế lại toàn diện từ trong ra ngoài.
Theo kế hoạch, phiên bản nâng cấp mới của Mazda BT-50 sẽ có màn ra mắt tại thị trường Úc vào 18/10 tới đây. Với hàng loạt thay đổi về kiểu dáng và công nghệ, mẫu bán tải cỡ trung của Mazda hứa hẹn sẽ có thể cạnh tranh được với các đối thủ như Ford Ranger, Toyota Hilux hay Mitsubishi Triton.
Mazda BT-50 thế hệ hiện hành đã ra mắt từ năm 2020 và đã được nâng cấp nhẹ trong năm nay. Tuy nhiên, mẫu BT-50 2025 được đánh giá là một cuộc đại tu về mọi mặt chứ không đơn thuần chỉ là một vài sự thay đổi tinh tế.
Đoạn video dài 6 giây đã hé lộ một số thay đổi ở phần đầu xe với cụm đèn pha gợi nhớ đến chiếc Mazda CX-5. Ngoài ra, lưới tản nhiệt của mẫu bán tải này có thể cũng được thiết kế lại và dường như logo Mazda ở lưới tản nhiệt sẽ to hơn bình thường.
Bên cạnh ngoại thất được làm mới, Mazda BT-50 2025 dự kiến sẽ có một số nâng cấp về tính năng, bao gồm giao diện được tinh chỉnh, nhiều công nghệ hơn vì cơ bản BT-50 là một chiếc Isuzu D-Max được thiết kế lại.
Rất có thể Mazda BT-50 phiên bản mới sẽ được thừa hưởng cụm đồng hồ kỹ thuật số 7 inch của Isuzu D-Max, hệ thống nút bấm ở dưới màn hình giải trí 9 inch, thêm cổng USB Type C, đề nổ từ xa và một số tính năng hỗ trợ lái xe nâng cao. Chiếc xe mới này cũng có thể có chế độ lái Rough Terrain Mode của Isuzu, giúp cải thiện lực kéo trong điều kiện địa hình khó khăn.
Dưới nắp ca-pô, bên cạnh động cơ diesel 1.9L công suất 148 mã lực đã có sẵn trước đó, nhiều người mong chờ có thêm tùy chọn động cơ diesel 3.0L mạnh mẽ hơn với công suất 187 mã lực. Các động cơ kể trên được kết hợp với hộp số sàn 6 cấp hoặc tự động 6 cấp. Sức mạnh được truyền tới bánh sau hoặc cả bốn bánh tùy thuộc vào phiên bản.
Mazda BT-50 đang là mẫu xe bán chạy thứ 2 của Mazda tại thị trường Úc, chỉ sau CX-5. Tuy nhiên, mẫu xe bán tải này lại sớm bị loại khỏi danh mục sản phẩm ở New Zealand, Nam Phi và Việt Nam sau khi gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng mua xe.