Truyện ngắn

Nước mắt chảy xuôi

ĐỖ TUẤN TƠN 12/10/2024 10:02

Ở đời “nước mắt chảy xuôi”. Thương con, thương cháu, bà Hiền gom góp, chắt chiu từng cân gạo, củ khoai, chục trứng... đi bộ từ nhà lên tỉnh cho cháu.

Truyện ngắn: Nước mắt chảy xuôi

- Tôi nói bà có nghe không hả?

Hà giậm chân bình bịch xuống nền nhà, lớn tiếng quát mẹ chồng. Bà Hiền như cái xác không hồn nằm im phăng phắc trên chiếc giường một kê ở góc gian buồng tranh tối, tranh sáng. Thân hình bà nhỏ thó, gọn lỏn trong chiếc chăn cũ loang lổ những vết bẩn đã khô két từ lâu. Đầu bà thò khỏi chăn, mớ tóc bạc trắng cắt ngắn từng chỗ nham nhở. Đôi con ngươi trắng đục như cùi nhãn nằm sâu trong hốc mắt đang mở trừng trừng, đờ đẫn nhìn về phía có tiếng động theo phản xạ tự nhiên của đôi tai. Cái nhìn vô thức không hề cảm xúc trước lời nói của nàng dâu khiến Hà càng điên tiết xỉa xói: “Con này không phải là người ở của nhà bà, ăn lắm vào rồi đùn ra đấy, không ai hầu được. Sắp chết rồi mà còn nốc nhiều thế...!”.

Vừa la lối, Hà vừa cầm chiếc gậy gảy vạt chăn rơi xuống nền nhà phía cuối giường. Mùi hôi hám bốc ra từ thân thể người mẹ chồng ốm liệt lâu ngày và mùi khai phả lên mặt khiến Hà im bặt, vội đưa hai tay bưng miệng chạy ra đầu hè nôn thốc, nôn tháo. Nước mắt, nước mũi giàn giụa. Cô trút căm giận bằng cái đạp chân vào cánh cửa đánh rầm, rồi bỏ đi lên nhà trên.

Mọi ngày, hễ cô con dâu bà Hiền đi làm về là hàng xóm lại nghe tiếng cô la lối, quát mắng mẹ chồng như thế. Bà Hiền đã ngoài bảy mươi tuổi, ốm nằm liệt giường dưới gian nhà ngang gần một năm nay. Gọi là nhà ngang, thực chất chỉ là gian bếp lợp mái tôn cũ, được ngăn làm đôi, mỗi phòng chừng mươi mét vuông, là di sản cuối cùng của vợ chồng anh Vinh con trai bà từ thời bao cấp. Anh chị đang ở trong ngôi biệt thự khang trang bên cạnh. Gian bếp này giành riêng cho bà mẹ già đang ngắc ngoải hưởng thụ nốt những ngày tháng cuối đời.

Bà Hân bên hàng xóm khắc khoải: “Quái lạ, mấy ngày nay bên bà Hiền im ắng thế. Từ sáng giờ lại thấy vợ chồng nhà Vinh cứ tất bật chạy ra chạy vào. Có lẽ bà cụ trở bệnh thật rồi”. Bà chạy đi loan báo cho bạn già quanh xóm kéo nhau chạy sang. Qua khe cổng sắt, mọi người nhìn thấy con dâu bà Hiền đang khoa chân múa tay với chồng: "Bà già nhà anh mãi không chết đi được, còn kéo dài ngày nào chỉ khổ con này ngày ấy. Bao nhiêu vất vả, bẩn thỉu đổ lên đầu, tôi chịu không nổi nữa rồi”.

Nghe tiếng gọi cổng, Hà vội thay đổi nét mặt, chạy ra mở cổng, giọng đon đả:

- Chào các cụ, các cụ sang thăm mẹ cháu ạ!

Bà Hân cất tiếng hỏi:

- Bà lão bên này mệt lắm rồi phải không?

- Dạ, mẹ cháu chỉ hơi mệt chút thôi ạ!

- Thế bà ấy có ăn uống gì được không?

- Hôm qua nhà cháu mới làm thịt gà cho bà cháu ăn, lại nấu thêm một nồi cháo, bà cháu ăn đến giờ mới hết ạ! Kìa, bố cái Hương, mời các cụ vào nhà chơi xơi nước để em xuống cho mẹ uống nốt cốc nước cam nhé! Hà đánh mắt ra hiệu cho chồng rồi tất tưởi chạy đi.

Bà Hân ra hiệu cho mọi người theo mình vòng lối ngoài hiên ngôi biệt thự đi xuống gian nhà ngang. Bà biết thừa sự giả dối, thớ lợ của vợ chồng anh con trai bà Hiền.

