“Của hiếm” thầy giáo nuôi dạy trẻ
Văn hoá-Xã hội - Ngày đăng : 14:39, 27/09/2024
Tại Hải Dương có không ít người thầy múa hay hát giỏi, chẳng kém gì các cô. Đó là những thầy giáo mầm non đang hằng ngày như người “mẹ hiền” chăm từng bữa ăn, giấc ngủ cho những búp măng non, nhân lên những hình ảnh đẹp trong cuộc sống.
Thầy giáo Nguyễn Như Bộ (sinh năm 1988), Trường Mầm non Thạch Lỗi là giáo viên mầm non nam duy nhất ở huyện Cẩm Giàng. Chỉ trong 2 tiếng đầu giờ sáng nhưng thầy đã tất bật với nhiều công việc, từ tập thể dục, chải và buộc tóc đến vệ sinh cá nhân cho các em nhỏ.
Chúng tôi hỏi: "Động lực nào để thầy gắn bó với nghề lâu đến vậy?", thầy Bộ trả lời: “Vì yêu nghề, mến trẻ”. Đúng vậy, tình yêu trẻ được thầy Bộ thể hiện trong từng hành động, cử chỉ, cách chăm sóc trẻ tỉ mỉ.
Thầy Bộ múa hay hát giỏi, đàn hay, chẳng kém gì các cô. Giọng hát sâu lắng, bàn tay uyển chuyển, mềm mại cùng giai điệu của bài hát “Hai bàn tay của em” khiến trẻ hào hứng và lớp học càng sôi động hơn.
Sau thời gian vui chơi, thầy Bộ cho các bé giải lao uống sữa. Đến giờ ăn trưa, thầy Bộ hỗ trợ các cô giáo di chuyển đồ ăn lên các cửa lớp. Công việc quen thuộc đến mức thầy nhớ sở thích ăn uống, ăn kiêng của từng bé.
Chúng tôi đến lớp học của thầy giáo Đào Đình Phương (sinh năm 1983), Trường Mầm non Thúc Kháng (Bình Giang) lúc thầy đang di chuyển đồ ăn để chuẩn bị bữa trưa cho các bé. Bàn tay của người thầy 41 tuổi thoăn thoắt chia đều các phần cơm cho các em nhỏ giống như những người “mẹ hiền” chuẩn bị mâm cơm cho các con mỗi ngày. Trước khi ăn, thầy còn giới thiệu các món ăn và động viên các em ăn khoẻ, ngon miệng hơn. Thầy Phương ân cần hỏi từng bé, có bạn ăn chậm thầy trực tiếp bón cho ăn.
Đúng 11 giờ trưa, thầy Phương hiệu lệnh cho các bé đi ngủ. Chỉ trong ít phút, hàng chục chiếc giường nhỏ xinh đã được trải xong, thầy Phương hướng dẫn trẻ lấy chăn, gối, tạo cho trẻ có thói quen tốt tự phục vụ bản thân. Thầy cẩn thận vỗ về, ru ngủ và đắp chăn cho các bé. Sau bài hát “Chúc bé ngủ ngon” nhẹ nhàng của thầy Phương, hầu hết các bé đã chìm vào giấc ngủ.
“Tôi thuộc từng sở thích, đặc điểm riêng của mỗi trẻ để chăm sóc phù hợp. Trẻ hay đi vệ sinh sẽ được xếp nằm ở những vị trí tiện đi lại và không làm ảnh hưởng đến các em khác. Những trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, chưa quen với nền nếp, tôi dỗ trẻ hoặc ru ngủ, cho ngủ riêng. Tôi chăm các bé như chăm chính con, cháu ruột mình vậy”, thầy Phương nói.
Có thể ví thầy giáo nuôi dạy trẻ như “Gươm lạc giữa rừng hoa”. Đây là câu nói vui để ví họ, những nam giới hiếm hoi trong một tập thể nữ. Công việc cần sự tỉ mỉ, chăm chút, cần sự dịu dàng, thỏ thẻ mà nam giới khó có được như các cô giáo. Thế nên, chỉ khi tiếp xúc với họ, thấy họ làm những công việc hằng ngày nhiều năm qua mới thực sự khâm phục.
Càng khâm phục hơn ở những thầy giáo mầm non này về ý chí mạnh mẽ, sự kiên trì, cần mẫn và tình yêu trẻ vô bờ. Thế nên, những người đàn ông chí lớn hiếm hoi trụ vững giữa “rừng hoa” ấy, phải là những người yêu nghề và dũng cảm.
Mỗi người thầy đều có cái duyên đến với nghề nuôi dạy trẻ. Với thầy Bộ, sau khi tốt nghiệp Khoa Nhạc công tác đội, Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, có một thời gian không tìm được việc làm phù hợp. Năm 2013, thầy Bộ về công tác tại Trường Mầm non Cẩm Định (Cẩm Giàng) và hoàn thiện trình độ đại học ngành sư phạm mầm non. Năm 2015, thầy chuyển về dạy tại Trường Mầm non Thạch Lỗi cho đến nay.
