Hải Dương là tỉnh duy nhất ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong 3 luật nhà đất
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản chiều 8/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương Hải Dương là tỉnh duy nhất cả nước đã ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong 3 luật nhà đất.
Chiều 8/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ triển khai thi hành các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo, đại diện các Bộ Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan, một số ủy ban của Quốc hộị… cùng lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu.
Tại điểm cầu Hải Dương có đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toản; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tham dự.
Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; tuy nhiên, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện. Trong 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản thì chỉ có tỉnh Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong luật. Các địa phương còn lại nội dung ban hành chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa hợp thửa…
Có 13 tỉnh, thành phố chưa ban hành văn bản gồm Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước và An Giang.
Sau thời gian 2 tháng thi hành, với các quy định mới của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu cho thấy các chính sách mới đã mang lại hiệu quả như phân cấp, phân quyền về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, xác định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lấn biển… đã tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Còn theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, ngay sau khi Quốc hội khóa XV thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành hai luật này, nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết.
Đến ngày 7/10 mới có 13 địa phương đã ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản gồm: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau. 50 địa phương chưa ban hành, trong đó 10 địa phương đã hoàn thiện việc xây dựng và đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành; 40 địa phương đang trong quá trình xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.
Hội nghị cũng đã nghe đại diện các tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành 3 luật trên báo cáo nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc chậm triển khai.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương Nguyễn Hoài Long cũng báo cáo kinh nghiệm triển khai việc ban hành các quy định chi tiết thi hành 3 luật trên. Đồng chí cho biết ngay từ những ngày đầu triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Hải Dương đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nắm vững các quy định mới.
Các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp phổ biến các quy định của luật, tổ chức các buổi tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, bảo đảm thực thi đúng quy định pháp luật. Ban hành các văn bản với thời hạn rõ ràng, bảo đảm tiến độ thông qua các quy trình rút gọn, linh hoạt.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê bình nghiêm khắc các địa phương chậm trễ, đồng thời ghi nhận và biểu dương tỉnh Hải Dương đã thực hiện tốt việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành 3 luật trên. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương công khai các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trên trang thông điện tử để các địa phương khác cùng tham khảo và nghiên cứu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực trước 5 tháng là yêu cầu từ thực tiễn, hết sức cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai các cơ chế, chính sách mới tạo thuận lợi hơn cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đây cũng là nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân các địa phương.
Cùng với các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, thì các luật đã giao trực tiếp một số nội dung cho địa phương xây dựng và ban hành đồng thời.
Quá trình xây dựng các nghị định, thông tư đã có sự tham gia của các địa phương để nắm bắt được các nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn. Vì vậy, việc chậm trễ trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản ở địa phương phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế ở địa phương, ảnh hưởng đến lợi ích của các tổ chức cá nhân, cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, các bộ trưởng, trưởng ngành phải hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn trong quá trình xây dựng văn bản, do đó phải nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo địa phương nắm chắc danh mục văn bản cần ban hành, tình hình, tiến độ thực hiện; chỉ rõ những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực và có giải pháp khắc phục với tinh thần "quyết liệt phải ra kết quả cụ thể".
Các địa phương có thể xem xét hình thức rút gọn khi ban hành những văn bản kế thừa chính sách cũ, đã được quy định trong luật; thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đối với văn bản phức tạp, ảnh hưởng, tác động lớn.
Hai Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Xây dựng tổng hợp các nhóm khó khăn, vướng mắc của địa phương khi xây dựng văn bản quy định để trao đổi, làm rõ và tháo gỡ.