Quả thật, bà Hiền đang cơn hấp hối, nằm bất động như thân cây khô, đôi gò má teo tóp nhô cao, hốc hác, mặt trắng bợt, trán lấm tấm mồ hôi. Bà thở ngắt quãng từng nhịp ngắn. Đôi mắt mở trừng trừng không chớp. Nhìn bà Hiền, không ai cầm được nước mắt xót thương. Các bạn già xúm vào, người vuốt bàn tay, người nắn bàn chân cho bà. Có tiếng thở dài: "Hai chân lạnh lắm rồi, chắc người chỉ đợi giờ thôi!".

Đã có người ngồi với bà Hiền, vợ chồng Vinh bấm nhau lên nhà trên, đến phòng khách, Hà kéo khẩu trang khỏi miệng, lắc đầu bảo chồng: “Kinh chết đi được, chịu không nổi. Bố mẹ tôi ốm, tôi còn chẳng đút cho ai được thìa cháo bao giờ. Kể cả lúc các cụ mất, tôi cũng chẳng dám bén mảng. Vậy mà bây giờ phải giường cứt chiếu đái, hầu hạ mẹ anh. Cái số tôi nó khổ nhục thế đấy!".

Bà Hiền ra đi ngay trong đêm ấy. Chị em con Hương học trên Hà Nội nhận được tin bà nội mất, hớt hải kéo nhau về. Thấy họ hàng nội ngoại vắng mặt nhiều quá, chúng nó khóc hỏi tại sao bố mẹ không báo cho họ hàng ở quê đến với nội lần cuối. Hà quát con: “Gọi lên đây lắm làm gì? Chỗ ăn, chỗ ở không có. Hơi sức đâu mà phục vụ? Ở đây thiếu gì người. Cơ quan của chúng tao kéo đến có mà chật cả phố".

... Hà mặc áo xô trắng, đầu trùm khăn vải màn phục bên linh cữu mẹ chồng, mỗi khi có đoàn viếng cụ, Hà lại gào khóc: Ớ mẹ ơi! Sao mẹ n ỡ bỏ con, bỏ cháu mà đi! Cả đời mẹ vất vả vì con, vì cháu mà chúng con chưa báo hiếu được gì. Nhà cao cửa rộng sao mẹ không ở mẹ ơi..!

Nắp quan tài sập xuống kín bưng, mang theo bao điều bí mật và những nỗi đau của cuộc đời bà Hiền. Tiếng kèn đưa ma cất lên ai oán, não nề.

*

Hơn ba mươi năm về trước, chị Hiền đã góa bụa. Chị âm thầm tần tảo nuôi con. Những giọt nước mắt nhớ chồng, thương con đã bao lần đầm đìa mặt gối. Chị lặng lẽ chịu đựng sự bất hạnh và những cơn giông tố, khủng hoảng của cuộc đời. Phải vượt qua mọi khát vọng, thèm muốn tầm thường của người thiếu phụ đang độ xuân thì để thờ chồng, nuôi con. Những đêm đông lạnh lẽo, hun hút gió mùa, chị biết bên ngoài kia vẫn có đôi mắt van lơn, mong đợi, đăm đắm nhìn mình qua khe cửa liếp. Đôi mắt ấy thôi thúc chị đứng dậy đón nhận. Mặt chị nóng ran như có lửa, toàn thân run lên... Chị chợt nghe từ trong sâu thẳm cõi lòng, tiếng chuông thủ tiết ngân lên dịu dàng, vỗ về. Đôi mắt mơ màng của chị từ từ khép lại. Chị lật sấp người, ôm chặt tấm chăn chiên vào lòng thổn thức cho đến khi thần kinh mệt rã rời và trôi vào giấc ngủ từ lúc nào không biết.

Hạnh phúc của chị bây giờ là thằng Vinh, nó là bảo vật sống, niềm hy vọng và chỗ dựa vững chắc cho chị lúc tuổi già. Chị cần kiệm, nhẫn nại nuôi con ăn học bằng người.

Cho đến một ngày, Vinh đưa cô người yêu về ra mắt mẹ… Sau khi cưới, vợ chồng Vinh trở lại cơ quan công tác, được phân một gian nhà tập thể rồi sớm sinh con gái đầu lòng. Thời bao cấp khó khăn thiếu thốn trăm bề. Ở đời “nước mắt chảy xuôi”. Thương con, thương cháu, bà Hiền gom góp, chắt chiu từng cân gạo, củ khoai, chục trứng, mớ rau, con cá đi bộ từ nhà lên tỉnh cho cháu.

