Vì sao anh em rể được gọi là anh em cọc chèo?
Câu “chị em bạn dâu, anh em cột chèo” dùng chỉ những người cùng là dâu hoặc là rể trong một nhà, chị em bạn dâu thì dễ hiểu, còn "cột chèo" (hoặc cọc chèo) có nghĩa gì?
Trong tiếng Việt, cả 2 cụm từ “anh em cột chèo” và “anh em đồng hao” đều để nói về những người đàn ông cùng làm rể trong một gia đình, có nghĩa vợ của họ là chị em ruột.
Vì sao gọi là anh em cọc chèo?
Từ "cọc chèo" hay "cột chèo" dùng để chỉ chiếc cột ở mạn thuyền dùng để buộc mái chèo. Cột chèo được đóng vào mũi, lái của xuồng ghe, làm trụ để mắc chèo vào. Thường đã là mối buộc thì phải chắc chắn, nhưng mối buộc ở cọc chèo lại rất lỏng lẻo, cốt để cho mái chèo dễ dàng khua trong nước, cũng như mối quan hệ anh em rể thường không quá gắn bó với nhau.
Cách gọi "anh em cột chèo" mang đậm dấu ấn sông nước được cho là xuất phát từ cuộc sống của người miền Nam, nơi có nhiều sông, kênh rạch, việc di chuyển bằng xuồng, ghe rất phổ biến.
Về cụm từ "anh em đồng hao", nhiều người giải thích rằng đồng hao" là tên một loại rau dại có rễ mọc rất nông, rất dễ nhổ, chỉ cần kéo nhẹ đã có thể làm bật gốc cả nắm. Hình ảnh này cũng ngụ ý mối quan hệ giữa hai anh em rể rất lỏng lẻo, có thể dễ dàng tách nhau. Đây là cách gọi của người miền Bắc, nơi có nhiều loại rau này.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa các anh em rể trong gia đình Việt Nam không gắn bó chặt chẽ bằng chị em dâu. Người Việt có câu "dâu con rể khách"; các nàng dâu có rất nhiều nghĩa vụ với nhà chồng nên sẽ gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên hơn trong cả ngày thường lẫn khi nhà có việc, có nhiều tương tác và cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của nhau nhiều hơn. Trong khi đó, con rể thường ít nghĩa vụ, ít có dịp xuất hiện cùng nhau hơn nên quan hệ cũng lỏng lẻo.
Tuy nhiên, điều này cũng chỉ là tương đối, quan hệ gia đình thân thiết hay lạnh nhạt còn tùy thuộc vào cách đối nhân xử thế trong từng nhà. Ở nhiều gia đình, các anh em cọc chèo thực sự là bạn bè, anh em thân thiết, cùng nhau vun đắp đại gia đình ấm cúng, chia nhau gánh vác những việc khó khăn khi cha mẹ vợ cần.