Cưỡng chế thu hồi đất - làm nghiêm để phát triển
Thời gian qua, nhiều địa phương ở Hải Dương đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng, cưỡng chế khi cần thiết, góp phần thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội
Số dự án đầu tư phải tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc diện tích thu hồi đất để triển khai xây dựng nhiều hơn trước. Điều này cho thấy các cấp, ngành liên quan kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, không vì một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án, góp phần thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
UBND huyện Tứ Kỳ vừa hoàn thành cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp đối với 33 hộ trong tổng số 411 hộ liên quan đến Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ rộng hơn 15 ha. 33 hộ này chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng vì còn ý kiến về đơn giá hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ. Để bảo đảm các quy định trong thu hồi đất, trước đó, huyện Tứ Kỳ đã tuyên truyền, vận động, nhưng một số ít hộ không phối hợp điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, địa phương đã quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc diện tích đất thu hồi và tài sản trên đất. Do vướng mặt bằng, Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ đã bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tháng 8/2024, huyện Thanh Hà tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với 5 hộ dân ở xã Thanh Khê để giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng Dự án khu dân cư mới xã Tân An và xã Thanh Khê. Giải phóng mặt bằng dự án này từ năm 2021, huyện Thanh Hà thu hồi tổng số hơn 94.000 m² đất của 108 hộ dân. Tuy nhiên đến tháng 8/2024 vẫn còn 5 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường, không đồng ý thu hồi đất và còn khoảng 8.700 m² chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đây cũng là dự án chậm tiến độ thực hiện nhiều năm…
Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc là một trong những công việc rất quan trọng trong trình tự, thủ tục thu hồi đất. Theo quy định, quá thời hạn 10 ngày kể từ khi kết thúc vận động, thuyết phục, người có đất thu hồi vẫn không phối hợp điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, nếu không chấp hành thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện.
Cưỡng chế kiểm đếm là biện pháp cuối cùng, không ai mong muốn sau khi thực hiện các bước vận động, thuyết phục không đạt kết quả. Đến nay, chưa có báo cáo nào đánh giá việc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc hoặc cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhưng các cuộc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc chúng tôi biết cơ bản diễn ra đúng quy định.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa đồng tình chính sách bồi thường, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là một số người dân liên quan dự án chưa nắm đầy đủ các quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đòi hỏi mức bồi thường vượt quá quy định, cơ quan chức năng cũng không thể giải quyết được vì vi phạm. Cũng có trường hợp nắm được quy định nhưng còn chần chừ, nghe ngóng để mong được tăng thêm tiền hỗ trợ, bồi thường. Không ít cán bộ cơ sở cũng chưa thật tường tận các quy định, khả năng tuyên truyền vận động chưa thấu đáo, thuyết phục. Mặt khác, không loại trừ có nơi, có nhóm người lợi dụng người dân thiếu hiểu biết đã xúi giục không nhận bồi thường, không bàn giao đất và hứa hẹn...
Thời gian qua, tỉnh Hải Dương phê duyệt chủ trương đầu tư nhiều dự án trên các lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu phát triển. Để tránh phải cưỡng chế kiểm đếm đất đai, tài sản, các cấp, ngành liên quan cần phổ biến, tuyên truyền pháp luật thực chất, tránh hình thức, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân. Người tham gia tổ chức thực hiện trực tiếp thu hồi đất cần nâng cao trình độ, tâm huyết, trách nhiệm; quan tâm đầy đủ lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, đặc biệt là trong việc định giá đất bồi thường. Áp dụng mức bồi thường công bằng giữa những trường hợp dự án có điều kiện tương tự nhau. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền kiên trì, kiên quyết thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.