Hải Dương chủ động xử lý sự cố đê điều
Bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua đã làm hệ thống đê điều của Hải Dương xuất hiện nhiều sự cố. Mặc dù đã cơ bản được xử lý từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” nhưng về lâu dài vẫn cần có giải pháp để bảo đảm an toàn.
Mối lo sau lũ lớn
Giữa tháng 9 vừa qua, nhiều thời điểm mực nước sông Kinh Thầy vượt mức báo động III. Đến khi lũ rút, tại đê hữu sông Kinh Thầy qua địa bàn xã Nam Hưng (Nam Sách) xuất hiện sự cố sạt lở bãi sông nghiêm trọng. Cung sạt dài 20 m, lấn sâu vào bãi 7 m, chiều sâu khoảng 4,7 m và điểm gần nhất cách chân đê phía sông 34,5 m. Mặc dù sự cố vẫn nằm ngoài hành lang bảo vệ đê nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều rất cao. Nguyên nhân do vị trí xảy ra sự cố chỉ cách kè Ninh Xá khoảng 100 m về phía hạ lưu. Trong khi kè Ninh Xá sát chân đê, nhiều vị trí kè là mái đê, không còn bãi sông bảo vệ. Mặt khác, sự cố nằm ở bên bờ lở, dòng chảy ép sát, thúc thẳng vào bờ. Hiện trên mặt bãi xuất hiện nhiều vết nứt nên khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Ông Trần Duy Khuyến, kiểm soát viên đê điều phụ trách tuyến (Hạt Quản lý đê Nam Sách) cho biết: “Ngay khi phát hiện sự cố, đơn vị đã khoanh vùng nguy hiểm, cắm nêu cảnh báo và thông báo tới các hộ dân xung quanh. Đồng thời tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác, bám sát diễn biến điểm sạt lở để kịp thời thông tin tới cấp có thẩm quyền. Điểm sạt lở này cần sớm được xử lý bằng biện pháp công trình thả rồng đá hộ chân, lát tấm bê tông đúc sẵn trong hệ khung dầm bê tông cốt thép thì mới bảo đảm an toàn tuyến đê”.
Cũng trong đợt mưa lũ vừa qua, tại tuyến đê tả sông Kinh Môn ở phường Long Xuyên (Kinh Môn) xảy ra sự cố sạt trượt mái đê phía đồng. Điểm sạt dài hơn 40 m, lấn vào thân đê trong khi nước lũ trên sông lên cao vượt lịch sử. Để xử lý sự cố, ngoài lực lượng xung kích, địa phương đã huy động 300 người dân và 60 chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang cắm cừ đơn, gác phên tre nứa, đắp bao tải cát. Do sự cố tương đối phức tạp nên phải mất gần 1 ngày mới khắc phục xong.
Theo ông Phạm Văn Giang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch phường Long Xuyên, sự cố trên xuất hiện trong thời điểm rất nguy cấp. Mưa kéo dài ngày, lũ vượt báo động III, thân đê đã bão hoà nước. Trong khi ở phía trong đồng, mương nước phục vụ sản xuất lại đào sát chân đê, mái đê dốc nên xảy ra sạt lở. “Dù đã được xử lý từ giờ đầu nhưng sự cố này vẫn có thể gây nguy cơ mất an toàn, gây áp lực cho công tác phòng chống thiên tai tại địa phương. Chúng tôi mong muốn sự cố này được xử lý dứt điểm để an tâm trong những mùa mưa bão tới”, ông Giang cho biết.
Cần sớm xử lý 10 sự cố đê điều
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương có mật độ sông khá dày đặc gồm hệ thống sông Thái Bình và sông Luộc. Vì thế, hệ thống công trình đê điều của tỉnh cũng tương đối lớn, làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và hơn 150.000 ha diện tích đô thị, nông thôn. Trong đó, có hơn 100.000 ha sản xuất nông nghiệp.
Từ ngày 7-18/9/2024, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lũ lớn trên địa bàn tỉnh, hệ thống sông Thái Bình đã vượt mực nước báo động III, cao nhất trong 28 năm trở lại đây. Riêng một số sông khu vực hạ lưu như sông Gùa, Kinh Môn, mực nước đã vượt mốc lịch sử năm 1996. Còn lũ trên sông Luộc vượt mức báo động II.
Do nhiều năm qua, hệ thống đê điều tại Hải Dương không chịu tác động của lũ lớn nên đợt mưa lũ vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe doạ trực tiếp đến an toàn nhiều tuyến đê. Toàn tỉnh có khoảng 410 bụi tre chắn sóng bị nghiêng, đổ. Mưa, bão lũ cũng làm xuất hiện 269 sự cố thẩm lậu, đùn sủi, lỗ rò qua thân đê, tràn cục bộ, sạt trượt mái đê, rò mang cống, rò nước qua khe cống và 35 công trình trụ sở, cụm chống lụt bão, điếm canh đê bị hư hỏng. Các sự cố đã được phát hiện sớm, cơ bản xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ". Tuy nhiên về lâu dài vẫn cần đầu tư để tu bổ, nâng cấp một số vị trí xung yếu để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.
Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, Hải Dương cần sớm xử lý 10 sự cố đê điều ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Nam Sách, thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh với nhu cầu kinh phí dự kiến khoảng 130 tỷ đồng. Đây là những sự cố cần xử lý ngay, hoàn thành trước mùa mưa bão năm tới. Còn về lâu dài, từ trận lũ lịch sử vừa qua, tỉnh cũng nên xem xét, tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, tu bổ công trình đê điều để ứng phó diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, nhất là khi biến đổi khí hậu đang ngày càng căng thẳng, làm gia tăng mức độ khốc liệt của thiên tai.