Kinh tế

"Bức tranh" cụm công nghiệp Hải Dương: Sáng - tối đan xen

PV 01/10/2024 16:30

Việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn Hải Dương đã tạo thêm đất cho doanh nghiệp, nhưng "bức tranh" này hiện nay có hai màu sáng - tối.

BỨC TRANH CỤM CÔNG NGHIỆP HẢI DƯƠNG-2

Cùng với các khu công nghiệp, việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn Hải Dương đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư vào phát triển công nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, áp dụng khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều cụm công nghiệp đang gặp những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để bức tranh cụm công nghiệp thêm sáng màu.

10(1).jpg
5(1)-d12cd8d79aca9e840f452bac85a45f21.jpg
Cụm công nghiệp Lương Điền I (Cẩm Giàng)
6-a45ca37379889526e8b258ddf7aecd53.jpg
là một trong những mô hình điểm trong phát triển các cụm công nghiệp của Hải Dương
1(1)-ec0ffbd4c9786bb7f8a5425ddcf272d5.jpg
với hệ thống điều khiển, quan trắc nước thải hiện đại
3(1)-5a11dd53b13849b050106041308a1302.jpg
cùng đội ngũ kỹ sư thường xuyên kiểm tra
4(1)-2b8b061de39bdd7842983e305ee5a1e1.jpg
bảo đảm an toàn môi trường

Cụm công nghiệp Lương Điền I ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trường Dương làm chủ đầu tư là một trong những mô hình điểm trong phát triển các cụm công nghiệp của Hải Dương.

Chủ đầu tư cụm công nghiệp này được tỉnh giao đất vào khoảng năm 2010, đến năm 2014 đã lấp đầy. Cụm có quy mô trên 40 ha, hạ tầng hiện đại, hiện là “bến đỗ” của 12 doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng số hơn 9.000 công nhân, lao động trong các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ và các ngành nghề sản xuất sạch.

Nếu như ở nhiều cụm công nghiệp khác, vấn đề xử lý môi trường còn nan giải thì ở cụm công nghiệp này, vấn đề đã được giải quyết. Ông Bùi Văn Đà, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Dương cho biết: “Năm 2019, hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Lương Điền chính thức đi vào hoạt động, có công suất xử lý 1.000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Hiện nhu cầu xử lý nước thải tại cụm mới chỉ đạt ¼ công suất của hệ thống (tương đương 250m3/ngày đêm). Chúng tôi đã xây dựng các công trình như khu ép bùn, kho chứa rác thải nguy hại, hồ ứng phó xử lý sự cố, hệ thống quan trắc môi trường tự động… theo quy định. Cụm công nghiệp này có hệ thống xử lý nước thải tập trung được kiểm soát chặt chẽ đầu ra, không gây ô nhiễm môi trường”.

Ông Bùi Văn Đà, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Dương

Việc quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất gia đình. Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát ở cụm công nghiệp Hưng Thịnh (Bình Giang) là một ví dụ. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất, lắp ráp máy nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, trong đó nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia như máy xay xát gạo, máy đầm dùi, máy bơm nước, máy rửa xe...

7-1147be2cda5e6a25201c1160f3edea5e.jpg
Nằm trong cụm công nghiệp Hưng Thịnh (Bình Giang)
9-47cd010434ec8a4da80f409be20cce1e.jpg
Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát chuyên sản xuất các máy móc phục vụ nông nghiệp
10(2)-5c9593fe6d6cbb3aac4068799f585b29.jpg
Với dây chuyền sản xuất hiện đại
8-d9d4e2dd42fa61b8b653a14825152c01.jpg
nhân lực có trình độ chuyên môn cao
11(1)-45ff4263b5ce42cb1a007c0859739f12.jpg
cùng dịch vụ chất lượng
12-e776800151bdb27ab1ae1d7bdf967f15.jpg
Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát đã khẳng định thương hiệu trên thị trường

Theo anh Nguyễn Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm máy nông nghiệp, động cơ điện… cùng loại với sản phẩm của Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát. Vì vậy việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã và giảm chi phí sản xuất là một trong mục tiêu được công ty đặt lên hàng đầu. Công ty luôn chú trọng đến việc cải tạo, đầu tư nhiều máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu thời gian vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, qua đó tăng khả năng cạnh tranh, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

1(2).jpg

Hiện nay công ty đang tạo việc làm cho hơn 140 lao động với mức thu nhập trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng. Bình quân hằng năm, công ty sản xuất 120.000 sản phẩm. Doanh thu năm 2024 của công ty ước tính đạt 390 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023.

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp, Sở Công thương đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chú trọng làm tốt việc cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư...

