Bí quyết trồng cà chua trong chậu sai trĩu quả
Chỉ cần một khoảng ban công nhỏ, bạn có thể trồng được những cây cà chua quả sai trĩu trịt.
Cà chua giàu vitamin C, carotene và lycopene, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống ôxy hóa và hạ huyết áp. Loại quả này có mặt trong rất nhiều món ăn, từ salad đến món xào, hầm, làm nước sốt...
Cà chua được bán nhiều ở các chợ và siêu thị, giá khá rẻ, tuy nhiên nỗi lo về an toàn thực phẩm khiến ngày càng nhiều muốn tự trồng để kiểm soát chất lượng. Ngoài tác dụng thực phẩm, cây cà chua có quả chín đỏ cành cũng có tác dụng trang trí tuyệt vời cho các ngôi nhà đô thị.
Thay vì mua, bạn có thể tự trồng cà chua trong chậu và tận hưởng niềm vui ngắm quả cà chua lớn lên mỗi ngày. Đây là loại cây dễ tính, nếu được chăm sóc tốt vẫn có thể cho quả nhiều và to dù chỉ trồng trong chậu.
Chọn giống phù hợp
Để trồng cà chua trong chậu, bạn nên chọn giống lùn hoặc bán lùn, vừa tiết kiệm diện tích vừa dễ trồng. Cà chua lùn vàng, cà chua bi, cà chua đen… đều là những giống cây nhỏ thích hợp trồng trong chậu. Nếu thích cà chua to, bạn có thể chọn những giống kháng bệnh tốt, đậu quả sớm, năng suất cao.
Chuẩn bị chậu
Kích thước, chất liệu và khả năng thoát nước của chậu đều ảnh hưởng đến sự phát triển và đậu quả của cà chua. Bạn nên chọn chậu có đường kính 30-40 cm và độ sâu 25-35 cm để bảo đảm đủ dung tích đất và lưu thông không khí. Đáy chậu phải có đủ lỗ thoát nước, lót một lớp sỏi hoặc gốm sứ để tránh tích tụ nước gây thối rễ.
Chuẩn bị đất chất lượng cao
Đất trồng cà chua cần tơi xốp, mềm, thoáng khí và thoát nước tốt. Bạn có thể trộn đất than bùn, đất dừa và đá trân châu theo tỷ lệ 1:1:0,3. Nên bổ sung một số loại phân hữu cơ làm phân bón cơ bản như phân trùn quế, bã đậu, tro thực vật... hay một số loại phân bón tan chậm để bảo đảm cung cấp chất dinh dưỡng lâu dài.
Trồng cây cà chua
Chọn cây con khỏe, không bị sâu bệnh, có 4-5 lá. Đào hố có kích thước phù hợp trong chậu hoa, đặt cây con vào, vùi đất thật chặt và tưới nước thật kỹ.
Sau khi trồng, bạn đem chậu vào nơi thoáng mát, sau vài ngày cây thích nghi thì chuyển ra nơi có nắng.
Tưới nước hợp lý
Nên tưới nước vào buổi sáng hoặc buổi tối để tránh hiện tượng bốc hơi nước hoặc cháy lá do nắng gắt vào buổi trưa. Cần tưới nước đều cho cây, đừng chỉ tưới bề mặt hoặc một phần.
Tần suất tưới nước phụ thuộc vào độ ẩm của đất và sự thay đổi thời tiết. Nói chung, bạn cần tưới nước khi bề mặt đất khô, không đợi cho đến khi đất khô hoàn toàn hoặc cây héo. Nên tưới nhiều vào mùa hè, ít vào mùa đông và chú ý thoát nước vào những ngày mưa.
Bón phân hợp lý
Việc bón phân bảo đảm cho sự phát triển của cà chua, cần cung cấp cân đối các chất đạm, lân, kali và các nguyên tố vi lượng.
Nên bón phân vào buổi sáng hoặc buổi tối sau khi tưới nước, tránh để phân tiếp xúc trực tiếp với bộ rễ, gây cháy rễ. Nên sử dụng phân lỏng pha loãng hoặc phân hòa tan trong nước, tránh sử dụng chất hữu cơ chưa lên men hoặc chưa phân hủy.
