Gia đình

Hành trình trở về nguồn cội của cô gái Pháp gốc Việt

TB (theo VnExpress) 10/10/2024 16:26

Naomi Armel thường xuyên hồi tưởng về quá khứ, tò mò về gia đình ruột thịt. Nỗi khát khao tìm về cội nguồn ngày một lớn trong cô.

Naomi (ngoài cùng phải) với mẹ và hai anh trai.
Naomi (ngoài cùng phải) với mẹ và hai anh trai

Naomi Armel, tên khai sinh là Phạm Thị Hòa, không có ký ức về Việt Nam nhưng nhớ như in khung cảnh khắp nơi tuyết trắng trong ngày đầu đến Pháp.

Nhưng cũng hôm đó cô bé bỗng nhiên biến mất. Ông Bertrand và bà Martine tìm khắp ngôi nhà ở Toulouse mới thấy con gái nằm ngủ dưới gầm bàn ngoài trời, trên nền sỏi.

Cô bé gần 2 tuổi, được cặp vợ chồng nhận nuôi từ một trại trẻ mồ côi ở Việt Nam vào giữa thập niên 1990. Những ngày đầu mới về, bé gái không quen nằm chăn đệm, không biết tắm bồn, mặc đồ đủ ấm. "Thời điểm đó, tôi vẫn giữ thói quen giấu đồ ăn vì sợ hết phần", Naomi Armel kể.

Cô bé gốc Việt lớn lên trong tình yêu của cha mẹ nuôi và hai anh trai. Từ bé, Naomi đã luôn xuất sắc trong học tập và có năng khiếu ở nhiều môn nghệ thuật, ghi dấu trong nhiều cuộc thi khiêu vũ và sắc đẹp trẻ em.

Bản tính tò mò thôi thúc cô bé khám phá mọi thứ. Sâu xa hơn, cô muốn chứng minh bố mẹ không phải hối tiếc vì nhận nuôi mình. "Tôi sợ bị bỏ rơi lần nữa", Naomi giải thích.

Cũng vì nỗi ám ảnh này, Naomi từ chối tham gia các lớp ngôn ngữ và văn hóa Việt mà cha mẹ nuôi sắp xếp. Cô tự nhủ sẽ không bao giờ trở lại châu Á, chỉ kết bạn với những người da trắng, thậm chí định đi thẩm mỹ để xóa những nét châu Á trên khuôn mặt.

Năm 18 tuổi, Naomi tới Đài Loan học ngôn ngữ. Nhưng ở hòn đảo này, một "cuộc chiến nội tâm về bản sắc" đã trỗi dậy. Cô không xác định được mình là người Pháp hay Việt và thường xuyên hồi tưởng về quá khứ, tò mò về gia đình ruột thịt. "Bố mẹ đẻ của mình còn sống hay không?", nhiều lần cô tự hỏi.

Naomi đặt mục tiêu năm 25 tuổi sẽ đi tìm lại gia đình, lúc sự nghiệp đã ổn định và tỏa sáng. Năm 2019, khi đang làm việc tại Hong Kong, cô liên hệ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại đây song không nhận được phản hồi.

Covid-19 bùng phát khiến Naomi tạm dừng kế hoạch.

"Trong những năm đó, nỗi khát khao tìm về cội nguồn ngày một lớn trong tôi. Cùng với đó là nỗi sợ không gặp được cha mẹ đẻ nữa vì tuổi già", cô chia sẻ.

Naomi Phạm Thị Hòa ngồi trong lòng mẹ cùng cha và các chị trong ảnh chụp trước ngày cho làm con nuôi Pháp. Ảnh: Gia đình cung cấp
Naomi (Phạm Thị Hòa) ngồi trong lòng mẹ, bên cạnh là cha và các chị trong ảnh chụp vào khoảng đầu những năm 1990

Năm 2023, Naomi quen một nữ giáo viên người Pháp gốc Việt ở Singapore, tên Sang. Nghe câu chuyện, Sang muốn được giúp đỡ. Cả hai lên kế hoạch cho chuyến trở về vào tháng 6/2024.

Nhưng một ngày đầu tháng 5, câu chuyện tìm gia đình của Naomi Armel, tên khai sinh Phạm Thị Hòa, quê quán xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, được đăng trên mạng xã hội, kèm bức ảnh gia đình 6 người. Công an xã Hiên Vân liên hệ gia đình bà Nguyễn Thị Mến thông báo có con gái ở Pháp đang muốn tìm.

Hóa ra, Sang đã nhờ những người quen khác nhau và qua rất nhiều đầu mối tìm được gia đình cho bạn. Cô giữ bí mật toàn bộ quá trình này vì không muốn Naomi hy vọng rồi thất vọng. Khi được thông báo tin mừng, Naomi hỏi lại bạn 5 lần trước khi nước mắt bắt đầu chảy.

Vài ngày sau, Sang thông báo không cùng về Việt Nam được. Tin này khiến Naomi rất buồn. Việt Nam vẫn là một nơi quá nhiều cảm xúc với đứa con lưu lạc. "Tôi không thể đối mặt với những chấn thương tâm lý tích tụ trong 30 năm nếu không có sự hỗ trợ của bạn", cô giãi bày.

