Đà Lạt đẹp và buồn
Có lẽ Đà Lạt là thành phố có nhiều tên gọi nhất, mà tên nào cũng thật lãng mạn, nghe như níu giữ lòng mình, như mở ra trong tâm tưởng những chân trời xanh thắm.
Thành phố buồn, thành phố “vừa đi đã mỏi”, thành phố cao nguyên, thành phố ngàn hoa… tất cả như nói với riêng ai rằng, được đến nơi đây là một may mắn, một niềm vui.
Tôi cũng mấy lần lên xứ hoa đào và lần nào cũng ngân lên những cảm xúc bồi hồi. Rất gần, vì như được trở về với kỷ niệm của mình, rất xa, vì mỗi góc phố, con đường ở đây bao giờ cũng có cảm giác lần đầu. Đà Lạt trẻ, mới… nhưng lạ thay ở đâu tôi cũng thấy sự trầm mặc, u hoài. Mấy ngày ngắn ngủi với công việc, tôi như người có lỗi với những con đường dốc lượn, với những Đồi Cù, Than Thở, Tuyền Lâm…
Mỗi người có cảm nhận riêng để khiến lòng mình như ngân lên mỗi khi về Đà Lạt. Nhưng với tôi đó là những triền thông và phong cách những ngôi nhà. Theo những con dốc như bờ xa ký ức, những rừng thông sau một mùa mưa dồi dào ân sủng, cây như gọi nắng về cho thêm mơn mởn. Không biết rặng thông già kia đã bao nhiêu lần gọi lá để hôm nay tôi thấy như rừng thiêng còn phảng phất đâu đây. Thông làm nên nội tâm của phố, người bên thông như giấy chứng nhận đất trời nơi đây vẫn còn những mê đắm cho một cõi đi về.
Ngoài rừng thông là những ngôi nhà, có cảm giác đó không chỉ là nơi để ở nữa, nó như những chiếc hộp bí ẩn chứa đầy kỷ niệm. Tôi nhìn theo những biệt thự yên tĩnh và trầm mặc kia, nơi những khung cửa sổ và những rèm trắng xa xôi như cố giữ hồn phách của mùi thơm nhân thế. Nhìn những ngôi nhà rất đẹp tôi cứ miên man cái “tiêu chuẩn” của người được ở trong ấy. Lạ thay không phải là chức quyền, giàu sang… mà chính là chiều sâu văn hóa, những tâm hồn biết buồn và vui mới xứng để vào ra những ngôi nhà trăm cái chẳng cái nào lặp lại ấy.
Đà Lạt đẹp và buồn. Cái buồn của sự im lặng cao quý. Sau những kiêu sa chợt thấy mất mát cái gì đó mơ hồ. Hình như sự tùy tiện trong quy hoạch và bất cẩn trong kiểm soát kiến trúc mà Đà Lạt không còn được vẻ đẹp ngày xưa? Hình như Đà Lạt bây giờ không còn cái se lạnh quyền quý cao nguyên. Ngồi trong xe, người anh dãi dầu giải thích như một tâm sự “Hiệu ứng nhà lồng đã ngăn trời và đất, đã làm cho mưa thơm không còn thấm vào đất ngọt nên Đà Lạt mất đi trầm mặc mưa rừng”. Tôi nghe mà dào lên niềm tự hỏi: Làm sao giữ lại được cái nguyên sơ? Lạnh ơi đừng mất!
Năm ngày cho một chuyến đi, tôi như người có lỗi khi thời gian dành ở Đà Lạt ngắn ngủi như một sự hò hẹn nửa chừng. Đà Lạt là nơi để nhớ, mỗi cành hoa ngọn cỏ nơi đây như là sự làm chứng cho sự mong đợi tâm hồn. Thanh liễu vào mùa, cảm ơn quầng mây chiều cao nguyên gợi cho tôi niềm trắc ẩn. Đà Lạt trong tôi…