Tần suất bón phân phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây. Bạn có thể sử dụng, phân bón đa nguyên tố có hàm lượng nitơ, phốt pho và kali cân bằng, bón mỗi tuần một lần trong thời kỳ ra hoa và đậu quả. Phân bón có hàm lượng kali cao được bón 1 lần/tuần khi quả lớn dần.
Cắt tỉa cây
Cắt ngọn và tỉa cành là phương pháp kiểm soát sự sinh trưởng và tăng chất lượng của cà chua, cần chọn thời điểm và vị trí thích hợp để thúc đẩy quả to, chín.
Cắt ngọn là cắt bỏ điểm sinh trưởng cao nhất của cà chua để kiểm soát chiều cao của cây, tập trung chất dinh dưỡng cho quả. Cà chua trong chậu nên được giữ lại 5-6 cành hoa. Sau khi ra ngọn, cây sẽ mọc ra các chồi bên, phải loại bỏ kịp thời.
Làm giá đỡ cho cây
Đây là khâu quan trọng khi trồng cà chua trong chậu, giúp cây cà chua không bị đổ mà luôn đứng thẳng. Cây cà chua khi phát triển đến độ cao nhất định phải có khung đỡ kịp thời để quả không làm cong thân hoặc tiếp xúc với đất.
Bạn có thể dùng cọc tre, thanh gỗ, dây sắt hoặc thanh nhựa… để làm khung đỡ. Trong quá trình cà chua phát triển, cần liên tục điều chỉnh và gia cố thân cây.
Phòng trừ sâu bệnh
Các bệnh thường gặp trên cà chua và côn trùng gây hại bao gồm phấn trắng, mốc xám, bệnh bạc lá sớm, bệnh mốc sương, thối rốn, nứt quả, rệp, nhện đỏ, côn trùng cắt lá... Để phòng ngừa và kiểm soát các loài gây hại, dịch bệnh này, bạn cần chú ý những điểm sau:
- Chọn giống có khả năng kháng bệnh mạnh và khả năng thích ứng tốt.
- Giữ đất thoáng khí và thoát nước tốt để tránh tích tụ nước và thiếu nước.
- Giữ cho cây được thông gió tốt và đủ ánh sáng, tránh nhiệt độ cao, độ ẩm và mật độ quá dày.
- Bón phân và tưới nước hợp lý, tránh bón quá nhiều hay quá ít khiến cây phát triển quá mức hoặc không đủ dinh dưỡng, gây khô hoặc úng.
- Kịp thời cắt ngọn, ngắt hoa, nụ phụ để loại bỏ lá, quả bị bệnh nhằm giảm nguồn lây nhiễm và đường lây truyền.
- Sử dụng các phương pháp vật lý hoặc sinh học để diệt côn trùng như dùng bảng dính màu vàng để bẫy rệp, dùng giấm phun để phòng trừ nhện đỏ... Cố gắng tránh sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.
Thụ phấn cho cây cà chua
Cà chua là cây tự thụ phấn. Tuy nhiên nếu bạn trồng cà chua trong chậu, do thiếu các tác nhân thụ phấn như gió và côn trùng, việc thụ phấn tự nhiên sẽ kém hiệu quả, dẫn đến rụng hoa hoặc quả còi cọc. Để nâng cao tỷ lệ và chất lượng thụ phấn, bạn hãy dùng ngón tay hoặc tăm bông gõ nhẹ vào bông hoa hoặc thân cây để phấn hoa rơi từ nhị xuống nhụy, lặp lại 2-3 lần cho mỗi bông hoa.
Nên thụ phấn trong khoảng thời gian từ 10 - 14 giờ vào ngày thứ hai sau khi hoa nở. Phấn hoa hoạt động mạnh nhất trong thời gian này.
Trong điều kiện chăm sóc tốt, sau khi trồng cà chua trong chậu được 2 tháng, bạn có thể thu hoạch quả. Khi hết lứa quả, để tránh hiện tượng lão hóa, bạn có thể cắt tỉa và thay chậu để cây phát triển và cho quả trở lại.