Hồ sơ phá án

Mua hổ về nuôi, Đồng Xuân Công ở Kim Thành trả giá đắt

NGỌC MAI 28/09/2024 09:00

Đồng Xuân Công (sinh năm 1980, ở xã Kim Đính, huyện Kim Thành, Hải Dương) lên mạng xã hội tìm mua hổ về nuôi và phải trả giá đắt vì vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

img_6054(1).jpeg
Bị cáo Đồng Xuân Công (bên trái) và Lò Văn Tiếp tại tòa

Nuôi hổ vì thừa lồng chó

Theo cáo trạng và lời khai của Công tại tòa, trước tháng 8/2023, vì thích nuôi động vật nên Công làm chuồng nuôi 2 con chó Pitbull nhưng một thời gian sau thì không nuôi nữa. Trong khi lồng để không, Công lên mạng xã hội Facebook thấy có người đăng thông tin bán hổ con nên đã hỏi mua về nuôi để kinh doanh.

Qua tìm hiểu, Công đồng ý mua của một người đàn ông không rõ tên, tuổi, địa chỉ 2 con hổ có trọng lượng 15kg/con với tổng số tiền 50 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận sẽ giao hổ tận nơi ở của Công.

Cuối tháng 8/2023, sau khi thỏa thuận khoảng từ 7-11 ngày, Công nhận được cuộc gọi ra nhận 2 con hổ nhốt trong lồng được bọc vải xung quanh. Nhận hổ và thanh toán tiền xong, Công mang 2 con hổ nhốt vào chuồng chó bỏ không tại căn nhà cấp 4 ở bãi ngoài đê Đầm Châm, xã Đại Đức (Kim Thành). Hằng ngày, Công đi xin đầu gà cho hổ ăn. Khi Hội đồng xét xử hỏi, Công khai không tìm hiểu cách thức nuôi hổ mà chỉ nuôi lớn sau này ai mua thì bán lấy lãi, không có ý định thịt để nấu cao hổ.

Đầu tháng 4/2024, Công thuê Lò Văn Tiếp (sinh năm 2003, là người dân tộc Thái, trú tại xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu, Sơn La) đang làm công việc nuôi cá ở đầm của Công sang trực tiếp chăm sóc, cho hổ ăn, vệ sinh chuồng hổ. Ngày 4/5/2024, khi Tiếp đang cho hổ ăn thì bị tổ công tác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế, môi trường (Công an tỉnh Hải Dương) phối hợp với Hạt Kiểm lâm thị xã Kinh Môn kiểm tra, phát hiện lập biên bản, thu giữ 2 cá thể hổ có trọng lượng 80 kg/con.

Sau khi thu giữ, lực lượng chức năng đã bàn giao 2 con hổ cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.

Phạt tiền tỷ

img_2562(1).jpeg
Hai cá thể hổ do Đồng Xuân Công nuôi nhốt trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện (ảnh tư liệu)

Ngày 25/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương mở phiên tòa xét xử đối với Đồng Xuân Công và Lò Văn Tiếp cùng về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Được biết, ngay sau khi biết lực lượng Công an phát hiện hành vi nuôi, nhốt hổ trái phép, ngày 4/5/2024, Công đã đến Công an tỉnh Hải Dương đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi nuôi, nhốt trái phép 2 con hổ.

Tại tòa, bị cáo Công và Tiếp tỏ ra ăn năn hối lỗi, khai báo thành khẩn, rõ ràng về hành vi phạm tội của mình, xin được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Công từng bị UBND huyện Kim Thành xử phạt vi phạm hành chính về khai thác cát trái phép. Công cũng từng bị Công an huyện Kim Thành xử phạt vi phạm hành chính về đánh bạc.

Tòa đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến việc bảo vệ hệ cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Hội đồng xét xử tuyên phạt Đồng Xuân Công 1 tỷ đồng; Lò Văn Tiếp 300 triệu đồng cùng về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điểm a, khoản 1, điều 244 Bộ luật Hình sự.

Hành vi nuôi nhốt hổ trái phép không chỉ gây nguy hiểm cho hổ vì điều kiện nuôi nhốt, vệ sinh, ăn uống không bảo đảm mà người nuôi hổ cũng đối mặt với nguy cơ bị hổ tấn công và bị cơ quan chức năng xử lý. Hiện nay, cùng với việc bị xử lý nghiêm, hành vi nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm cũng bị xã hội lên án mạnh mẽ. Nhiều người đã tẩy chay các sản phẩm từ hổ để ngăn chặn hành vi phạm tội, bảo vệ động vật. Bản án trên là cái giá thích đáng cho những đối tượng coi thường pháp luật.

Theo điểm a, khoản 1, điều 244 Bộ luật Hình sự, người nào săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

NGỌC MAI