Kinh nghiệm xử lý vi phạm bến bãi, công trình thuỷ lợi ở Nam Sách
Huyện Nam Sách (Hải Dương) đã có chuyển biến tích cực trong xử lý vi phạm bến bãi, giải toả hàng trăm công trình thuỷ lợi trước thời hạn tỉnh yêu cầu. Kinh nghiệm ở đây là gì?
Xử lý kiên quyết
Cuối tháng 5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ra thông báo kết luận về tiến độ, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Nam Sách là 1 trong 2 huyện bị yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai thực hiện xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng.
Sau đó, chỉ trong 3 tháng, với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc xử lý vi phạm công trình thuỷ lợi và cả vi phạm bến bãi ven sông ở huyện Nam Sách đã đạt kết quả tích cực.
Toàn huyện Nam Sách có 27 tổ chức, cá nhân hoạt động bến bãi. Trong đó, 7 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có đủ thủ tục pháp lý được UBND tỉnh cấp phép hoạt động; 12 tổ chức, cá nhân chưa được UBND tỉnh, huyện quyết định chủ trương đầu tư và chưa được cho thuê đất. Các trường hợp còn lại được UBND tỉnh, huyện quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được cho thuê đất hoặc đã được cho thuê đất nhưng giấy phép hoạt động hết hạn. UBND huyện Nam Sách đã ban hành 6 quyết định xử phạt hành chính lĩnh vực đầu tư và đê điều.
Qua rà soát, có duy nhất 1 bến bãi không phù hợp quy hoạch ở xã Nam Tân. Chủ hộ kinh doanh đã tự giác tháo dỡ công trình xây dựng trên bến bãi, thanh lý hợp đồng giao khoán. Đối với 26 bến, bãi phù hợp quy hoạch, các trường hợp vi phạm xây dựng công trình, nhà lán đã tháo dỡ (đã tháo dỡ trên 1.500 m2 công trình, nhà lán), các bến bãi chưa đủ thủ tục hành chính phải hoàn thiện. UBND huyện Nam Sách chỉ đạo tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện thủ tục pháp lý và kiên quyết giải tỏa nếu chủ bến bãi không tự giác lập hồ sơ xin cấp phép xong trước ngày 31/12.
Vào mùa mưa lũ, UBND huyện Nam Sách đã yêu cầu đóng khe phai đê La (xã Hiệp Cát) và khe phai Cổ Pháp (xã Cộng Hòa) kết hợp ngăn chặn hoạt động trái phép của các bến bãi, lập barie chốt chặn tại đầu dốc lên đê của các bến bãi, yêu cầu tất cả các bến bãi dừng hoạt động đến hết tháng 10.
Đến ngày 31/8, tất cả 273 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Nam Sách đã được xử lý sớm hơn yêu cầu của tỉnh 4 tháng (trước ngày 31/12). Trong 193 trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2018 có 6 trường hợp phải giải toả đều đã thực hiện xong; 187 trường hợp còn lại được xác định cụ thể và lập biên bản, cho phép tiếp tục sử dụng nhưng không được mở rộng hoặc thay đổi kết cấu (thực hiện theo Luật Thuỷ lợi). 79 trường hợp vi phạm sau ngày 1/7/2018 và 1 vi phạm phát sinh năm 2024 đã được giải tỏa.
Quan tâm tuyên truyền, vận động
Sự chuyển biến tích cực trong công tác xử lý vi phạm, bến bãi công trình thuỷ lợi ở Nam Sách có được từ sự quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách Mạc Văn Tuấn, huyện giao nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn cùng rốt ráo vào cuộc. Người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện trong xử lý vi phạm bến bãi, công trình thuỷ lợi. Lãnh đạo UBND huyện, phòng chuyên môn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn địa phương xử lý.
"Sự quyết liệt, rốt ráo vào cuộc của huyện đã tạo sức lan toả và cũng là áp lực giúp việc giải quyết vi phạm bến bãi, công trình thuỷ lợi ở các xã được thực hiện nhanh gọn. Đảng viên vi phạm cũng phải xử lý, và phải xử lý từ đầu để làm gương", Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng Mạc Văn Hùngkhẳng định.
Ở xã Nam Hưng, ông Mạc Văn Luận (thôn Trần Xá) dự kiến xây dựng một cây cầu trị giá gần 400 triệu đồng nối từ đường nội đồng vào khu chăn nuôi, trọng tải lên tới 30 tấn. Ngay khi phát hiện người dân thi công công trình có quy mô lớn, Chủ tịch UBND xã đã báo cáo, lãnh đạo UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp về hướng dẫn xử lý ngay khi người dân đang san lấp, đổ mố cầu. Hộ này đã tự giác dừng thi công, khôi phục lại dòng chảy như ban đầu.
Kết quả tích cực mà Nam Sách đạt được trong xử lý vi phạm bến bãi, công trình thuỷ lợi còn do sự đồng thuận, thay đổi cách nhìn, tự giác phối hợp của các hộ, doanh nghiệp có công trình vi phạm.
Trên địa bàn xã Thanh Quang có 6 hộ, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động bến bãi ven sông Kinh Thầy. Thời điểm cuối năm 2023, cả 6 doanh nghiệp này đều được cấp phép hoạt động nhưng vẫn có vi phạm như dựng nhà lán tạm vượt quy hoạch, tập kết vật liệu trong hành lang thoát lũ...
Xác định quản lý hoạt động, xử lý vi phạm bến bãi ven sông là không dễ, ông Nguyễn Xuân Thảo, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, vận động đối với các chủ bến bãi. Kinh doanh bến bãi ở xã Thanh Quang có cả người từ huyện khác đến, ông Thảo đều giữ mối liên hệ chặt chẽ ngay từ khi họ bắt đầu về địa bàn kinh doanh. Khi phát hiện vi phạm thì tập trung tuyên truyền, vận động chủ bến bãi, tạo điều kiện thời gian để chủ bến bãi tự di dời vật liệu, tháo dỡ công trình vi phạm. Với những vi phạm nghiêm trọng xử lý nghiêm theo chỉ đạo, quy định để tạo sức răn đe.
Tuyên truyền, vận động đi đầu cũng là kinh nghiệm của nhiều xã ở Nam Sách trong xử lý vi phạm công trình thuỷ lợi, bến bãi. Trong đó, vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể rất quan trọng. Nhờ vậy, người dân nhận thức được hành vi vi phạm quy định pháp luật và phối hợp khắc phục hậu quả, ngăn chặn tái phạm, phát sinh vi phạm mới.