Giao thông - Đô thị

Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp vận tải Hải Dương

PV 04/10/2024 10:37

Thời gian qua, khối doanh nghiệp vận tải của Hải Dương nỗ lực phục hồi, bắp nhịp lại với quỹ đạo kinh doanh sau cú sốc dịch bệnh và suy thoái kinh tế.

46ffee900736a168f827.jpg
Taxi xanh SM có khoảng 350 xe tại thị trường Hải Dương

Khả quan hơn

Bà Phạm Thị Mai ở xã Tân Hương (Ninh Giang) bị bệnh lý liên quan đến thận nên hằng tháng thường xuyên phải lên các bệnh viện tuyến trung ương thăm khám. Bà là khách quen trên những chuyến xe khách tuyến cố định Ninh Giang – Hà Nội nhiều năm nay. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vận tải hành khách liên tỉnh bị dừng hoạt động để phòng chống dịch, bà Mai đành phải đi taxi từ nhà lên bệnh viện. “Đi taxi thì được đưa đón tận nơi nhưng đắt đỏ, cộng với tiền thuốc men, chi phí khám chữa bệnh cả vài triệu đồng nên với tôi càng thêm gánh nặng. Mỗi lần đi xe khách dù phải ra điểm đón và bắt xe ôm vào viện nhưng tiết kiệm hơn”, bà Mai chia sẻ. Từ khu vực nhà bà Mai đi Hà Nội cũng có nhiều lựa chọn và nhiều nhà xe chạy tuyến cố định từ Bến xe Ninh Giang đi Bến xe Yên Nghĩa, Gia Lâm, Giáp Bát… nếu chẳng may nhỡ chuyến này có thể đổi sang chuyến khác mà không phải chờ đợi quá lâu. Việc đi lại giữa các nơi trong tỉnh hoặc giữa Hải Dương với các tỉnh, thành phố khác cũng có nhiều thuận lợi.

Từ cuối năm 2023, hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa của Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Tuấn Minh (TP Hải Dương) đã bớt ảm đạm và đến đầu năm 2024 bắt đầu khởi sắc. Doanh nghiệp có 30 đầu ô tô kéo, chuyên vận chuyển các sản phẩm linh kiện từ cửa khẩu Lạng Sơn tới các tỉnh, thành phố trong cả nước. 9 tháng năm 2024, trung bình mỗi tháng công ty nhận từ 100-120 chuyến hàng, tăng từ 40-60 chuyến so với năm 2023. Ông Ngô Bá Hiến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Tuấn Minh cho biết giai đoạn từ 2021-2023 là thời điểm vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp vận tải. Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc lưu thông bị gián đoạn do giãn cách xã hội, hoạt động vận tải "đóng băng". Khi dịch bệnh được kiểm soát thì cũng là lúc nền kinh tế “ngấm đòn” nên doanh nghiệp vận tải phải cầm cự. Có những lúc xe phải “đắp chiếu” trong bãi, cả ngày không có đơn hàng nào hoặc có chạy thì lượng khách rất ít. Hiện tại, tình hình đã khả quan hơn, các doanh nghiệp vận tải bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại.

Ngoài vận tải hàng hoá thì vận tải hành khách cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Có mặt tại Hải Dương từ tháng 11/2023, thương hiệu taxi Xanh SM của Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM - chi nhánh Hải Dương chiếm được nhiều thiện cảm của khách hàng. Hiện doanh nghiệp có tổng số 350 xe trên địa bàn Hải Dương. Ngoài các dòng xe thông dụng như VinFast VF5, VF34 để đáp ứng nhu cầu di chuyển thông thường thì doanh nghiệp đã triển khai dịch vụ Luxury Car với dòng xe VinFast VF8 nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn, chất lượng hơn cho khách hàng. 9 tháng năm 2024, trung bình mỗi ngày công ty phục vụ gần 1.900 lượt khách, tăng 25% so với năm 2023. Ông Lê Khả Lan, Trưởng phòng Vận hành tại Chi nhánh Hải Dương cho biết để khai thác thị trường Hải Dương, doanh nghiệp chú trọng tới xây dựng hình ảnh và chăm sóc khách hàng. Vì thế, dù là đơn vị mới nhưng việc tiếp cận khách hàng tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển ổn định và lâu dài thì doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Áp lực

