Phía sau chàng trai Cẩm Giàng vượt qua nỗi đau bằng thơ
Phía sau chàng trai vượt qua nỗi đau bằng thơ Nguyễn Hữu Thịnh ở Cẩm Giàng (Hải Dương) là ý chí kiên cường và một người cha hết lòng vì con.
Ít ai biết rằng đằng sau cuộc sống và những vần thơ của Nguyễn Hữu Thịnh là hình bóng của một người cha sẵn sàng vì con mà hy sinh tất cả.
"Đa mang gồng gánh muôn phần vì tôi"
Nguyễn Hữu Thịnh viết về bố mình như thế, trong tập thơ ''Khúc mùa'' xuất bản năm 2019. Thơ giúp Thịnh vượt lên những khắc nghiệt của cuộc đời, và là cánh cửa để mỗi ngày anh hòa mình vào thế giới bao la.
Thịnh sinh năm 1981, hiện ở thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Nhiều năm nay anh là người vượt lên hoàn cảnh của một người khuyết tật nặng do di chứng chất độc da cam, nhưng sống lạc quan và mang đến cho công chúng những vần thơ đau đáu nỗi niềm của một người trai quê với ước vọng bay cao, bay xa khỏi căn phòng nhỏ bé đã giam hãm mình suốt mấy chục năm ròng.
Cứ 8 giờ sáng hằng ngày, Nguyễn Hữu Thịnh mới lục tục trở dậy. Bao nhiêu năm nay vẫn thế, do ban đêm Thịnh thức khuya, không chỉ để viết lách mà do cả ngày gắn chặt với chiếc giường và xe lăn thì không dễ dàng gì để anh tìm được giấc ngủ ngon lành như người khác.
Tiếng lạch cạch trong phòng nhắc ông Nguyễn Tiến Luật bỏ chén trà đang uống dở ngoài sân rồi lật đật trở vào với con trai. Lúc ấy Thịnh đã tự vệ sinh xong, chờ bố bế lên đặt vào xe lăn để đi sang phòng bên ăn sáng. Khuyết tật nặng nên mọi việc tắm giặt, ăn uống, thay quần áo... Thịnh đều phải trông vào tay bố mẹ. Thậm chí đã 36 năm nay, những việc nhỏ nhất như rót cho mình cốc nước hay tự xới bát cơm... anh cũng chưa từng tự tay làm được.
Việc tối thiểu nhất là tự vệ sinh cá nhân được như bây giờ, đối với Thịnh đã là một "cuộc cách mạng". Ấy là sau một lần Thịnh bị ngã vì cố đi vệ sinh, ông Luật đã nghĩ ra cách lắp đặt ngay cạnh giường con một chiếc bồn cầu để vừa tầm con trườn người sang. Việc vệ sinh cá nhân Thịnh đã có thể tự lo liệu khiến ông cũng bớt phần nào lo lắng.
Lần con bị ngã ấy, ông Luật có việc ra ngoài, khi trở về thì Thịnh đã nằm lăn lóc dưới sàn. Chắp nối từ những lời kể khó khăn của con, ông Luật biết Thịnh muốn đi vệ sinh vì không muốn bẩn giường chiếu, nhưng bố không ở nhà nên Thịnh cố bò đi thì bị ngã. Nhìn vào ánh mắt nhờ cậy tuyệt đối của con đang ngước lên, ông Luật nuốt nước mắt ngược vào lòng và tự dặn mình sẽ hạn chế thấp nhất để con lại một mình. Vì thế, có những chuyến đi xa, ông Luật còn mang thêm một "hành trang" nữa - là Thịnh. Việc đám xá trong họ, ngoài làng cũng vì thế mà hầu như vắng bóng của ông Luật, bởi ông không muốn con xa tầm mắt.
