Kiểm kê tài sản công để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn
Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công do Sở Tài chính tổ chức, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh kiểm kê tài sản công để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn.
Hội nghị được đại diện lãnh đạo Cục Quản lý công sản, phòng, ban liên quan trực tiếp hướng dẫn, diễn ra trong 2 ngày 11-12/10 tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông (TP Hải Dương).
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính); Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kiểm kê tài sản tỉnh cùng thủ trưởng, kế toán các cơ quan Đảng, sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, hội đoàn thể cấp tỉnh, kế toán văn phòng HĐND, UBND, cơ quan, đơn vị các địa phương (trừ các đơn vị thuộc khối giáo dục, khối xã).
Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản công
Phát biểu tại buổi tập huấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nhấn mạnh những năm qua, công tác quản lý tài sản công luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, công tác quản lý, sử dụng tài sản công ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Kiểm kê là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý về tài sản công, phải được thực hiện định kỳ, vào cuối mỗi năm. Tuy nhiên, đây mới là lần thứ 2 thực hiện tổng kiểm kê với quy mô trên phạm vi cả nước. Đợt tổng kiểm kê lần đầu vào năm 1998 và chỉ thực hiện tổng kiểm kê tài sản khu vực hành chính sự nghiệp.
Việc thực hiện tổng kiểm kê tài sản công lần này xuất phát từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản công, nâng cao nguồn lực của Nhà nước trong thời điểm hiện nay.
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã xác định kiểm kê, đánh giá đầy đủ, thực chất các nguồn lực của nền kinh tế là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn trong từng thời kỳ.
Do đó, công tác tổng kiểm kê tài sản công lần này cũng là một trong các giải pháp để thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39.
Thực hiện Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, nhằm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác kiểm kê tài sản công tại địa phương, ngày 7/5/2024, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (Ban Chỉ đạo Tổng kiểm kê tài sản tỉnh) và ban hành kế hoạch triển khai.
Xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của tỉnh giai đoạn 2023-2025, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt các văn bản vừa nêu đến từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để công tác kiểm kê tài sản công đạt hiệu quả, chất lượng.
Để chuẩn bị tốt cho công tác kiểm kê tài sản công theo đề án được Trung ương phê duyệt và kế hoạch của UBND tỉnh bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/1/2025, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, phân loại, kiểm đếm tài sản công, tiếp cận các mẫu biểu do Bộ Tài chính đã soạn thảo theo quy định để sẵn sàng cho đợt tổng kiểm kê.
Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc thành lập tổ kiểm kê tài sản công đang trực tiếp quản lý hoặc tạm quản lý; tổ chức kiểm kê bảo đảm tiến độ, chất lượng, kịp thời xử lý hoặc báo cáo Sở Tài chính những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện kiểm kê.
Đối với các đơn vị là đầu mối tổng hợp số liệu từng nhóm tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các Sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường) rà soát đầy đủ các đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, đặc biệt là khối doanh nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn kiểm kê tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh ngay từ khi chuẩn bị kiểm kê tài sản công. Kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm chung trước Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về tiến độ tổng hợp kết quả kiểm kê và tính đầy đủ, chính xác của đối tượng thực hiện kiểm kê của nhóm tài sản kết cấu hạ tầng được giao là đầu mối tổng hợp số liệu.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân, với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kiểm kê tài sản tỉnh chỉ đạo sát sao Sở Tài chính, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, nhiệm vụ liên quan để đợt tổng kiểm kê đạt hiệu quả cao nhất, để sau khi hoàn thành, công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công của tỉnh sẽ phát huy hiệu quả cao hơn nữa.
Hai nhóm tài sản công, hai nguyên tắc, ba đối tượng tham gia tổng kiểm kê
Tại hội nghị tập huấn, Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh lưu ý một số nội dung. Trong đó, mục tiêu tổng kiểm kê nhằm đánh giá lại số lượng, chủng loại về hiện vật, trị giá để nắm được tài sản công gồm những gì, ở đâu, đơn vị nào quản lý, trị giá bao nhiêu.
Thông qua đó đánh giá lại công tác quản lý tài sản công trong thời gian qua, từ đó có giải pháp mới, hiệu quả hơn nữa trong quản lý tài sản công.
Lần tổng kiểm kê này sẽ thực hiện kiểm kê 2/7 nhóm tài sản công, gồm tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhấn mạnh 2 nguyên tắc trong thực hiện tổng kiểm kê. Thứ nhất, phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước về thời điểm chốt số liệu thực hiện kiểm kê (0 giờ ngày 1/1/2025); về mẫu biểu, chỉ tiêu kiểm kê (chỉ sử dụng hệ thống mẫu biểu, chỉ tiêu do Bộ Tài chính ban hành); về kế hoạch thực hiện kiểm kê (tuân theo một trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, logic của số liệu). Thứ hai, tài sản của cấp nào quản lý thì cấp đó thực hiện kiểm kê và tổng hợp số liệu kiểm kê.
Ngoài ra, 3 đối tượng tham gia kiểm kê gồm: đơn vị thực hiện kiểm kê (là những đơn vị cuối cùng, có tư cách pháp nhân, được giao quản lý, sử dụng, hạch toán tài sản); đơn vị tổng hợp (là đơn vị cấp trên của đơn vị kiểm kê, có thể có một hoặc nhiều đơn vị tổng hợp); đơn vị điều hành kiểm kê (Ban Chỉ đạo Tổng kiểm kê tỉnh, cơ quan thường trực là Sở Tài chính).
Thời hạn của các đơn vị thực hiện kiểm kê đến ngày 31/3/2025, địa phương cấp tỉnh báo cáo lên Bộ Tài chính trước ngày 15/6/2025.