Tài chính - Ngân hàng

Khối ngoại bán ròng hơn 11 triệu cổ phiếu Hòa Phát

VN (tổng hợp) 30/09/2024 18:29

Ngày 30/9, cổ phiếu ngành thép được chú ý từ thông tin mới về đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, nhưng đà tăng của HPG bị cản bởi áp lực bán ròng của khối ngoại.

Khối ngoại bán ròng hơn 11 triệu cổ phiếu HPG trong phiên 30/9. Ảnh: Minh Sơn
Cổ phiếu ngành thép được chú ý từ thông tin mới về đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Chứng khoán khởi đầu tuần này trong sắc đỏ, với sự thận trọng dâng cao. Nhịp điều chỉnh khi chạm ngưỡng 1.300 điểm phiên cuối tuần trước khiến nhà đầu tư lo ngại kịch bản cũ tái diễn. Trước đó, VN-Index đã 6 lần thử thách vùng 1.300 điểm nhưng đều giảm trở về vùng thấp hơn.

Trong khi bên mua chần chừ, bên bán không hạ giá quyết liệt. Sự giằng co của hai bên khiến chỉ số của sàn HoSE đi ngang trong vùng giá 1.285-1.290 điểm đến khi đóng cửa.

VN-Index chốt phiên tại 1.287,94 điểm, giảm gần 3 điểm (0,23%) so với phiên trước. VN30-Index gần như không đổi nhờ lực đỡ của cổ phiếu ngân hàng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đều đóng cửa dưới tham chiếu.

Thay vì diễn biến của chỉ số, điểm nhấn trong phiên đến từ một số nhóm ngành chính được quan tâm. Cổ phiếu thép (HPG) tích cực hơn khi được giới phân tích dự báo hưởng lợi từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Theo Công ty chứng khoán Yuanta, sắt thép chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các nguyên vật liệu chính, với quy mô khoảng 51,8 tỷ USD trên tổng vốn đầu tư. Chính phủ cũng ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu trong nước, giúp các doanh nghiệp thép có thể kỳ vọng tác động từ dự án này tới hoạt động kinh doanh.

HPG giữ sắc xanh toàn bộ phiên giao dịch, các mã khác như HSG, NKG cũng khởi sắc. Tuy nhiên, đà tăng cổ phiếu Hòa Phát bị hạn chế một phần trước áp lực chốt lời của khối ngoại. Phiên hôm nay 30/9, nhà đầu tư nước ngoài bán ra hơn 12,8 triệu cổ phiếu HPG trong khi mua vào chỉ hơn 1,8 triệu đơn vị, quy mô bán ròng khoảng 11 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu ngân hàng, nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ vốn hóa, vẫn là trụ đỡ chính khi thị trường có phần suy yếu. Trong VN30, TPB, VPB đứng đầu nhóm tăng với biên độ gần 2%. Ngược lại, một số mã nhóm này cũng chịu áp lực điều chỉnh, như BID, STB, ACB, VCB.

Thanh khoản toàn thị trường cũng giảm so với trung bình cuối tuần trước, đạt hơn 18.000 tỷ đồng. Thanh khoản trên sàn HoSE chiếm gần 16.300 tỷ đồng, giảm khoảng 6.000 tỷ so với phiên trước, mức thấp nhất ba tuần.

Cuối phiên, sàn HoSE có 153 cổ phiếu tăng giá, so với 241 mã giảm giá. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 500 tỷ đồng, cao nhất trong hơn một tuần.

VPB là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với gần 0,7 điểm khi mã này tăng 1,8% lên 20.100 đồng. Ngược lại, VCB là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm 0,5%.

VN (tổng hợp)