Kế hoạch bị dừng lại. Đến giữa tháng 7, Naomi được mời ra mắt một thương hiệu thời trang ở TP Hồ Chí Minh. Lần này, cô hạ quyết tâm bước qua nỗi sợ.

23 giờ 25 ngày 17/7, cô tải ứng dụng nhắn tin, nhập số điện thoại của chị gái cả tên Hiền, gửi một tin nhắn dài: "Chào chị gái yêu dấu của em! Em là Phạm Thị Hòa, em gái của chị...".

Tin nhắn được phản hồi ngay lập tức. Hai chị em đã nhắn tin với sự hỗ trợ của công cụ dịch đến tận sáng hôm sau.

Ngày 22/7, xe đón Naomi dừng lại ở một ngôi làng cách thành phố Bắc Ninh hơn 30 phút đi đường. Naomi run run mang lá thư đã viết cho mẹ trước chuyến đi để chị cả cầm vào đưa cho bà đọc trước.

Lát sau, cô bước vào nhà. Đập vào mắt cô là bàn thờ có di ảnh cha - người đàn ông trong tấm ảnh suốt tuổi thơ bố mẹ nuôi đã cho xem. Mắt cô cay xè, mũi không thở được.

Chị gái chỉ tay vào căn phòng bên phải gặp mẹ. Sau một lúc lấy bình tĩnh, cô gõ cửa. Không khí tĩnh lặng bao trùm. Bỗng điện vụt sáng, những tiếng hò reo vang lên. Trước mặt cô là rất nhiều khuôn mặt. Người ôm hoa, ôm bánh, vỗ tay. Mọi người vừa khóc, vừa cười. Mẹ bước đến ôm lấy cô.

Naomi choáng ngợp. Cô nhận được sự chào đón nồng nhiệt ngoài tưởng tượng. "Tôi muốn tạo bất ngờ nhưng cuối cùng mọi người làm tôi ngạc nhiên", cô nói.

Hòa (váy hồng) cùng mẹ, ba chị đứng trước bàn thờ bố, trong ngày đoàn tụ 22/7, tại Bắc Ninh. Ảnh: Gia đình cung cấp
Hòa (váy hồng) cùng mẹ và ba chị đứng trước bàn thờ bố trong ngày đoàn tụ 22/7 tại Bắc Ninh

Câu chuyện vì sao Naomi được cho làm con nuôi dần hé mở. Vào đầu những năm 1990, gia đình bà Mến nghèo nhất làng. Chồng bà bị bệnh tim rất nặng, không nói năng, đi đứng được. Người phụ nữ vừa phải gánh trên vai bốn đứa con ăn học lại phải chạy chữa thuốc thang, chăm sóc chồng. Đường cùng, gia đình gửi Hòa vào trại trẻ mồ côi.

Thời điểm đó, từ nước Pháp, bà Martine và chồng (người có một phần dòng máu Việt), đã luôn khát khao nhận nuôi một bé gái châu Á kém may mắn. Sau hai năm làm thủ tục, trại trẻ mồ côi đã đề xuất Hòa. Lúc đến thăm, bà Martine lập tức yêu cô bé có mái tóc vàng hoe.

Trước khi rời đi, họ đã trở về làng của con, chứng kiến người cha đang hấp hối trong ngôi nhà tranh vách đất.

Bà Mến cho biết, ngày con gái theo cha mẹ nuôi về Pháp cũng là ngày chồng ra đi mãi mãi. "Không còn nỗi đau nào hơn khi vừa phải dứt ruột chia tay con vừa mất chồng", bà tâm sự.

Nhà nghèo, chị cả phải nghỉ học sớm, đi làm giúp việc để hỗ trợ mẹ nuôi em. Chị thứ hai được đi học tới cấp ba, sau này đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Còn chị gái thứ ba, nhờ sự hy sinh của hai chị đầu nên được đi học đại học.

"Lúc đó tôi mới biết quyết định khó khăn và đau đớn nhất của cha mẹ là cho tôi đi để có cơ hội tốt đẹp hơn", Hòa nói

Trong bức thư gửi mẹ trước ngày đoàn tụ, Phạm Thị Hòa đã tóm tắt hành trình tìm lại gia đình và bày tỏ mong muốn cùng mọi người "vẽ lên một trang giấy trắng mới". Cô dự định dành nhiều thời gian trong tương lai để khám phá Việt Nam, tổ chức các hoạt động từ thiện và trở thành cầu nối giữa quê hương với các thương hiệu thời trang Pháp.

"Bố mẹ nuôi sắp nghỉ hưu và ý tưởng đưa hai gia đình xích lại gần nhau khiến tôi tràn ngập niềm vui", Hòa chia sẻ.

Nhiều năm qua, Hòa còn tham gia vào các hoạt động nhân đạo khắp nơi trên thế giới. Tại Singapore, hai tuần nay cô bận bịu tổ chức một sự kiện từ thiện để gây quỹ cho chuyến quay trở lại Việt Nam vào đầu tháng 10 nhằm hỗ trợ các nạn nhân của bão số 3 (Yagi).

"Từ nay tôi đã có thể bắt đầu hành trình chữa lành cho mình", người con gái thứ tư ở làng Hiên Vân, Bắc Ninh nói.

TB (theo VnExpress)