Sống buông thả, nhiều người trẻ mắc bệnh... người già
Lối sống buông thả là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng người trẻ tại Hải Dương mắc các căn bệnh chủ yếu gặp ở người già đang ngày càng nhiều.
Ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường là những bệnh không lây nhưng rất nguy hiểm, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người mỗi năm. Nhiều năm trước, những bệnh này thường gặp ở người cao tuổi, người trẻ cũng có mắc nhưng không nhiều.
Mô hình bệnh tật đã và đang có chiều hướng thay đổi trong vài năm gần đây. Tỷ lệ người trẻ tuổi mắc những căn bệnh trên đang tăng lên. 9 tháng năm nay, trong số hàng nghìn bệnh nhân bị đột quỵ đến cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương có khoảng 10% là người trẻ tuổi; trong đó có 1 người mới 12 tuổi và 1 người 31 tuổi.
Những năm trước, bệnh nhân mắc ung thư ở Hải Dương chủ yếu ở người 60 tuổi trở lên thì nay độ tuổi trung bình trẻ dần. Những trường hợp mới ngoài 30 tuổi mắc ung thu dạ dày, đại trực tràng, vòm họng đã không còn hiếm gặp. Bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính vốn chỉ gặp ở nhóm người từ 60 tuổi trở lên thì nay cũng bắt đầu xuất hiện ở nhóm trẻ tuổi hơn...
Tình trạng trẻ hoá các bệnh không lây nhiễm rất đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Song, có nguyên nhân xuất phát từ lối sống thiếu kiểm soát của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Đêm đến, thay vì ngủ đủ giấc để có năng lượng tích cực cho một ngày mới làm việc, học tập hiệu quả thì có một bộ phận giới trẻ lại "ôm" máy tính, điện thoại để... "cày" game. Nhằm giúp cơ thể tỉnh táo, họ uống cà phê, nước ngọt, ăn đồ ăn nhanh. Họ không thấy ngay những hệ luỵ, nhưng về lâu dài những thói xấu này sẽ khiến sức đề kháng, hệ thần kinh bị tổn hại nghiêm trọng và gây ra những căn bệnh nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đang trở thành trào lưu của không ít người trẻ tuổi. Bây giờ, chẳng khó để bắt gặp hình ảnh những "cậu ấm, cô chiêu" chỉ 13-15 tuổi đã phì phèo hút thuốc. Những làn khói mờ ảo, chứa đựng hàng nghìn độc tố đang dần giết hại sức khoẻ của chính bản thân những người này và cả những người xung quanh...
Các chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo hệ quả khôn lường của việc thường xuyên sử dụng nước ngọt, đồ uống có gas, nhất là rượu bia, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, lười vận động... Nhưng nhiều người trẻ chủ quan, bỏ ngoài tai những cảnh báo này để rồi phải lãnh những hậu quả nặng nề về sức khoẻ. Từ đầu năm đến nay, một thanh niên mới 33 tuổi ở huyện Bình Giang đã nhiều lần phải nhập viện điều trị đồng thời các bệnh tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, tim mạch. Từ khi còn là học sinh THPT, thanh niên này đã duy trì thói quen uống nước ngọt, hút thuốc lá hằng ngày.
Những nguyên nhân từ ô nhiễm môi trường, tồn dư hoá chất trong thực phẩm hay lạm dụng thuốc cũng là tác nhân khiến người trẻ dễ mắc các bệnh mạn tính hơn thế hệ trước.
Trẻ hoá các bệnh không lây nhiễm sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho chính người bệnh, gia đình và xã hội. Hệ luỵ này ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi, làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực...