Cách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà có nghĩa là người cao tuổi được hưởng sự quan tâm, chăm sóc về sức khỏe, tâm sinh lý một cách thoải mái nhất ở ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính như các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, suy dinh dưỡng… Tất cả những điều này đều làm suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người cao tuổi là những người có nhu cầu cao về chăm sóc sức khỏe. Không chỉ cần tình yêu thương, sự kiên nhẫn, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn cần quan tâm đến tất cả các vấn đề về thể chất, tinh thần.
Những bí quyết duy trì sức khỏe
- Tham gia các hoạt động xã hội: Để người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội để họ cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi được tiếp xúc với nhiều người, giúp họ giảm bớt cảm giác chán nản, mệt mỏi. Các hoạt động xã hội đa dạng như tập thể dục, thể thao, yoga, dưỡng sinh, đi bộ, thiền định; tham gia vào các hội, nhóm ở địa phương; tham gia vào các hoạt động phường, xã…
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Chế độ ăn uống của người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu bệnh tật, nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Nên nhớ người cao tuổi không nên ăn quá no, các bữa ăn nên được chia nhỏ thành 5-6 bữa trong ngày. Món ăn nên được chế biến đa dạng để tạo cảm giác thèm ăn và hạn chế ăn đồ ăn nhanh hoặc đồ ăn sẵn mua bên ngoài.
- Có chế độ ăn hợp lý nhiều dinh dưỡng từ thực vật, giảm chất béo: Bên cạnh việc quan tâm đến chế độ ăn trong ngày, chúng ta cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong các món ăn. Những lời khuyên hữu ích được đưa ra như: Luôn bảo đảm đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: chất đạm, chất đường bột, chất béo, các vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, thành phần mỗi chất cần căn chỉnh cho phù hợp với người cao tuổi; chế độ ăn hằng ngày có nhiều rau xanh, củ, quả chín và giảm bớt thịt; không nên ăn nhiều nội tạng động vật như tim, gan, lòng, dạ dày…; nên ăn các loại tôm, cua, cá nhiều hơn; giảm bớt chất béo trong bữa ăn; không ăn quá nhiều chất ngọt, không nên ăn quá mặn hoặc chua quá.
Nếu chế độ ăn hằng ngày không bảo đảm đủ dưỡng chất thì có thể bổ sung thêm các chất dinh dưỡng thiết yếu thông qua thực phẩm chức năng như các loại sữa có công thức đầy đủ và cân đối dinh dưỡng... Những loại sữa này sẽ bổ sung chất béo có lợi như: Mufa, Pufa tốt cho tim mạch; giàu canxi, vitamin D và photpho hỗ trợ rất tốt cho hệ xương khớp; chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa của người cao tuổi.
- Không quên chăm sóc sức khỏe tinh thần: Người cao tuổi thường hay cảm thấy cô đơn khi phải ở nhà một mình. Vì vậy nên thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc người cao tuổi. Đây là liều thuốc tốt nhất để giúp họ vui vẻ hơn, yêu đời hơn. Hãy thường xuyên gọi điện hỏi thăm, cho con cháu lên chơi với ông bà; đưa ông bà đi du lịch với gia đình...
- Khám sức khỏe định kỳ: Việc khám sức khỏe định kỳ là một hoạt động vô cùng cần thiết khi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vì điều trị cho người cao tuổi rất khó khăn và mất nhiều thời gian, đồng thời khả năng hồi phục của người cao tuổi cũng rất kém. Việc tầm soát sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời, giúp hạn chế bệnh tái phát hoặc điều trị dứt điểm ngay từ khi bệnh còn mới.