Tết này tròn 70 tuổi, dù không một lời thở than, song qua những câu chuyện kể, mới thấy cuộc sống của người đàn ông lớn tuổi này "3 ngày nhàn nhã thì có đến 7 ngày vất vả". Năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn khốc liệt nhất, ông Luật cùng trai tráng trong làng ra chiến trường rồi vào thẳng biên giới Tây Nam để chuẩn bị cho cuộc chiến cuối cùng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
- Tôi ở đơn vị 12 ly 7. Thời lính tráng đến cái chết còn không sợ thì sợ gì bệnh tật. Có dạo ở Long An, cá chết nổi trắng kênh rạch. Lính trẻ thì không sợ, ngày nào cũng vục nước lên tắm giặt. Có lẽ chất độc da cam ngấm dần vào từ đấy - ông Luật kể.
Năm 1976, sau ngày giải phóng miền Nam, ông Luật bị teo cơ tay chân và buộc phải ra quân đi điều trị. Ông Luật lấy vợ, 4 người con lần lượt ra đời, song chỉ người con thứ hai là Nguyễn Hữu Thịnh bị di chứng chất độc da cam.
Năm nay 43 tuổi thì chỉ có 7 năm đầu đời Nguyễn Hữu Thịnh được bay nhảy bằng đôi chân của mình. Học xong lớp 1, năm 1988, Thịnh trải qua một cơn sốt mê man. Khi ấy, ông Nguyễn Tiến Luật đang giảng dạy tại một trường cao đẳng ở Bắc Giang. Con bị bệnh, vợ còn ruộng vườn, cả đời chưa từng đi xa nên ông Luật phải chạy như con thoi mang con đi chữa trị khắp nơi. Con dứt ruột đẻ ra chưa biết bệnh tình thế nào, học sinh thì không thể bỏ, vì thế cứ 4 giờ sáng ông đã phải từ nhà ở xã Cẩm Hưng men theo quốc lộ 38, chờ phà Hồ (Bắc Ninh) đưa qua sông để sang Bắc Giang cho kịp giờ lên lớp. Hết giờ, ông Luật lại tất tả trở về. Những ngày rét mướt đạp xe ngược chiều mưa gió trên sông Đuống, ông chỉ mơ về đến cổng có đứa con trai chạy ra gọi bố. Nhưng Thịnh vẫn mãi li bì, thoi thóp. Có lẽ sinh linh bé nhỏ ấy chỉ báo đáp lại ước mong của bố là vượt qua cửa tử, còn mãi mãi ở trong hình hài một đứa trẻ co quắp, cho đến tận bây giờ.
13 năm trước, ông Luật nghỉ hưu sớm để về hẳn chăm sóc con cùng vợ. Gần 40 năm qua, ông luôn đứng phía sau lặng lẽ nhưng theo sát từng vòng bánh xe của con để có một Nguyễn Hữu Thịnh kiên cường, mạnh mẽ.
Ông Luật bị phát hiện mắc K một năm nay. Nỗi lo bệnh tật hiểm nghèo và lo lắng cho con như một hòn đá nặng, mỗi ngày lại kéo tấm lưng ông chùng thêm một chút. Từ ngày biết bệnh của mình, ông Luật luôn tự vấn rằng sau này Thịnh sẽ ra sao nếu không có bố. Mái tóc của một người lính từng vác vai 12 ly 7 quần thảo với địch trên chiến trường thời chống Mỹ, rồi trở về thời bình cầm phấn trên bục giảng cũng vì thế đã thành bạc trắng...
Gốc hoa giấy xù xì
Ngồi với Nguyễn Hữu Thịnh, tôi liên tưởng đến chàng Sọ Dừa, dù mãi mãi anh chẳng thể biến hình thành "một chàng trai khôi ngô tuấn tú ngồi trên võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ". Rồi Nguyễn Hữu Thịnh cũng sẽ không đỗ Trạng nguyên, không lấy được con gái phú ông như Sọ Dừa trong cổ tích, song những gì anh làm được đã là cổ tích. Có điều, bên trong câu chuyện cổ tích ấy, Sọ Dừa có một người mẹ tảo tần, thì Nguyễn Hữu Thịnh lại có thêm một người bố sẵn sàng vì con mà hy sinh tất cả.
