Đầu tư hạ tầng số, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số ở Hải Dương
Hạ tầng số là nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số nói chung, kinh tế số nói riêng. Nền tảng đó đã và đang được tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp viễn thông cũng như doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của tỉnh quan tâm đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số.
Tươi sáng "bức tranh" kinh tế số
“Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi sử dụng ứng dụng số, tệp khách hàng, đối tác của chúng tôi đã tăng lên 60% so với trước, từ đó gia tăng đáng kể doanh thu, nhất là các hoạt động kinh doanh trên môi trường số”, anh Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Bưu cục chuyển phát nhanh Best Express Bình An (TP Hải Dương) chia sẻ.
Hoạt động theo hình thức nhượng quyền thương mại từ năm 2021, song những ngày đầu nhân viên thị trường của bưu cục nói trên phải sử dụng hình thức tiếp thị truyền thống. “Dù chúng tôi đã bố trí 15 người để mở rộng thị trường đối với 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, song hình thức tiếp thị trực tiếp không còn hiệu quả. Không ít cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chuyển sang online nên rất khó tiếp thị theo hình thức mặt đối mặt (face to face), vừa vất vả, hiệu quả lại thấp”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Nhận thấy kế hoạch tăng trưởng không thể thiếu yếu tố “số”, bưu cục trên đã đầu tư đường truyền internet cáp quang tốc độ cao để sử dụng đồng thời 2 ứng dụng quản trị. Toàn bộ dữ liệu khách hàng được đồng bộ thông tin liên hệ cũng như tài khoản trên mạng xã hội, giúp bưu cục trên hình thành nhiều kế hoạch tiếp thị linh hoạt. Nhu cầu của khách hàng sau đó được chuyển đồng bộ với nền tảng quản trị đơn hàng. Thị phần dần mở rộng, doanh thu năm 2023 của bưu cục này tăng 15% so với năm trước đó.
Trong mảng thiết kế, quản trị nội dung số doanh nghiệp, Công ty CP Bosu (TP Hải Dương) có thời gian hoạt động gần như hoàn toàn trên môi trường mạng. “Trong lĩnh vực của chúng tôi, có thể nói thời kỳ kinh doanh, tiếp thị truyền thống đã qua. Nếu không tích cực trên môi trường số, chúng tôi sẽ bị thụt lùi, thậm chí bị đánh bật khỏi thị trường. 99% tệp khách hàng cũng như doanh thu của chúng tôi đến từ môi trường số, thông qua các nền tảng số tìm kiếm, quản trị thị phần”, anh Đỗ Văn Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Bosu cho biết.
Không chỉ những mô hình nói trên, rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp khác của Hải Dương đã và đang ứng dụng triệt để lợi ích từ kinh doanh trên nền tảng số, từ lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh, chuyển phát cho đến quản trị nội dung số, thiết kế website...
Có thể nói tất cả các chiến lược tăng trưởng, kế hoạch kinh doanh đều có yếu tố “số”. Theo số liệu tổng hợp từ Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2023 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh ước đạt 17,5%. Toàn tỉnh hiện có gần 175.000 hộ sản xuất nông nghiệp kinh doanh trên nhiều sàn thương mại điện tử đang hoạt động, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với gần 1.200 sản phẩm của tỉnh được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; phát sinh gần 42.000 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, xếp thứ 7 cả nước.
Hạ tầng số phải đủ và phổ cập
Những số liệu ấn tượng về kinh tế số nói trên từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò quan trọng từ nền tảng hạ tầng số. Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương, hạ tầng số cơ bản cấu thành từ 3 yếu tố, gồm hạ tầng dữ liệu (trung tâm dữ liệu, nền tảng điện toán đám mây…) để các ứng dụng hoạt động; hạ tầng viễn thông phục vụ truyền dẫn thông tin (internet cáp quang, nền tảng 4G, 5G, internet kết nối vạn vật…) và hạ tầng cho người dân, doanh nghiệp (máy tính, smartphone...).
