Góc nhìn

Giải ngân vốn đầu tư công - thử thách năng lực

HOÀNG LINH 30/09/2024 05:16

Hải Dương đang quyết liệt, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải tỏa áp lực giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

CT tinh
Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng những dự án đầu tư công trên địa bàn TP Chí Linh

Năm 2024, tổng vốn đầu tư công của Hải Dương là 8.389,6 tỷ đồng, cao hơn 1.457,9 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và tăng gần 650 tỷ đồng so với năm 2023. Nguồn vốn cấp tỉnh quản lý đầu tư cho 71 dự án, công trình giao thông, y tế, giáo dục… nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển. Bên cạnh đó, cấp huyện, cấp xã cũng triển khai nhiều chương trình, dự án phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh.

Năm trước, dù những tháng đầu năm không mấy thuận lợi nhưng với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Hải Dương đã tăng tốc, về đích với tỷ lệ giải ngân đạt hơn 95% kế hoạch vốn và vượt 9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này là tiền đề thuận lợi để tỉnh có những bứt phá trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 cũng như cả giai đoạn vốn trung hạn 2021-2025.

Ngay từ đầu năm 2024, các cấp, ngành của Hải Dương đã chủ động thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Minh chứng là các dự án, công trình được phân bổ vốn chi tiết kịp thời. Mặc dù vậy, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch, nguồn vật liệu… đã khiến không ít dự án chậm giải ngân. Đến ngày 20/9, toàn tỉnh mới giải ngân được 2.420,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28,8% so với tổng vốn thanh toán và bằng 34,9% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện vẫn còn 15 dự án cấp tỉnh quản lý chưa có số liệu giải ngân.

Những ngày đầu tháng 9 này, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã tàn phá, gây hậu quả nặng nề trên địa bàn tỉnh và ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công các dự án, công trình. Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công đã nặng nề lại càng trở nên áp lực.

Các công trình đầu tư xây dựng nhanh, giải ngân vốn kịp thời và đưa vào sử dụng hiệu quả cũng là giải pháp để tỉnh sớm phục hồi và vươn lên sau bão lũ. Trong 2 ngày 23 và 26/9, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đã kiểm tra tình hình triển khai 20 dự án đầu tư công. Sau khi nghe chủ đầu tư, đơn vị thi công báo cáo về những khó khăn, vướng mắc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương tháo gỡ, không để sự chậm trễ ở một khâu hay một đơn vị nào làm ảnh hưởng tới tiến độ chung. Những phần việc nào có thể thực hiện cùng lúc, đồng thời thì linh hoạt triển khai nhằm rút ngắn thời gian thi công. Đồng chí Lê Ngọc Châu cho rằng nhiệm vụ đầu tư công áp lực cũng là dịp để thử thách năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

Thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 không còn nhiều nhưng khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải nỗ lực vì mục tiêu phát triển chung, nhất là trong giai đoạn có những thay đổi quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng. Sự thay đổi này có thể dẫn đến những xáo trộn trong việc triển khai, xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hoặc tạo ra tâm lý lo ngại, sợ sai, đơn vị này nghe ngóng đơn vị kia dẫn đến chậm trễ, mất thời gian. Song với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu chính quyền tỉnh, nếu các cấp, các ngành không ngại khó, dám đương đầu sẽ nỗ lực, tạo bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2024.

Kết quả giải ngân năm 2024 khả quan sẽ tạo sức bật lớn cho Hải Dương thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 và hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025. Đây là căn cứ, nền tảng để tỉnh tính toán, định hướng kế hoạch đầu tư công 2026-2030 phù hợp, hiệu quả.

HOÀNG LINH