Một buổi tối, vợ chồng Vinh nói với bà: “Đằng nào thì mẹ cũng chẳng bỏ được con cháu. Mẹ thu xếp bán nhà, đất ở quê lên ở hẳn với chúng con, nhà có một mẹ một con, một chốn đôi quê thì cả mẹ và con cháu đều khổ. Chúng con chỉ lo mẹ lúc trái gió trở trời!”.

Bà Hiền suy nghĩ nhiều lắm nhưng tất cả vì con, vì cháu. Bà bán cả cơ ngơi được hơn chục triệu đồng đem lên cho con. Có tiền, vợ chồng Vinh mua được đất ở thành phố, xây nhà hai tầng khang trang. Từ đấy, bà Hiền yên phận với trách nhiệm của người mẹ, người bà, thu vén giúp đỡ cho con cháu.

Nhưng sự đời đâu có giản đơn, suôn sẻ như bà hằng mơ tưởng. Thời cuộc xoay vần. Con trai, con dâu của bà được thăng tiến, có quyền có chức, có địa vị trong cơ quan, ngoài xã hội. Mọi nếp cũ trong gia đình bỗng chốc thay đổi nhanh chóng. Người ra vào nhờ vả, bàn bạc công việc ngày càng đông. Bà Hiền cũng không hiểu con mình làm đến chức gì mà ngày nào cũng có người đến nhờ vả giúp đỡ. Và bỗng chốc, ngôi biệt thự khang trang đồ sộ thay thế ngôi nhà hai tầng. Đồ đạc cũ trong nhà bị thải loại. Thay thế vào đó là những thứ đắt tiền, trưng bày kiểu cách. Rồi chính bà Hiền cũng biến thành ô sin già từ lúc nào không biết. Cách cư xử, nói năng của con trai, con dâu bà cũng khác dần. Nghe kẻ cả, hách dịch, chê bai cộc lốc với bà…

Những đêm dài mất ngủ, bà thao thức nhớ thương chồng... thương cho cuộc đời mình và những kỉ niệm ngắn ngủi hạnh phúc ngày xưa rồi thở dài, lẩm bẩm một mình: “Ngày ấy nuôi con dẫu có gian nan vất vả nhưng nó thanh thản, tự do. Bây giờ ở tuổi gần đất xa trời, phải phụ thuộc con, chịu sự điều hành, đối xử lạnh nhạt của chúng nó. “Lực bất tòng tâm” biết làm thế nào?

Hai đứa cháu nội của bà lúc còn nhỏ hằng ngày quấn quýt bên bà. Bây giờ chúng nó đã lớn đang đi học mãi trên Hà Nội. Chỉ còn lại một mình bà thui thủi, cô đơn. Ngày ngày, bà cần mẫn, vất vả với công việc gia đình. Nhà anh chị Vinh quanh năm kín cổng cao tường, bà khao khát được ra ngoài vui với các bạn già, đến chùa thắp hương cho lòng thanh thản cũng không được. Những khi vợ chồng con trai bà tiếp khách, cỗ bàn tại nhà, bà không được ngồi cùng ăn với khách mà phải lặng lẽ trong phòng dưới nhà ngang với suất cơm của cô con dâu mang xuống. Không biết bao lần bát cơm của bà trộn lẫn dòng nước mắt tủi hờn. Bà sống âm thầm lặng lẽ như một cái bóng. Sức lực tuổi già suy yếu, cạn kiệt dần. Cho đến một buổi chiều, khi đang lau nhà thì bà gục xuống. Vinh đi làm về, thấy mẹ nằm bất tỉnh giữa nền nhà vội vàng điện thoại mời thầy thuốc đến cấp cứu. Bà Hiền bị tai biến mạch máu não. Chứng đột quỵ, nhũn não bắt bà phải nằm liệt giường từ đấy trong trạng thái thần kinh mụ mẫm, vô thức. Mọi sinh hoạt đều bất lực ngoài việc vẫn ăn được như một cái máy tự động.

Suốt một năm trời, trong khoảnh khắc thời gian còn lại để đấu tranh giành giật giữa sự sống và cái chết, bà không thể biết những gì xảy ra xung quanh mình nữa. Những người ở cạnh nhà bà thường chứng kiến cảnh bà tiếp tục nếm đủ mùi cay đắng từ phía con trai, con dâu bà. Những điều bà vẫn quen chịu đựng là quát mắng, xỉ nhục, đói khát và bẩn thỉu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng…

Có lẽ trước lúc ra đi, với tấm lòng nhân ái bao dung của người mẹ, bà có thể tha thứ mọi tội lỗi cho con mình. Song vong linh bà vẫn còn khắc khoải một điều: Tội lỗi của con mình xuất phát từ đâu?

ĐỖ TUẤN TƠN