“Cụ thể, đó là hệ thống máy chủ, điện toán đám mây, các hạ tầng mảng băng rộng cố định, cáp quang, trạm BTS, thiết bị kết nối internet… Tất cả để phục vụ cho việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi ích của các nền tảng, ứng dụng số để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, trong đó có phát triển kinh tế số”, ông Khánh cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương Trần Quốc Khánh, hạ tầng là cái nền cho phát triển. Cái nền thì phải đủ và phải phổ cập. Hiểu một cách đơn giản, nghĩa là hạ tầng phải bảo đảm năng lực đáp ứng cho 100% nhu cầu. Riêng VNPT Hải Dương, nhà mạng này đã chuẩn bị sẵn sàng trung tâm dữ liệu đủ lớn để phục vụ chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc thuê hạ tầng máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang, sóng di động truyền thống phủ kín địa bàn tỉnh có năng lực bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu về hạ tầng cáp quang đến bất kỳ tổ chức, cá nhân có nhu cầu ở bất kỳ địa điểm nào trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục bổ sung các công nghệ mới cáp quang xGSPON (tiêu chuẩn truyền dẫn quang học tiên tiến được phát triển để cung cấp kết nối internet tốc độ cao cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp), di động 5G tăng tốc độ truy cập, ứng dụng mới đáp ứng nhu cầu đa dạng thúc đẩy chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ.
Đồng quan điểm, đại tá Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Giải pháp công nghệ thông tin Viettel Hải Dương cho rằng hạ tầng số đóng vai trò quan trọng, tạo dựng môi trường cho các giải pháp, sản phẩm số hoạt động trơn tru.
“Lấy ví dụ, thông qua hạ tầng di động, người dân sử dụng smartphone được tiếp cận internet, thúc đẩy, phát triển hành vi tiêu dùng trực tuyến, kích thích kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử. Ngoài ra, cũng từ nền tảng di động, hàng loạt ứng dụng được phát triển, nổi bật là thanh toán trực tuyến. Gần như tất cả quy trình mua bán truyền thống trước đây đều được thực hiện qua vài thao tác vuốt, chạm. Những giải pháp, nền tảng đó bổ trợ lẫn nhau, mang đến lợi ích cho người dân, doanh nghiệp trong việc thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh thời đại số”, ông Phong chia sẻ.
Điểm nhấn liên quan đến phát triển hạ tầng số của Viettel Hải Dương là phát triển hạ tầng 5G. Đến ngày 9/10, nhà mạng này đã triển khai lắp đặt 70 trạm phát sóng 5G trên toàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại TP Hải Dương với 49 trạm, Cẩm Giàng 13 trạm, Kim Thành 4 trạm, Thanh Miện 2 trạm, TP Chí Linh 1 trạm, Tứ Kỳ 1 trạm. “Với định hướng từ Tập đoàn, Viettel Hải Dương sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng 5G, nhất là tại các khu công nghiệp, góp phần phát triển nhà máy, khu công nghiệp thông minh, thu hút đầu tư công nghiệp”, ông Phong nói thêm.
Không riêng các nhà mạng, từ ngày 1/1/2024, Trung tâm Dữ liệu tỉnh Hải Dương đã chính thức vận hành. Đây được coi là "trái tim" chuyển đổi số của tỉnh thuộc dự án “Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho chính quyền điện tử và đô thị thông minh” (dự án DC) do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, vận hành. Các hệ thống thông tin đã được cài đặt và khai thác, sử dụng như hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, ứng dụng dành cho người dân Smart Hải Dương, hệ thống chấm điểm chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp sở, cấp huyện của tỉnh…
Hiện Trung tâm Dữ liệu tỉnh đang thực hiện tốt vai trò trong chiến lược dữ liệu, chuyển đổi số của tỉnh. Đây là địa chỉ để triển khai cài đặt các hệ thống phần mềm, lưu trữ dữ liệu dùng chung của tỉnh, các sở, ngành, góp phần tiết giảm chi phí đầu tư thiết bị. Trong thời gian tới, Trung tâm Dữ liệu tỉnh sẽ ưu tiên tích hợp những ứng dụng, cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ chuyển đổi số cũng như gắn với thực hiện Đề án 06.
Phát triển hạ tầng số sẽ mở ra không gian phát triển mới cho phát triển kinh tế-xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng số cũng cần gắn với bảo đảm năng lực vận hành trong các điều kiện. Câu chuyện “mất mạng, tịt sóng” sau bão số 3 vừa qua là một ví dụ.
Trên địa bàn tỉnh có 3.268 trạm thu phát sóng di động (BTS) tại 1.705 vị trí, góp phần phủ sóng di động tới 100% dân số.
Toàn tỉnh có gần 2,3 triệu thuê bao điện thoại, gồm gần 27.000 thuê bao cố định, hơn 2,2 triệu thuê bao di động, ước đạt 114 thuê bao/100 dân. Gần 1,8 triệu thuê bao internet băng thông rộng, gồm gần 431.000 thuê bao internet băng rộng cố định, hơn 1,3 triệu thuê bao internet băng rộng di động, ước đạt 83 thuê bao/100 dân. Toàn tỉnh có hơn 1,7 triệu thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại di động thông minh.