"Lịch sử chữ quốc ngữ" đoạt giải Sách Hay 2024
"Lịch sử chữ quốc ngữ" của Phạm Thị Kiều Ly đoạt giải Sách Hay nhờ những tìm tòi về sự hình thành, phát triển của tiếng Việt.
Sách đoạt giải Phát hiện mới, một trong bảy hạng mục của giải thưởng do dự án Khuyến đọc Sách Hay và Viện Giáo Dục IRED phối hợp tổ chức.
Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) bắt nguồn từ luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly ở Đại học Sorbonne Nouvelle - Paris 3, năm 2018. Bảo vệ thành công, bà tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, bản thảo sau đó được Nhà xuất bản Les Indes Savantes ra mắt năm 2022 tại Pháp. Năm nay, Omega Books giới thiệu sách đến bạn đọc trong nước qua bản dịch của Thanh Thư.
Sách gồm sáu chương kèm phụ lục và bảng tra danh từ riêng, địa danh, đúc kết khoảng 300 năm hình thành và phát triển của tiếng Việt. Đó là quá trình từ khi các giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha và Italy, ở nửa đầu thế kỷ 17, cùng sáng tạo ra một thứ tiếng dùng để giao tiếp với người Việt, cho đến khi vua Khải Định chấm dứt khoa cử Hán học cuối cùng, tiếng Việt được chấp nhận trở thành chữ viết của nước Việt Nam hiện đại.
Tiến sĩ Kiều Ly có nhiều năm mày mò, sưu tầm nhiều tài liệu mới ở các khu lưu trữ tại Roma (Italy), Lisbon (Bồ Đào Nha), Madrid và Ávilla (Tây Ban Nha) cũng như làm việc với các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực ngôn ngữ để làm luận án tiến sĩ. Bà nhận thấy rằng các thừa sai ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin, nằm trong trào lưu chung của "ngữ học truyền giáo" thế kỷ 16. "Tuy nằm trong một trào lưu chung, việc chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam dưới tác động bối cảnh chính trị, xã hội lại là một trường hợp đặc biệt ở Đông Á", tác giả nhận định.
Tiến sĩ Trần Quốc Anh, đại học Santa Clara, California, nhận định công trình nghiên cứu này "là tác phẩm đầy đủ nhất từ trước đến nay" về chữ quốc ngữ. Còn đại diện giám khảo của Giải sách Hay cho rằng tác phẩm là công trình đáng ghi nhận và "đầy thú vị", giữa bối cảnh làng xuất bản trong nước khan hiếm sách nghiên cứu về nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ngôn ngữ.
Ngoài tác phẩm chính, bà Phạm Thị Kiều Ly còn thực hiện bản sách rút gọn với tên 100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ nhằm giúp độc giả phổ thông có thể tiếp cận chủ đề này theo hướng dễ dàng hơn. Trước đó, năm 2023, bà tóm tắt nội dung nghiên cứu thành một cuốn sách dành cho trẻ em với tên Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ, Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Hiện tác giả giảng dạy ở Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài hạng mục Phát hiện mới, giải dành cho tác phẩm văn học gây chú ý bạn đọc. Trong đó, Nắng Thổ Tang (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021) của tác giả Đinh Phương nhận được sự đồng thuận cao của hội đồng giám khảo để nhận giải sách hay, có cách tiếp cận mới mẻ về chủ đề lịch sử. Thổ Tang là quê của lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng - Nguyễn Thái Học. Sách được viết dựa trên cảm hứng lịch sử dân tộc với ba điểm nhấn: Cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân Đảng khởi xướng tại pháp trường Yên Bái năm 1930, phong trào rước Chúa vào Nam năm 1954 và sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam trong thập niên 1960.
Theo ông Nguyễn Chí Hoan, đại diện Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tiểu thuyết lịch sử những năm gần đây có chuyển biến mạnh và sâu, độc giả không còn hài lòng kiểu viết hồi tưởng, kể lại lịch sử chỉ với sự đau khổ, hối hận. Cuốn Nắng Thổ Tang gây ấn tượng với bạn đọc vì khám phá cách lịch sử sống cùng số phận con người, như ký ức và quá khứ không rời bỏ ai trong suốt cuộc đời.
Lễ trao giải diễn ra vào sáng 6/10, tại TP Hồ Chí Minh, thu hút hơn 500 người, gồm các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực và bạn đọc. ngoài phần vinh danh và trao giải, sự kiện còn là nơi để mọi người giao lưu, nói lên những tâm tư dành cho văn hóa đọc.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung - thành viên Hội đồng trao giải, trưởng Ban tổ chức - cho biết: "Nhiều người hỏi tôi rằng, trong thời đại thông tin và tri thức đầy rẫy trên môi trường số thì liệu sách có còn quan trọng như trước không. Tôi tin rằng, dù thông tin và tri thức tràn ngập, thì những tri thức nền tảng và tri thức tinh hoa cơ bản vẫn nằm trong sách, nhất là sách hay và sách quý. Miễn sách còn giá trị thì khuyến đọc vẫn sẽ còn giá trị trong bối cảnh mới".
Năm nay giải Sách Hay kỷ niệm 17 năm dự án Khuyến đọc - một hoạt động văn hóa, giáo dục phi lợi nhuận, với mục đích góp phần nâng cao dân trí và khai minh xã hội thông qua các chương trình đa dạng liên quan đến sách. Từ 2007 đến nay, dự án là nguồn cảm hứng và khởi xướng cho các phong trào khuyến đọc trong nước như: Ngày Sách Việt Nam, Sách cho Trại giam, Sách cho Vùng khó.