Kinh nghiệm xử lý vi phạm hành lang thủy lợi ở Quang Thành (Kinh Môn)
Sau nhiều năm tồn tại, điểm nóng vi phạm hành lang thủy lợi ở xã Quang Thành (Kinh Môn, Hải Dương) đã được xử lý dứt điểm.
Giải tỏa điểm nóng
Ngày 8/10, toàn bộ 34 hộ ở thôn Thái Mông, xã Quang Thành đã hoàn thành giải tỏa công trình vi phạm hành lang thủy lợi. Trước đó, ngày 1/10, những hộ trên đã đồng thuận tự nguyện tháo dỡ trước khi chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi.
Như vậy, điểm nóng vi phạm hành lang thủy lợi trên địa bàn thị xã Kinh Môn đã được giải tỏa. Số hộ vi phạm ở đây nhiều, quy mô lớn, thời gian vi phạm lâu. Khu vực này có 53 hộ vi phạm (từ trạm bơm Đèo Ngà đến điểm giao đường tỉnh 389), dọc kênh Phùng Khắc, KC1 và song song với đường tỉnh 389B. Trước đó, 4 hộ đã tự nguyện tháo dỡ, 15 hộ cam kết tự tháo dỡ (còn lại 34 hộ không tự tháo dỡ phải lập hồ sơ cưỡng chế, nay đã hoàn thành việc tự nguyện tháo dỡ).
Vi phạm xảy ra từ những năm 1990 với quy mô nhỏ, tập trung nhiều từ năm 2010-2015. Ban đầu, các hộ làm cầu qua kênh, sau đó xây dựng nhà ở, lán, nhà kho, công trình phụ… trên kênh và hành lang kênh Phùng Khắc, kênh KC1. Tại thời điểm đó, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kinh Môn đã phối hợp UBND xã Phúc Thành (nay là xã Quang Thành) lập biên bản yêu cầu giải toả, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng 53 hộ đều chưa chấp hành. Việc giải quyết dứt điểm các vi phạm thời gian gần đây tiếp tục gặp khó khăn do một số người dân ý thức kém, chây ì, số còn lại có tâm lý đám đông. Trước thời điểm tháo dỡ, nhiều công trình vi phạm có quy mô hàng trăm m². Một số hộ còn xây nhà 2 tầng, sử dụng công trình vi phạm để kinh doanh buôn bán cà phê, quán karaoke…
Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Kinh Môn, đoạn kênh Phùng Khắc từ trạm bơm Đèo Ngà đến cống qua đường tỉnh 389 dài 750 m, có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khoảng 150 ha (15 ha canh tác nông nghiệp, 50 ha dân cư, 85 ha đồi núi) cho một số xã, phường thuộc khu Nam An Phụ. Kênh KC1 trạm bơm Đèo Ngà dài 2.509 m, phục vụ nước tưới cho 7 ha khu đồng Sấu, thôn Lâu Động, xã Quang Thành. Việc lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi kênh Phùng Khắc, KC1 đoạn trạm bơm Đèo Ngà làm thu hẹp lòng kênh, xâm lấn phần mặt kênh, lượng bùn đất bồi lắng và rác thải nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng nước trong kênh, khó khăn trong việc duy tu, sửa chữa, nạo vét kênh mương, điều tiết nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, dân sinh… Như vậy, việc giải tỏa các vi phạm trên sẽ trả lại hiện trạng ban đầu, khôi phục chức năng tưới tiêu của 2 tuyến kênh.
“Cái lợi nhất khi các hộ tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm là người dân bảo đảm được tài sản, chính quyền địa phương giảm bớt áp lực, không phải thi hành cưỡng chế”, ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết.
Mềm dẻo và cương quyết
Việc giải quyết dứt điểm các vi phạm ở thôn Thái Mông được thực hiện đúng quy trình, thủ tục.
Ngay từ đầu năm, UBND thị xã đã thành lập Tổ công tác, hướng dẫn UBND xã Quang Thành, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi và các bên liên quan lập hồ sơ xử lý các vi phạm. Đến ngày 8/8, UBND thị xã Kinh Môn đã ban hành 34 quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 34 hộ (không ra quyết định xử phạt do hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính). Ngày 6/9, UBND thị xã Kinh Môn đã ban hành 34 quyết định cưỡng chế; ngày 26/9, ra thông báo việc tổ chức cưỡng chế...
Giữa các lần ra quyết định, thông báo, UBND thị xã Kinh Môn, UBND xã Quang Thành đều tổ chức các cuộc gặp, thậm chí đến từng hộ tuyên truyền, vận động. “Công tác tiếp xúc, đối thoại với người dân đặc biệt quan trọng nhằm phổ biến các quy định, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và lắng nghe đề xuất, kiến nghị của người dân”, ông Lê Văn Điền nói.
Chính quyền địa phương linh hoạt, mềm dẻo nhưng cương quyết với những trường hợp cố tình không hợp tác. Cùng với các biện pháp vào cuộc quyết liệt, tích cực của Ban Chỉ đạo cưỡng chế thị xã Kinh Môn và UBND xã Quang Thành, từ ngày 27/9-1/10, 34 hộ vi phạm công trình thuỷ lợi ở thôn Thái Mông đã tự nguyện ký đơn vào biên bản chấp hành, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, di chuyển tài sản ra khỏi khu vực cưỡng chế.
UBND thị xã Kinh Môn, UBND xã Quang Thành cùng Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã đã huy động hơn 70 nhân lực, 4 máy xúc, 8 ô tô tải ra quân hỗ trợ các hộ dân tháo dỡ các công trình vi phạm.
Ông Lưu Hữu Nhặn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết, các vi phạm trên có yếu tố lịch sử để lại. Qua sự việc cho thấy, việc siết chặt quản lý đất đai ngay từ đầu, không để xảy ra các vi phạm rất quan trọng. “Với các trường hợp cố tình vi phạm, địa phương sẽ cương quyết xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng kéo dài tương tự”, ông Nhặn nói.
Theo báo cáo tiến độ xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thị xã Kinh Môn, từ đầu năm, thị xã có tổng số 255 trường hợp vi phạm, trong đó, 84 trường hợp phải giải tỏa, tháo dỡ. Đến ngày 9/10, đã giải tỏa 64 trường hợp. Thời gian tới, UBND thị xã Kinh Môn sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm còn lại.