Góc nhìn

Trị liệu bác sĩ tâm thần

NGUYỄN MINH HOÀNG 11/10/2024 11:30

Thầy giáo của tôi lúc đó là giảng viên trường Đại học Y Hà Nội từng nói vui khi dạy môn Tâm bệnh học là đôi khi thật khó phân biệt giữa bệnh nhân và bác sĩ tâm thần.

Ý của thầy là khi làm việc với bệnh nhân tâm thần lâu ngày thì cách giao tiếp, nói chuyện, thậm chí cử chỉ của bác sĩ, cũng giống bệnh nhân. Đó là lối nói chậm rãi, câu từ đơn giản, ngắn gọn, đôi khi lặp lại, và luôn kèm theo câu hỏi bệnh nhân có hiểu không. Bác sĩ phải làm như vậy để đảm bảo người bệnh hiểu và làm theo những gì mình nói, đồng thời cũng là cách để đánh giá mức độ tỉnh táo, minh mẫn và khả năng giao tiếp bằng lời của bệnh nhân.

Giảng xong, thầy hỏi "các em có hiểu không?" - chúng tôi cười ồ lên, đáp rằng: đây mới là ví dụ sinh động của bệnh nghề nghiệp.

Bệnh nghề nghiệp không phải là khái niệm xa lạ, đặc biệt là với một số ngành nghề đặc thù. Ví dụ người làm trong hầm lò có nguy cơ mắc bệnh về phổi, công nhân vệ sinh môi trường dễ mắc bệnh về da. Nhưng ít người để ý đến bệnh nghề nghiệp của nhà tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần. Thông tư 15/2016 của Bộ Y tế thống kê 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, chia vào năm nhóm. Tôi không thấy các bệnh liên quan đến tâm lý, tinh thần.

Những người làm các công việc liên quan đến tư vấn tâm lý, chữa trị tâm thần thậm chí còn được mặc định luôn giữ được sự sáng suốt, mạch lạc và tâm thế tĩnh trí, làm chủ mọi tình huống. Vì vậy mà khi bạn tôi - hiện làm công tác tham vấn học đường cho một trường quốc tế ở Hà Nội - chia sẻ trên trang cá nhân mong muốn tìm người tư vấn tâm lý cho mình, anh hầu như không nhận được thông tin hữu ích nào, ngoại trừ một loạt icon "haha" và các comment khen anh "khéo đùa".

Chuyên gia tâm lý cũng như bác sĩ tâm thần không miễn nhiễm với các vấn đề liên quan đếm tâm lý và tâm thần như buồn chán, lo âu, căng thẳng, trầm cảm... Như bao nghề nghiệp khác, họ cũng gặp phải những muộn phiền, áp lực... liên quan đến công việc.

Tôi vẫn nhớ những buổi giao ban chuyên môn ở một dự án tư vấn tâm lý trực tuyến cho thanh niên mà tôi tham gia nhiều năm trước. Đây là sinh hoạt hàng tuần, thậm chí hàng ngày để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng tư vấn viên, nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ.

Không ít buổi họp diễn ra trong nước mắt của những người được góp ý. Họ hoàn toàn có thể tổn thương bởi những yêu cầu quá nặng nề hoặc nhận xét ngoài chuyên môn, dù vô tình hay hữu ý.

Nhà tâm lý và các bác sĩ tâm thần cần hỗ trợ trong không ít vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp - vốn không dễ quy định rõ ràng bằng giấy trắng mực đen, hoặc dễ rơi vào "tình ngay lý gian" do tính chất thiếu sáng suốt, mạch lạc của bên liên quan - là các bệnh nhân tâm lý, tâm thần. Đạo đức bao gồm nhiều khía cạnh, nhưng quan trọng nhất là không được lợi dụng tình trạng yếu thế và bị phụ thuộc của bệnh nhân để tư lợi và gây hại cho bệnh nhân.

Ví dụ, nhà tâm lý có thể cố tình kéo dài thời gian trị liệu để thu thêm tiền phí, hoặc có mối quan hệ tình cảm - tình dục với bệnh nhân trong thời gian tham vấn.

Theo hướng ít tiêu cực hơn, việc chưa thể giúp thân chủ giải quyết vấn đề cũng có thể khiến người làm tham vấn, trị liệu bị căng thẳng, đặc biệt là khi làm việc với những người có ý định tự tử hoặc ý tưởng làm hại người khác. Tiếp xúc quá nhiều với các vấn đề của thân chủ, đặc biệt là những vấn đề hết sức nhạy cảm và riêng tư, thậm chí gây sốc, có thể khiến nhà tâm lý bị ám ảnh.

Báo cáo gần đây của Bộ Y tế cho biết Việt Nam có khoảng 15 triệu người mắc bệnh rối loạn tâm thần từ nặng đến nhẹ, trong đó nhiều nhất là trầm cảm và lo âu. Trong khi đó, mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam vẫn còn thiếu về cả số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, trong khi chỉ số trung bình toàn cầu là 1,7, còn các nước thu nhập cao là 8,6.

Người mắc các bệnh lý liên quan đến tâm thần vốn thường bị kỳ thị và xa lánh nên hay giấu bệnh và cảm thấy xấu hổ khi người khác biết bệnh của mình. Với các bác sĩ tâm thần hay nhà tâm lý học, sĩ diện nghề nghiệp và áp lực từ sự kỳ thị của cộng đồng có thể làm cho họ giấu bệnh kỹ hơn. Và cũng như bất kỳ bệnh nào khác, bệnh càng để lâu càng khó chữa. Không phải ai cũng như người bạn kể trên của tôi - dũng cảm thừa nhận vấn đề của mình và công khai tìm kiếm sự hỗ trợ.

Chủ đề của Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10 năm nay là "Ưu tiên cho sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc". Một phần ưu tiên đó có lẽ nên dành cho những người làm tham vấn, trị liệu tâm lý để họ có cơ hội giải quyết vấn đề của chính họ, bởi cũng như các bác sĩ, họ không thể tự chữa cho mình.

Đây cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng của đội ngũ bác sĩ tâm thần, chuyên gia tư vấn tâm lý vốn đang rất yếu và thiếu hiện nay.

NGUYỄN MINH HOÀNG