Tổng thống Ukraine: Phương Tây "chưa sẵn sàng" bắn hạ tên lửa Nga
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng Mỹ và các đồng minh đang trì hoãn việc chuyển giao vũ khí cho Kiev và vẫn chưa sẵn sàng hành động để bảo đảm năng lực phòng không của Ukraine.
Ngày 3/10, Tổng thống Zelensky đã gặp tân Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Mark Rutte. Ông Rutte đã đến thăm Kiev chỉ hai ngày sau khi tiếp quản vị trí đứng đầu khối quân sự do Mỹ dẫn đầu.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục các đối tác của mình về nhu cầu bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga”, ông Zelensky nói với truyền thông, lưu ý rằng phương Tây “vẫn chưa sẵn sàng”.
Kiev đã cố gắng thúc giục các nước NATO mở rộng phạm vi phòng không tới lãnh thổ Ukraine trong nhiều tháng, với lý do các hệ thống tên lửa do phương Tây tài trợ không thể đối phó với các đợt tấn công sắp tới của Nga.
Hồi tháng 7, Ukraine đã ký một hiệp ước an ninh với Ba Lan theo các điều khoản này. Tuy nhiên, nhưng Warsaw đã rút lại thoả thuận, viện dẫn lý do cần phải tham vấn với NATO.
Tại cuộc họp báo với ông Rutte, ông Zelensky nhấn mạnh Ukraine cần số lượng và chất lượng vũ khí đủ lớn để xoay chuyển tình thế trên chiến trường - bao gồm cả vũ khí tầm xa, mà theo ông đang bị các đối tác của Kiev trì hoãn cung cấp.
Tân Tổng thư ký NATO cho biết ông đã chọn Kiev là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du lần này để khẳng định rõ ràng với người dân Ukraine và với mọi người đang dõi theo rằng NATO luôn sát cánh cùng Ukraine.
Ông Rutte, từng đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Hà Lan, cũng chia sẻ với nhà lãnh đạo Ukraine rằng “ưu tiên và đặc quyền” của ông là ủng hộ Kiev và làm việc để đảm bảo Kiev sẽ thắng thế. Ông cũng cam kết rằng sẽ có ngày Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của NATO. Ông nhấn mạnh về vấn đề này, Nga không có quyền bỏ phiếu và không có quyền phủ quyết.
Tuy nhiên, ông Rutte đã né tránh các câu hỏi về việc cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine và hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây đôi với Kiev. Ông lưu ý rằng điều này không phải do NATO quyết định, mà phải do từng thành viên của khối quyết định.
“Dĩ nhiên, việc bắn hạ thiết bị bay không người lái hoặc tên lửa xâm phạm lãnh thổ của đồng minh là quyết định của chính quyền các quốc gia”, ông Rutte nói. Ông giải thích rằng do điều này cũng ảnh hưởng đến NATO, các quốc gia thành viên vẫn đang tham vấn chặt chẽ khi những tình huống này phát sinh.
“Về các hạn chế đối với vũ khí chuyển giao cho Ukraine, điều đó tùy thuộc vào quyết định của từng đồng minh và không phải của NATO”, ông Rutte nhấn mạnh song nói rằng khối có ý định thảo luận vấn đề này tại cuộc họp ngày 12/10 tới.
Tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng vấn đề không phải là phương Tây có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga hay không, mà thực tế là vũ khí tầm xa không thể được sử dụng nếu không có sự tham gia trực tiếp của quân đội phương Tây.
“Điều này có nghĩa là các thành viên NATO, Mỹ, các nước châu Âu đang chiến đấu chống lại Nga. Điều này sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột Ukraine và buộc Nga phải đưa ra những quyết định tương xứng”, ông Putin cảnh báo vào thời điểm đó.