Hải Dương đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 1.200 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3
Qua rà soát, thống kê, Hải Dương thiệt hại gần 7.500 tỷ đồng do bão số 3 và mưa lũ sau bão. UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 1.200 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão.
Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối tại trụ sở Chính phủ với với 26 tỉnh, thành phố phía bắc từ Thanh Hoá trở ra.
Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương. Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần làm việc cả ngày thứ bảy vì đồng bào bão lũ, thiên tai. Thủ tướng nêu rõ, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của nhân dân. Sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân rất nặng nề. Nhiều gia đình vẫn phải ở trong những nơi ở tạm, nhiều bản làng vẫn phải rất lâu mới có thể trở lại bình thường.
Nhiều chính sách của Chính phủ đang được tích cực thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng thiên tai đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; đồng thời nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, đồng bào và doanh nghiệp trên cả nước.
Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa các lực lượng, các bộ, ngành, việc huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp, tinh thần đại đoàn kết được thể hiện rất rõ và phát huy mạnh mẽ; cả nước chung tay góp sức, góp của, góp công với tinh thần "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", "ai có của góp của, ai có công góp công, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều".
Với tinh thần "tất cả vì nhân dân, tất cả vì sự phát triển đất nước", khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến, khẳng định những việc đã làm được, làm tốt, chỉ rõ những việc làm chưa tốt, tồn tại, hạn chế, khó khăn, rút ra các bài học kinh nghiệm. Từ đó, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp, góp ý vào văn bản chỉ đạo phù hợp để tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đề ra nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, ban hành thông báo kết luận hội nghị theo tinh thần ngắn gọn, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm.
Đánh giá về cơn bão số 3, Thủ tướng nhấn mạnh một số đặc điểm: Bão liên tục tăng cấp độ rất nhanh (từ cấp 8 lên cấp 16, giật cấp 17 trong 48 giờ); bão kéo dài nhiều giờ trên đất liền; hoàn lưu bão gây mưa lũ lớn, tác động 26 tỉnh, thành phố, ảnh hưởng phạm vi rộng, đối tượng nhiều; gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần và vật chất với nhân dân và đất nước; việc khắc phục tốn kém, kéo dài nhiều năm và có những mất mát không bao giờ bù đắp được, đó là thiệt hại về người thiệt mạng và mất tích; sang chấn tinh thần của một bọ phận nhân dân còn kéo dài và hậu quả khó lường.
Thủ tướng đánh giá công tác cảnh báo, dự báo cơ bản tốt, sát tình hình, từ sớm, từ xa, nhưng còn có sai số như chưa dự báo được sớm việc bão giật cấp 17 khi vào bờ và kéo dài trong đất liền; hoàn lưu bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, có nơi tới 700 mm; dự báo lượng nước về các hồ đập, sông lớn chưa sát thực tế. Nguyên nhân là trang thiết bị có hạn, đầu tư cho công tác dự báo chưa tương xứng.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, thông suốt từ trên xuống dưới. Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ Chính trị đã họp, nghe báo cáo tình hình, chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, thăm hỏi các lực lượng và người dân.
Công tác tuyên truyền, thông tin tới người dân nhìn chung được các cơ quan, báo chí làm tốt với cách làm sáng tạo, ở mức cao nhất có thể, phù hợp với tình hình bất thường; ngoài thông tin về tình hình còn hướng dẫn kỹ năng, cách ứng phó thiên tai.
Công tác phòng chống tích cực, kịp thời, đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân vào cuộc, phát huy "4 tại chỗ". Lực lượng quân đội, công an đã huy động gần 300.000 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, hàng phương tiện tham gia hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ.
Công tác khắc phục hậu quả bão, lũ đã được triển khai rất quyết liệt, kịp thời với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự tập trung vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương, tới cơ sở, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, sự nỗ lực khắc phục khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Qua đây, chúng ta thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" được thể hiện rất rõ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá chung, công tác dự báo, cảnh báo, thông tin - truyền thông, lãnh đạo, chỉ đạo, phòng chống, khắc phục hậu quả bão được làm tương đối tốt và hạn chế tối đa thiệt hại có thể, nhất là về người. Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, bên cạnh đó, có những việc chưa làm được do các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhưng nguyên nhân khách quan là chủ yếu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quan trọng. Thứ nhất, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa. Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước. Thứ ba, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động tồng lực mọi nguồn lực của xã hội, của nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng hống, khăc phục hậu quả. Thứ tư, các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Thứ năm, coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu vẫn là không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, không có chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng đề nghị các Bộ, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và 06 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ.
Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn; cũng như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung, trước đây khi miền Nam có chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.
Tại Hải Dương, từ ngày 7-9/9, bão số 3 đã đổ bộ trực tiếp vào địa bàn với cường độ gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, gây ra mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 90-150 mm, có nơi trên 300 mm. Từ ngày 9-18/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Hải Dương có mưa lớn, lũ thượng nguồn dâng cao kết hợp hồ thuỷ điện xả lũ khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao, nhiều thời điểm vượt xa mức báo động III, duy trì nhiều ngày gây mất an toàn đê điều và công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động ứng phó bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã ban hành 17 công điện chỉ đạo, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình địa phương. Đồng thời huy động trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân sẵng sàng ở các vị trí xung yếu. Tổ chức canh gác đê nghiêm ngặt và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm…
Mặc dù đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sẵn sàng các phương án ứng nhưng do bão số 3 quá mạnh, ở cấp siêu bão, mưa lũ sau bão rất lớn, kéo dài nhiều ngày vượt xa sức chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổng thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh gần 7.500 tỷ đồng.
Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến 12 người Hải Dương thiệt mạng (8 người chết trên địa bàn tỉnh, 4 người chết ở tỉnh ngoài). Thiệt hại về nhà ở khoảng 227,6 tỷ đồng, nông nghiệp gần 4.200 tỷ đồng, công nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại là thiệt hại về cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông, công trình đê điều, thuỷ lợi, văn hoá…
Sau khi bão tan, Hải Dương khẩn trương thu dọn cây xanh bị gẫy đổ, giải toả các vật cản giao thông, sửa chữa trụ sở, vệ sinh môi trường… Tỉnh đã hỗ trợ ngay 12 huyện, thành phố, thị xã mỗi đơn vị 6,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau bão. Tổ chức khắc phục khẩn cấp một số công trình y tế, giáo dục, giao thông, thuỷ lợi… với tổng kinh phí khoảng 52 tỷ đồng.
Trong tổng số thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, kinh phí mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp tự khắc phục rất lớn. Một số nội dung về khắc phục thiệt hại thuộc nhiệm vụ chi, hỗ trợ của ngân sách nhà nước (khoảng 1.677 tỷ đồng). Sau rà soát, ngân sách địa phương có thể bố trí được 351,6 tỷ đồng, còn lại 1.326 tỷ đồng chưa cân đối được. Hải Dương đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 1.200 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau bão, lũ, khôi phục sản xuất, cải tạo, nâng cấp công trình đê điều…