Điểm lại những sự kiện quan trọng dẫn đến cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel
Những yếu tố nào đã “châm ngòi” cho cuộc chiến của Israel ở Gaza gần một năm trước lan rộng thành cuộc xung đột hiện nay?
Theo trang The Guardian (Anh), ngay sau cuộc tấn công từ đối thủ hàng đầu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Tehran đã “phạm một sai lầm lớn”.
Iran cho biết nước này đã khai hoả khoảng 180 tên lửa đạn đạo vào Israel để đáp trả vụ ám sát các thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hamas ở Palestine, Hezbollah ở Liban và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Một ngày trước đó, Israel đã phát động một cuộc tấn công trên bộ vào miền Nam Liban, mặc dù Hezbollah phủ nhận các binh sĩ Israel đã vượt biên giới.
Vậy những yếu tố nào đã “châm ngòi” cho cuộc chiến của Israel ở Gaza gần một năm trước lan rộng thành cuộc xung đột hiện nay? Trang Al Jazeera đã điểm lại những sự kiện quan trọng dẫn đến sự leo thang mới nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và các nước láng giềng trong khu vực.
Truyền thông Iran công bố video ghi lại cảnh phóng tên lửa vào Israel (Nguồn Reuters):
Ngày 8/10/2023 – Hezbollah và Israel bắt đầu đọ súng
Chỉ một ngày sau khi phong trào Hamas tấn công miền Nam Israel - cuộc giao tranh đã khiến 1.139 người thiệt mạng và trên 200 người bị bắt làm con tin - Israel và nhóm vũ trang Hezbollah ở Liban đã bắt đầu đọ súng qua biên giới. Kể từ đó, Tel Aviv đã dồn dập tấn công Dải Gaza để trả đũa và cuộc chiến đã kéo dài gần một năm.
Cho đến nay, cuộc xung đột ở Dải Gaza đã khiến ít nhất 41.000 người Palestine thiệt mạng - phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Ngày 8/10/2023, Hezbollah cho biết phong trào này đã phóng tên lửa dẫn đường và nã pháo vào ba căn cứ quân sự ở Shebaa Farms, khu vực biên giới, để thể hiện sự đoàn kết với người dân Palestine.
Shebaa Farms, khu vực Liban tuyên bố chủ quyền, đã bị Israel chiếm đóng trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967.
Quân đội Israel tuyên bố họ nã pháo đáp trả một khu vực của Liban, nơi đã xảy ra các cuộc khai hỏa xuyên biên giới.
Hỏa lực xuyên biên giới vẫn tiếp diễn gần như hàng ngày kể từ đó. Hezbollah - phong trào thành lập vào năm 1982 để chống lại cuộc xâm lược và chiếm đóng miền Nam Liban của Israel - cho biết họ sẽ chỉ ngừng tấn công Israel sau khi Tel Aviv chấm dứt chiến tranh ở Gaza.
Theo Dữ liệu về địa điểm và sự kiện xung đột vũ trang (ACLED), từ ngày 7/10/2023 đến ngày 6/9 năm nay, trong số 7.845 cuộc tấn công giữa hai lực lượng, có tới 82% cuộc tấn công do lực lượng Israel thực hiện. Ít nhất 646 người Liban đã thiệt mạng trong thời gian diễn ra cuộc tấn công. Hezbollah và các nhóm vũ trang khác chịu trách nhiệm đứng sau 1.768 vụ tấn công khiến ít nhất 32 người Israel thiệt mạng.
Ngày 1/4 – Israel tấn công lãnh sự quán Iran tại Damascus, Syria
Lãnh sự quán Iran tại Damascus đã bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel khiến 13 người thiệt mạng, bao gồm cả chỉ huy cấp cao IRGC, Thiếu tướng Mohammad Reza Zahedi và cấp phó của ông.
Israel từ lâu đã nhắm vào các cơ sở quân sự của Iran tại Syria, nhưng cuộc tấn công này đánh dấu lần đầu tiên TelAviv chọn mục tiêu là khu phức hợp ngoại giao. Iran đã thể sẽ đáp trả.
