Gia đình

Giữ nếp nhà "tứ đại đồng đường" ở Hải Dương

ĐỖ QUYẾT - VĂN TUẤN 07/10/2024 07:00

Nền nếp gia phong của những gia đình "tứ đại đồng đường" - 4 thế hệ cùng chung sống - đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh ở Hải Dương.

img_2362.jpeg
Gia đình cụ Đỗ Văn Thưỡi có 4 thế hệ sinh sống chung một mái nhà

Gìn giữ nếp nhà xưa

Gia đình cụ Đỗ Văn Thưỡi (94 tuổi) là một trong những gia đình “tứ đại đồng đường” điển hình ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Cụ có 4 người con gồm 3 trai, 1 gái. Trước đây, dù nghèo khó nhưng vợ chồng cụ vẫn chăm lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Hiện các con của cụ đều thành đạt, người là sĩ quan quân đội, người làm bác sĩ, người là cán bộ ở địa phương... Về già, vợ chồng cụ Thưỡi ở với người con trai thứ 2. Hằng ngày, 8 thành viên ở 4 thế hệ vẫn sống cùng một mái nhà trong không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận.

94 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, cụ Thưỡi luôn là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo. Trong nhà mỗi thành viên một tính cách nhưng hiếm khi nào gia đình cụ xảy ra những tiếng cãi vã hay mâu thuẫn với nhau. Theo cụ Thưỡi, để giữ cân bằng giữa các thành viên, bậc làm cha, mẹ bao giờ cũng phải nêu gương trước con cái, cháu chắt, phải biết phân biệt đúng sai, nắm được tâm lý của từng người mới có thể dễ dàng dạy dỗ, bảo ban.

"Đối với gia đình chúng tôi, truyền thống và lịch sử là điều rất quan trọng. Ông nội tôi luôn dạy con cháu phải biết hướng về cội nguồn, tổ tiên. Cần quan tâm, chăm sóc, hiếu thuận với ông bà, bố mẹ và không ngừng phấn đấu vươn lên. Chúng tôi luôn coi những lời dăn dạy của ông bà là kim chỉ nam trong cuộc sống và giáo dục con cái", anh Đỗ Văn Phong, cháu nội cụ Thưỡi cho biết.

Giữa nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, gia đình cụ Đào Văn Năm (94 tuổi) ở TP Hải Dương vẫn giữ được nếp nhà xưa. Trong căn nhà nhỏ, 4 thế hệ của gia đình cụ vẫn đang sinh sống hoà thuận, đùm bọc lẫn nhau. Theo cụ Năm, cụ có 8 người con và gần 40 cháu, chắt. Vợ chồng cụ đang ở với người con trai cả năm nay đã 67 tuổi. Trước đây, cụ sống bằng nghề làm nông nghiệp nhưng vẫn cố gắng nuôi dạy các con nên người. Hiện kinh tế không con khó khăn như trước nhưng cụ vẫn giữ lại căn nhà ba gian để làm nơi thờ cúng tổ tiên nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội.

Làm dâu trong một gia đình 4 thế hệ gần 40 năm nay, bà Đoàn Thị Liên, con dâu cụ Năm luôn nhận được sự quan tâm, dạy bảo của bố mẹ, ông bà. Tiếp nối nền nếp của những người đi trước, bà Liên tiếp tục làm gương dạy bảo con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và lễ phép với mọi người. Bà Liên cho biết, cụ Năm nguyên là cán bộ địa phương, sống rất liêm khiết và hoà đồng với mọi người. Cụ luôn dạy con cháu phải chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và những quy định của địa phương. Các thành viên trong gia đình cần hoà thuận, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để tạo môi trường giáo dục tốt cho con cháu.

Gắn kết tình cảm gia đình

img_5886.jpeg
Bà Đoàn Thị Liên dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ chồng trong ngôi nhà "Tứ đại đồng đường"

Cụ Nguyễn Văn Giang ở thôn Dưỡng Thái Nam, xã Phúc Thành (Kim Thành) cũng có một gia đình 4 thế hệ cùng chung sống. Cụ Giang năm nay đã 95 tuổi, tóc bạc trắng nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Hằng ngày, cụ vẫn phụ các con trông nom, dạy bảo cháu, chắt. Lúc rảnh, cụ thường kể chuyện về thời kỳ gian khó, khi đi làm cách mạng... để các cháu hiểu hơn về lịch sử dân tộc và truyền thống cách mạng của gia đình. Đặc biệt, cụ luôn động viên, khuyến khích con cháu chăm chỉ học hành, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau.

"Người già là gốc rễ, nguồn cội của gia đình. Do đó, họ không chỉ là tấm gương sáng mà còn là sợi dây liên kết giữa các thành viên. Tôi vẫn luôn dạy bảo con cháu phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Các mâu thuẫn trong gia đình phải được nhìn nhận, phân xử một cách khéo léo và thấu tình, đạt lý", cụ Giang cho biết.

Hiện nay, đa số các cặp vợ chồng trẻ đều có xu hướng muốn ra ở riêng để chủ động cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không biết sắp xếp thời gian sẽ mang tới nhiều hệ luỵ, do con trẻ rất dễ thiếu thốn tình thương và định hướng từ bố mẹ. Theo anh Đỗ Văn Phong, cháu nội cụ Thưỡi, hiện nay thế hệ trẻ thích cuộc sống tự do, suy nghĩ và lối sống đơn giản nên rất hiếm người muốn chung sống với ông bà, bố mẹ. Nhưng với anh, việc sống trong gia đình đa thế hệ có nhiều lợi thế. Các cụ sống vui vẻ hơn khi được phụ giúp con cái làm việc nhà hoặc trông nom cháu chắt. Mặt khác, lớp trẻ có nhiều cơ hội, thời gian hơn để quan tâm, phụng dưỡng người già. Sự yêu thương, gắn bó của các thành viên trong gia đình là sợi dây gắn kết mọi người lại với nhau. Nhờ sự giáo dục của các thế hệ đi trước nên mọi thành viên trong gia đình anh Phong rất đoàn kết, hoà thuận, sống tử tế.

"Chúng tôi luôn quan niệm gia đình là một bức tranh và các thành viên là những mảnh ghép không thể thiếu. Do đó mọi chuyện vui, buồn đều được chúng tôi chia sẻ để mọi người tham gia góp ý, động viên kịp thời. Tôi rất vui khi gia đình vẫn duy trì được tập tục vào mỗi dịp lễ, Tết hay giỗ chạp, con cháu sẽ tập trung đông đủ để nấu bữa cơm đoàn viên tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm", anh Phong chia sẻ.

Nhiều năm qua, hầu hết các gia đình "tứ đại đồng đường" ở Hải Dương luôn thể hiện được sự hòa thuận, gắn bó chặt chẽ về tình cảm huyết thống. Các thành viên trong những gia đình này có nhiều điều kiện để giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần. Từ đó đã tạo nên một cộng đồng văn hoá, văn minh ở địa phương. Mặc dù còn không ít khó khăn, rào cản nhưng các thành viên trong gia đình "tứ đại đồng đường" luôn ý thức được rằng họ đang góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.

ĐỖ QUYẾT - VĂN TUẤN