- Em học trường làng ở ngoài kia kìa. Giờ chỗ đó họ phá đi rồi - Thịnh nhớ về 7 năm đầu đời được bay nhảy trên đôi chân của mình như thế. Lúc ấy Thịnh học lớp 1 và thuộc mặt chữ nhanh hơn các bạn. Những con chữ đầu đời ấy như cánh diều để Thịnh bấu víu và giúp anh làm quen với máy tính rồi bước ra một thế giới mới từ căn phòng chật hẹp.
Không nghe giới thiệu, chưa từng gặp Thịnh mà chỉ đọc thơ hẳn ai cũng nghĩ đó là những câu chữ viết lên bởi một chàng trai khỏe khoắn, tươi mới và nhiều ước vọng. Thơ của Thịnh là ký ức, là mùi ngai ngái của đồng ruộng sau mỗi vụ cày, là cánh chim chèo bẻo lên cao, hạ thấp đuổi cào cào, châu chấu. Thơ anh là tình yêu xóm làng, con đê, là những dự định của một chàng Sọ Dừa trong cổ tích chờ ngày hồi sinh trong một hình hài khác.
Tập ''Khoảng trời quê'' đang làm thủ tục xuất bản, là tập thơ thứ sáu của Nguyễn Hữu Thịnh, sau những ''Thương lắm mai sau'' (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2010), ''Hoài khúc tương thi'' (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014), ''Gọi phía mùa thu'' (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017), ''Khúc mùa'' (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2019), ''Bước qua cánh đồng làng'' (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022)... Với 75 bài thơ, ''Khoảng trời quê'' hứa hẹn sẽ mang tới bạn đọc những nhìn nhận thật đặc biệt về thế giới của một tác giả cũng đặc biệt.
Nguyễn Hữu Thịnh phát âm khó khăn, ngồi thật lâu mới dần biết anh đang nói gì, song đôi mắt thông minh của Thịnh nói say mê về tương lai, dự định và cuộc sống đời thường. Chiếc xe lăn gắn chặt với Thịnh nhiều năm qua đã trở thành đôi chân, thành người bạn đường, giúp Thịnh rời xa được căn phòng chật chội giam hãm mỗi ngày, để anh đến được những cánh đồng quê bát ngát gió mây, hay đi qua những cánh cổng làng, nơi vẫn có những bà cụ răng đen chiều chiều ngồi tán chuyện. Thịnh có nhiều bạn bè văn chương và còn cả những người bạn thời niên thiếu vẫn qua lại chuyện trò. Có hôm hứng khởi, có người bạn cùng làng đến nhà "bốc" xe lăn lên thùng xe tải rồi đưa Thịnh lên ca bin chạy đến bất cứ nơi nào Thịnh muốn. "Nó học cùng với em hồi lớp 1", Thịnh nói với tôi như thế.
Phía trái cổng nhà Thịnh có một gốc hoa giấy xù xì bấu chặt vào những hàng gạch mốc trên vách tường tróc vữa. Cây hoa giấy ấy cũng trạc tuổi Thịnh, bao năm qua vẫn dòm qua cửa sổ vào căn phòng ở, cũng là nơi Thịnh nằm sáng tác. Sau cơn bão vừa rồi, cây hoa giấy oằn mình chống chọi nên xác xơ, nhưng đang đâm chồi mới tươi non và bung những chùm hoa rực rỡ. Nguyễn Hữu Thịnh cũng giống như cây hoa giấy xù xì ấy, nhưng khác là anh phải chống chọi với cơn bão đến mỗi ngày, từ suốt mấy chục năm qua. Ấy là những cơn đau hành hạ, những dằn vặt cồn cào của một con người trong hình hài của chàng Sọ Dừa vật vã vì chưa thể tách vỏ để biến thành một con người khác như mong muốn.
Còn ông Luật, vẫn hằng ngày bên cạnh con trai và chăm bẵm cây hoa giấy như mấy chục năm nay ông vẫn thường làm. Nếu có một cuộc bình chọn về "những con người bình dị mà cao quý", tôi sẽ bình chọn ông Luật. Những gì ông đã hy sinh cho người con trai không lành lặn của mình, với ông là bình thường, nhưng với tôi cũng như nhiều người khác, thật cao cả biết nhường nào!