Trương Huệ Vân day dứt trước những cái chết liên quan đến Vạn Thịnh Phát
Bị cáo Trương Huệ Vân bày tỏ sự ân hận trước việc làm của mình đã ảnh hưởng tới nhiều người, trong đó có gia đình của những người đã mất liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ngày 7/10, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần bào chữa của các luật sư.
Bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor- WMC) luật sư nêu quan điểm, bị cáo Vân đã thành khẩn thừa nhận hành vi và trách nhiệm của mình nên luật sư đồng ý với tội danh và mức án mà viện kiểm sát đề nghị.
Vì vậy, quan điểm bào chữa của luật sư không nhằm mục đích tranh luận, mà để Hội đồng xét xử cân nhắc thêm về tính chất và mức độ hành vi của bị cáo. Theo luật sư, bị cáo Vân chỉ liên quan đến hai gói trái phiếu trị giá 13.000 tỷ đồng. Mặc dù đây là con số không nhỏ, nhưng so với các gói trái phiếu khác của Công ty An Đông, nó vẫn là số tiền nhỏ nhất.
Theo luật sư, do bị cáo Vân cùng bị cáo Chu Lập Cơ (chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) là những người thân thích ruột thịt với bị cáo Lan, nên ngay từ giai đoạn 1 của vụ án liên quan đến SCB, bị cáo phải chịu trách nhiệm rất nặng nề.
Luật sư cho rằng, việc sử dụng "lăng kính là cháu ruột của bà Lan" để đánh giá mức độ phạm tội của bị cáo Vân là không công bằng bởi, vai trò của bị cáo Vân trong vụ án là hoàn toàn mờ nhạt. Thời điểm xảy ra vụ án trái phiếu vào các năm 2018-2019, bị cáo Vân là người đại diện pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vì vậy, từ góc nhìn của cơ quan điều tra, bị cáo được xem như đóng vai trò rất quan trọng, nhưng thực tế không phải như vậy. Vai trò của bị cáo trong vụ án không đáng kể. Luật sư cho rằng thời điểm này bị cáo không ý thức được bản chất vụ việc cho tới khi làm việc với cơ quan điều tra.
Về dòng tiền phát hành trái phiếu, luật sư cũng cho rằng bị cáo không có ý thức, ý niệm gì và cũng không hiểu tại sao mình lại lừa đảo với số tiền lớn như vậy.
Từ những quan điểm bào chữa đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vai trò của bị cáo Vân là đồng phạm thụ động, hạn chế và mong không tuyên buộc trách nhiệm dân sự đối với thân chủ mình.
Đồng ý với quan điểm của luật sư bào chữa, bị cáo Trương Huệ Vân xin bổ sung thêm 2 ý kiến. Thứ nhất, bị cáo xin xem xét, miễn hình phạt cho bị cáo Chu Lập Cơ. “Ông Chu Lập Cơ là dượng, là người thầy, người cha của bị cáo. Quá trình 2 năm qua là quá tàn nhẫn với ông”, Trương Huệ Vân nghẹn giọng nói.
Bị cáo cũng bày tỏ rất hối hận về những chữ ký vội vàng của mình để phát hành trái phiếu, dẫn đến việc bị bắt và ảnh hưởng tới nhiều gia đình, trong đó có những gia đình đã mất đi người thân của họ như bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB), ông Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt)…
Trương Huệ Vân cũng xin Hội đồng xét xử xem xét cho cô ruột của bị cáo là Trương Mỹ Lan được nhận sự khoan hồng cao nhất của pháp luật.
Bị cáo Vân bị viện kiểm sát cáo buộc đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để WMC chuyển 13.000 tỷ đồng cho Công ty An Đông. Sau đó, Công ty An Đông dùng số tiền này mua trái phiếu sơ cấp. Hành vi này đã giúp sức cho bị cáo Lan cùng đồng phạm phát hành 2 mã trái phiếu của Công ty An Đông, chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng của hơn 20.000 bị hại.
Với hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo Trương Huệ Vân bị đại diện viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 6-7 năm tù. Trước đó, tháng 4/2024, Huệ Vân bị Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".