Theo Sở Giao thông vận tải, hiện toàn tỉnh có 10.560 xe vận tải hàng hoá của 850 doanh nghiệp và 4.500 hộ kinh doanh. Vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh có 302 xe hoạt động. Trong đó có 229 xe của 26 doanh nghiệp trong tỉnh và 73 xe của 26 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Toàn tỉnh cũng có 150 xe buýt của 14 doanh nghiệp hoạt động trên 12 tuyến tới các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Ngoài ra, tỉnh còn có 648 xe taxi của 13 doanh nghiệp và 1.730 xe chạy hợp đồng. Hoạt động vận tải tại Hải Dương tương đối đa dạng với nhiều loại hình dịch vụ.

5ff0165050f6f6a8afe7.jpg
9 tháng năm 2024, tăng trưởng ngành vận tải của Hải Dương đạt 13%

9 tháng năm 2024, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải là 11.587 tỷ đồng, tăng 1.331 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, tương đương với tăng 13 %.

So với các nhóm ngành khác, đây là mức tăng trưởng khả quan, góp phần đánh dấu sự phục hồi của ngành vận tải sau thời gian tương đối dài chống chọi với dịch bệnh, suy thoái kinh tế và giá nhiên liệu leo thang. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng vẫn tương đối chậm, các doanh nghiệp vận tải ở Hải Dương vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, cần phải có cú huých để trở lại trạng thái phát triển ổn định như thời điểm trước dịch Covid-19.

Công ty TNHH Triệu Phố (Thanh Miện) có hơn 60 đầu xe hoạt động đa dạng ở các dịch vụ vận tải từ xe buýt, xe tuyến cố định, du lịch, hàng hoá, tới phục vụ đưa đón công nhân khu công nghiệp. Nhờ vậy doanh nghiệp phân tán và giảm bớt phần nào rủi ro trong kinh doanh. Ông Triệu Duy Lưu, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Phố cho biết trong năm 2024, doanh thu trung bình của doanh nghiệp từ 1,5-2 tỷ đồng, cao hơn từ 30-50% so với các năm 2021, 2022, 2023 nhưng chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước dịch. Hiện chuỗi sản xuất đang dần được kết nối trở lại nên thời gian tới dịch vụ vận tải sẽ có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển. Thế nhưng các doanh nghiệp vận tải cũng gặp phải không ít trở ngại khi các loại chi phí như tiền bảo dưỡng, phí đường bộ, ăn uống của lái xe… đều tăng. “Dịch vụ vận tải chỉ là một mắt xích trong nền kinh tế. Trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực đều đang vượt khó vươn lên, doanh nghiệp vận tải cũng mong muốn được hỗ trợ, chia sẻ về chính sách thuế, vốn ưu đãi để có thể yên tâm khôi phục hoạt động kinh doanh”, ông Lưu nêu quan điểm.

ce87c50cbdad1bf342bc.jpg
Vận tải hành khách công cộng vẫn gặp nhiều khó khăn

Công ty TNHH Huy Hoàng (Gia Lộc) chuyên về dịch vụ vận tải hành khách cũng đang gặp áp lực lớn bởi ngoài phải đối mặt với sự cạnh tranh của đơn vị khác thì hạ tầng bến bãi cũng là rào cản. Ông Nguyễn Công Tới, Giám đốc Công ty Huy Hoàng cho hay, hiện khách hàng có nhiều lựa chọn, nhất là khi phương tiện cá nhân ngày càng nhiều. Vì vậy, hạ tầng bến bãi phải bảo đảm, thuận tiện cho di chuyển thì mới đáp ứng được yêu cầu của hành khách. Khi chất lượng các dịch vụ được nâng cao thì các doanh nghiệp vận tải mới có thể “sống khoẻ”.

PV