11.jpg
cum-cong-nghiep.jpg

Tính đến tháng 9/2024, Hải Dương đã thành lập được 60 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.050 ha. Trong đó có 33 cụm công nghiệp thành lập theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Đã có 32 cụm công nghiệp có dự án thứ cấp vào hoạt động, thu hút trên 400 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy của 32 cụm công nghiệp này đạt trên 80%. 27 cụm công nghiệp còn lại được thành lập và giao chủ đầu tư theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ, chưa có dự án thứ cấp vào hoạt động.

Đối với những cụm công nghiệp được thành lập theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn, giao chủ đầu tư theo hình thức chấm điểm. Đến nay đã có 11 trong tổng số 33 cụm công nghiệp đã được giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: Lương Điền, Dịch vụ thương mại Lương Điền (Cẩm Giàng), Ba Hàng (TP Hải Dương), Hồng Phúc - Hưng Long, Nghĩa An (Ninh Giang), Cao Thắng, Ngũ Hùng - Thanh Giang (Thanh Miện), Cộng Hòa (Kim Thành), Văn An 1 (TP Chí Linh) và An Đồng (Nam Sách). Chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục, trình tự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Riêng cụm công nghiệp Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) do UBND huyện làm chủ đầu tư.

Việc thành lập giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đồng bộ, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm tại chỗ. Đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát về môi trường, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, khu vực nông thôn.

Hiện nay, Hải Dương còn 22 cụm công nghiệp đã thành lập theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg (trước năm 2009) chưa có chủ đầu tư, công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Đây là tình trạng chung của các tỉnh, các địa phương trên cả nước do chưa có hướng dẫn cụ thể để thống nhất tháo gỡ các khó khăn trong việc đấu nối hạ tầng, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong việc đóng góp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đóng phí, đấu nối sử dụng các công trình hạ tầng, dịch vụ công cộng, tiện ích…

Hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, manh mún; không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung là những điểm trừ của các cụm công nghiệp này.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hải Dương có các cụm công nghiệp gồm: Cẩm Thượng, Việt Hòa, Tây Ngô Quyền, Ba Hàng, Ngọc Sơn, Thạch Khôi-Gia Xuyên và cụm công nghiệp phía Tây Việt Hòa mới được UBND tỉnh Hải Dương quyết định thành lập.

Tuy nhiên, các cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hải Dương đầu tư hạ tầng không đồng bộ. Nước thải của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp xả trực tiếp vào nguồn tiếp nhận thoát nước chung của thành phố. Một số doanh nghiệp xử lý rác thải rắn không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan thành phố…

Huyện Ninh Giang có nhiều cụm công nghiệp nhất tỉnh. Tuy nhiên trong 12 cụm công nghiệp của huyện thì hiện nay mới có 2 cụm công nghiệp là Nghĩa An và Hồng Phúc - Hưng Long có dự án thứ cấp hoạt động, tỷ lệ lấp đầy được khoảng 65%, còn lại 10 cụm công nghiệp đang được các chủ đầu tư triển khai các trình tự, thủ tục để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ninh Giang, các cấp chính quyền huyện, xã, các phòng chức năng của huyện luôn đồng hành với các chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi có kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Đồng thời cũng sẵn sàng đồng hành cùng các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng, vận hành hoạt động các cụm công nghiệp bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Sản phẩm của Toàn Phát không chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội địa mà còn mở rộng xuất khẩu, dự kiến doanh thu năm 2024 sẽ tăng 9% so với năm 2023

Ngày 19/1/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06 ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Quy chế gồm 3 chương, 14 điều, quy định một số nội dung về công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước về cụm công nghiệp, qua đó góp phần nâng cao hiểu quả trong công tác phối hợp quản lý và phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Mạc Thế Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương, để phát triển các cụm công nghiệp bền vững góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu chung của Hải Dương về phát triển công nghiệp thời gian tới, Sở Công thương phối hợp rà soát, thực hiện quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp phù hợp với Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham mưu sửa đổi, ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ. Yêu cầu các đơn vị thứ cấp hoạt động trong cụm công nghiệp chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo đảm đạt tiêu chuẩn để xả thải theo quy định thì mới được phép hoạt động.

Đối với các cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm theo đúng quy hoạch dược duyệt. Tổ chức vận hành, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo đúng quy định. Đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung cần xử lý ô nhiễm theo công nghệ tiên tiến và phù hợp với các nhóm lĩnh vực ngành nghề, đồng thời có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức thực hiện tốt việc phân loại, tái chế chất thải, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các cụm công nghiệp.

Ông Mạc Thế Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương nói về phương hướng phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Theo phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Hải Dương có 61 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.210 ha, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất trong tỉnh và thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Nội dung: HUYỀN TRANG - THÀNH LONG

Ảnh: THÀNH CHUNG

Đồ họa: HÀ KIÊN

PV