Vận động tài trợ cho cơ sở giáo dục
Thực tế nhiều năm qua, việc vận động ủng hộ, tài trợ được nhiều nhà trường thực hiện rất thành công, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Những năm gần đây cứ vào đầu năm học mới là vấn đề vận động ủng hộ, tài trợ cho các cơ sở giáo dục lại được dư luận hết sức quan tâm. Thành lệ, nơi này, nơi kia lại xuất hiện những chuyện về chưa công khai, không minh bạch hoặc thực hiện chưa đúng quy định. Những việc đó đã làm cho nhiều cơ sở giáo dục, hiệu trưởng các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo rất ngại hoặc sợ khi đề cập đến vấn đề này.
Vì sao lại như vậy?
Năm học trước, tôi đi họp phụ huynh cho con 2 cuộc. Tại cuộc họp đầu năm, cô giáo chủ nhiệm phổ biến về nội dung xã hội hóa giáo dục, nhà trường kêu gọi ủng hộ kinh phí để mua sắm một số trang thiết bị phục vụ việc dạy và học.
Thế nhưng trong suốt học kỳ 1 nhà trường không triển khai thu góp. Phải đến kỳ họp phụ huynh đầu kỳ 2 thì vấn đề này mới được nêu ra. Khi ấy đã là giữa năm học nên nhiều phụ huynh băn khoăn bởi việc triển khai quá chậm, nếu đồng ý ủng hộ thì cũng phải đến giữa học kỳ 2 mới mua sắm được một số thiết bị hoặc tu bổ cơ sở vật chất.
Trong khi năm học đã sang kỳ 2. Do đó, không ít phụ huynh cho rằng con mình không được hưởng những thiết bị hoặc cơ sở vật chất mới được đầu tư nên việc ủng hộ vì thế cũng qua loa, chiếu lệ.
Năm học mới 2024-2025 đã được hơn 1 tháng. Chuyện khó khăn trong vận động ủng hộ, tài trợ các cơ sở giáo dục lại tiếp tục được quan tâm tháo gỡ. Càng chậm trễ thì người thiệt thòi nhất chính là các em học sinh.
Qua nắm bắt ở một số nhà trường, chia sẻ với một số cán bộ, giáo viên, tôi thấy rằng nhiều người rất lo lắng. Đa số đều cho rằng việc vận động ủng hộ, tài trợ cho các cơ sở giáo dục là hết sức cần thiết. Bởi hầu hết cơ sở vật chất của các nhà trường hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học của cả thầy và trò. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì chắc chắn chưa thể đáp ứng được.
Trong khi đó, đa số các bậc phụ huynh học sinh đều sẵn sàng ủng hộ khi nhà trường phát động, kêu gọi. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có điều kiện cũng sẵn sàng ủng hộ cho các nhà trường. Trên thực tế nhiều năm học, việc vận động ủng hộ, tài trợ được không ít nhà trường thực hiện rất thành công, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tài trợ các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư này quy định, hướng dẫn rất chi tiết việc vận động, kêu gọi ủng hộ, tài trợ cho các cơ sở giáo dục; quy định rõ việc tiếp nhận, sử dụng tài trợ bằng tiền, hiện vật...
Thông tư số 16 chính là “cẩm nang” hữu ích để các cơ sở giáo dục nói chung và hiệu trưởng các nhà trường nói riêng thực hiện việc kêu gọi ủng hộ, tài trợ cho cơ sở giáo dục. Cán bộ quản lý, kế toán, giáo viên các nhà trường cần nắm chắc Thông tư 16 để thực hiện. Nếu thực hiện đúng thông tư này thì chắc chắn các nhà trường không ngại hoặc sợ việc kêu gọi ủng hộ, tài trợ cho các cơ sở giáo dục bởi đây là việc làm chính đáng và hết sức cần thiết.