Ngày 13/4 – Iran phóng 300 tên lửa, thiết bị bay không người lái về phía Israel
Gần hai tuần sau vụ tấn công khốc liệt vào lãnh sự quán Iran tại Syria, Iran đã phóng loạt tên lửa và thiết bị bay không người lái vào Israel. Đây là lần đầu tiên Iran nã tên lửa trực tiếp vào lãnh thổ Israel.
Tuy nhiên, theo quân đội Israel, phần lớn các quả đạn từ Iran đã bị chặn bên ngoài biên giới của quốc gia này với sự hỗ trợ của Mỹ, Vương quốc Anh và Pháp. Jordan cũng đã giúp bắn hạ một số tên lửa bay qua không phận của nướcnày.
Đáng chú ý, một bé gái Israel 7 tuổi đã bị thương nặng do các mảnh vỡ tên lửa từ vụ tấn công, một số người khác bị thương nhẹ. Theo các quan chức Mỹ, cuộc tấn công trên không của Iran kéo dài 5 giờ.
Ngày 31/7 – Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát
Rạng sáng 31/7, thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas, ông Ismail Haniyeh, đã bị ám sát tại thủ đô Tehran của Iran, khi một cuộc không kích nhằm trúng tòa nhà nơi ông đang ở. Hamas và Iran đổ lỗi cho Israel đứng sau vụ ám sát, xảy ra chỉ vài giờ sau khi Israel nhắm vào một thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah tại Beirut.
Cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Qassam, cho biết vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh đã đưa cuộc chiến với Israel lên “mức độ mới” và cảnh báo về “hậu quả to lớn đối với toàn bộ khu vực”.
Ngày 23-27/9, Israel không kích Liban
Vào ngày 23/9, quân đội Israel đã tiến hành hơn 650 cuộc không kích vào khoảng 1.600 mục tiêu của Hezbollah trên khắp Liban. Các cuộc không kích diễn ra trên khắp đất nước – từ Bint Jbeil và Aitaroun ở phía nam, cho đến Baalbek ở thung lũng Bekaa phía bắc.
Chỉ trong 4 ngày, từ ngày 23 – 27/9, các cuộc không kích của lực lượng Israel đã khiến trên 700 người Liban thiệt mạng. Trong số đó, có 50 trẻ em và 94 phụ nữ. Ngày 27/9, Israel tuyên bố thủ lĩnh kỳ cựu lãnh đạo phong trào Hamas suốt 32 năm, ông Hassan Nasrallah, đã thiệt mạng.
Theo truyền thông Israel, Quân đội nước này đã nhận trách nhiệm đứng sau vụ ám sát, diễn ra trong một cuộc tập kích quy mô lớn vào khu dân cư ở vùng ngoại ô Beirut bằng 85 quả bom phá boongke. Công ước Geneva đã cấm sử dụng loại bom này ở các khu dân cư và các khu vực đông đúc.
Bộ Y tế công cộng Liban thông báo ít nhất 1.835 người đã bị thương trong các cuộc tập kích của Israel.
Vào ngày 24/9, phong trào Hezbollah đã trả đũa bằng một cuộc không kích bằng thiết bị bay không người lái nhắm vào căn cứ hải quân Atlit của Israel ở phía nam Haifa.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), các cuộc tấn công của Israel vẫn tiếp diễn. Ít nhất một triệu người Liban đã phải sơ tán. Trong đó, 90% người dân đã di dời trong tuần trước ngày 1/10, nhiều người buộc phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” - trên đường phố, bãi biển, công viên hoặc trong xe hơi.
Xung đột đã lan rộng như thế nào?
Ông Trita Parsi, Phó giám đốc điều hành viện nghiên cứu Quincy Institute tại Washington, bình luận nếu có nỗ lực thực sự nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza ngay từ đầu, tình huống này sẽ không diễn ra.
“Yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng leo thang hiện nay là lập trường của Mỹ trong việc tìm cách ngăn chặn Iran, các lực lượng uỷ nhiệm và các đối tác của nước này trong khu vực trả đũa Israel. Nhưng ngay từ đầu, họ đã không hành động để ngăn chặn Israel leo thang”, ông nói.
Theo nhà phân tích này, nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden gây áp lực buộc Israel không leo thang, thì nỗ lực ngăn chặn các nước khác leo thang của ông sẽ thành công hơn. Thay vào đó, ông Biden đã quyết định cho phép Israel leo thang và bảo vệ nước này.