“Có lẽ khó khăn nhất với tôi là thời gian đầu vào nghề bởi định kiến của gia đình và phụ huynh. Gia đình cũng nhiều lần phản đối và khuyên chuyển sang cấp I hoặc cấp II dạy. Đó là chưa kể còn ánh mắt soi xét của họ hàng, hàng xóm hay bạn bè, thậm chí là họ hàng nhà vợ. Nhiều người thắc mắc, vì sao nam giới sức dài, vai rộng lại làm nghề đổ bô cho trẻ trong khi người chồng phải là trụ cột trong gia đình? Nhưng chính tình yêu trẻ và niềm đam mê nghề, được lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp ưu ái, ủng hộ, đặc biệt là vợ con thấu hiểu đã giúp tôi vượt qua tất cả để được vui đùa với trẻ thơ mỗi ngày”, thầy Bộ nói.
Còn duyên nghề đến với thầy Phương cũng khá thú vị. Thầy Phương kể, sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, cũng đã đi làm nhiều nơi. Có lần sửa máy tính cho Trường Mầm non Thúc Kháng và tình yêu với trẻ mầm non bắt đầu từ đó. Thầy học tiếp ngành sư phạm mầm non Trường Đại học Hải Phòng và bắt đầu làm thầy giáo nuôi dạy trẻ tại Trường Mầm non Thúc Kháng khi đã 31 tuổi.
Thầy Phương cho biết khi quyết định chọn nghề giáo viên mầm non, gia đình và bạn bè “sốc”, nhiều người không khỏi bất ngờ, xì xào. Thầy Phương còn bị áp lực bởi sự hoài nghi của phụ huynh, liệu đàn ông có thể chăm sóc con mình tốt như mình chăm sóc hay ít nhất cũng phải chăm sóc như những cô giáo, vì đó là bản năng của phụ nữ. Rồi cũng nhiều người nói, nam giới ở môi trường mầm non thì sao thăng tiến được…
“Tôi đã bỏ qua những hoài nghi, định kiến và luôn tâm niệm, không quan trọng là nam hay nữ, đã là giáo viên thì ai cũng giống nhau, điều quan trọng là tình yêu nghề, yêu trẻ và làm việc bằng tâm của mình. Bén duyên với nghề đến nay đã 10 năm, nhưng mỗi khi được hỏi, tôi vẫn rất tự hào”, thầy Phương nói.
Những cô giáo mầm non ở Hải Dương thường truyền tai nhau rằng, những thầy giáo đang đứng lớp mầm non là “của hiếm”. Đúng vậy, vì thầy giáo mầm non trong toàn tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, huyện Bình Giang có khoảng 5 thầy. Còn các huyện Ninh Giang, Cẩm Giàng và Thanh Miện mỗi nơi có 1 thầy.
Sau thời gian dạy ở trường, có thầy giáo mầm non lại tiếp tục với công việc làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình cũng như nuôi dưỡng đam mê của mình.
Thầy Bộ sau khi tan trường lại rong ruổi trên xe máy cùng với chiếc đàn piano đến xã Tân Trường dạy nhạc cho học sinh và cả người lớn. Ngoài ra, thầy còn làm MC và tổ chức sự kiện.
Còn thầy Phương, sau khi tan trường, thầy về nhà chăm sóc các con và gia đình. Sự tin tưởng của phụ huynh cũng là động lực lớn để thầy Phương tiếp tục nuôi dưỡng đam mê nghề giáo của mình.
Cô giáo Vũ Thị Hương Quế, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Lỗi cho biết dù là nam giới nhưng việc giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, thầy Bộ làm rất khéo và không thua kém các cô. Đặc biệt, có giáo viên nam cũng nhiều thuận lợi để san sẻ công việc với giáo viên nữ, nhất là công nghệ thông tin, những việc nặng nhọc. Ngoài ra, thầy Bộ có tinh thần cầu tiến, luôn đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục. Thầy còn tích cực tham gia viết sáng kiến; làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo.
Được biết, đến nay, thầy Bộ đã có 2 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 2 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở và 2 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm học vừa qua, thầy Bộ đã được UBND huyện Cẩm Giàng tặng giấy khen.
Nhận xét về thầy Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thúc Kháng Đặng Thị Hợi cho biết: "Thầy Phương có năng khiếu sư phạm tốt, thậm chí mức độ kiên nhẫn còn cao hơn nữ giới. Những lớp thầy dạy, các con đều chăm ngoan. Không chỉ tỉ mỉ trong chăm sóc trẻ, thầy còn am hiểu công nghệ, sáng tạo, luôn suy nghĩ ra những cái mới để dạy trẻ. Thầy còn kiêm thêm cả công việc văn thư của trường, hồ sơ sổ sách rất chỉn chu. Hằng năm, thầy Phương đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp trường. Năm học 2023-2024, thầy Phương đã được UBND huyện Bình Giang tặng giấy khen".
Nghề giáo ở cấp bậc nào cũng cao quý, những thầy giáo mầm non tự nhủ sẽ không ngừng cố gắng rèn luyện trở thành tấm gương để hằng ngày chăm sóc tốt cho những búp măng non, nhân lên những hình ảnh đẹp trong cuộc sống.
Nội dung: THẾ ANH
Trình bày: TUẤN ANH